Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những yếu tố phát triển thị trường Carbon tại Việt Nam

Minh Long - 07:46 28/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Việt Nam hiện có 480.000ha rừng được Chứng nhận Quản lý rừng bền vững với 10% rừng trồng là rừng sản xuất gỗ lớn, 20 triệu mét khối gỗ khai thác từ rừng trồng mang lại 17 tỷ USD từ xuất khẩu sản phẩm từ gỗ và lâm sản mỗi năm và 4.000 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng; ước tính có 662 triệu tấn Carbon lưu giữ trong rừng, là thế mạnh cho phát triển thị trường Carbon.
Chu trình tạo lợi nhuận của đơn vị, tổ chức trồng rừng thông qua Tín chỉ Carbon.

Lợi ích và giá trị gia tăng từ rừng trồng, lưu trữ Carbon 

Theo TS. Hoàng Liên Sơn (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), số liệu được công bố năm 2023 cho thấy, Việt Nam hiện đang có 14,86 triệu hec-ta rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,13 triệu hec-ta và rừng trồng 4,73 triệu hec-ta với độ che phủ 42,02%. Sau quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ từ năm 2016, nền kinh tế lâm nghiệp chuyển mạnh sang “kinh doanh rừng trồng”, mỗi năm cung cấp từ 35 - 40 triệu mét khối gỗ. Với diện tích bao phủ rừng hiện tại, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng hấp thụ và lưu giữ Carbon rừng trồng lớn. 

Về phát triển rừng trồng, TS. Hoàng Liên Sơn đánh giá, Việt Nam có những lợi thế trong nhiều lĩnh vực gồm: Giống, kỹ thuật, đa dạng loài cây, diện tích rừng lớn và đã có chính sách Quản lý bảo vệ rừng cụ thể, chặt chẽ. Đặc biệt về chính sách, Việt Nam đã có những cải cách về Quyền sử dụng đất và Quyền hưởng dụng rừng; đẩy mạnh phát triển thị trường Gỗ và sản phẩm Gỗ, tạo động lực thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ trồng rừng - khai thác - chế biến - thương mại. Đồng thời, Việt Nam cũng tăng cường áp dụng khoa học công nghệ cải thiện giống/kỹ thuật lâm sinh, có diện tích rừng trồng keo là chủ lực cung cấp gỗ nguyên liệu”. Đến năm 2023, Việt Nam đã ký 16 Hiệp định Thương mại tự do FTA, trong đó Hiệp định VPA/FLEGT cho riêng lĩnh vực Lâm nghiệp.

Về diện tích và cơ cấu quản lý rừng trồng theo chủ rừng, theo Bộ NNPTNT công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023, tổng diện tích rừng trồng của nước ta là 4,73 triệu hec -ta. Trong đó: Rừng trồng sản xuất tập trung 4,07 triệu hec -ta, sản lượng khai thác 21 triệu m3/năm. Tổ chức kinh tế trồng rừng 15%; Lực lượng vũ trang trồng rừng 2%; Tổ chức khoa học công nghệ tham gia trồng rừng 2%; Hộ gia đình, cá nhân 45%; Cộng đồng dân cư 3%; Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài 0%; UBND cấp xã 33%.

TS. Hoàng Liên Sơn cho biết, hiện tại, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn đo lường và giám sát Carbon rừng trồng theo nguyên tắc xác định số lượng ô tiêu chuẩn/lô rừng trồng, theo đó: Lô rừng có diện tích từ < 0,5 ha: Lập 1 ô tiêu chuẩn; Lô rừng có diện tích từ 0,5 - 1,0 ha: Lập 2 ô tiêu chuẩn; Lô rừng có diện tích > 1 ha: Lập 3 ô tiêu chuẩn; Diện tích ô tiêu chuẩn = 314 tương ứng bán kính ô = 100m. Đo hàng năm trên cùng một vị trí xác định đã được lựa chọn, đồng thời tập huấn kỹ thuật lập ô tiêu chuẩn và hướng dẫn đo đếm. 

Định hướng phát triển ngành Lâm nghiệp đến năm 2030 đã đề ra các mục tiêu: Tăng độ che phủ rừng 42-43%; khai thác 35 triệu m3 gỗ hàng năm; Duy trì và mở rộng diện tích rừng gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu hecta; Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 23-25 tỷ USD; 100% nguyên liệu gỗ cho thị trường trong nước và xuất khẩu từ nguồn hợp pháp và Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (QLRBV). Tối thiểu 1 triệu hec-ta rừng được chứng nhận QLRBV và 100% diện tích rừng do chủ rừng là tổ chức thực hành QLRBV. 

Hộ gia đình trồng rừng sẽ tăng thêm thu nhập khi tham gia thị trường Carbon. Ảnh minh hoạ

Tiềm năng phát triển thương mại tín chỉ Carbon rừng tại Việt Nam là rất lớn

Tại sao cần Chứng chỉ rừng bền vững? Theo TS. Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO), các tổ chức, đơn vị tham gia cần có Chứng chỉ rừng bền vững nhằm tuân thủ pháp luật Việt Nam và quy định quốc tế, theo đó nguyên liệu và lâm sản có chứng nhận QLRBV sẽ mang tính hợp pháp. Từ đó, chuỗi cung ứng nguyên liệu đảm bảo minh bạch và được xác minh bởi bên thứ ba, độc lập. Cấp Chứng chỉ rừng còn nhằm tăng cường bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững, phát triển kinh tế - xã hội. 

Tín chỉ Carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải 1 tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ Carbon là giảm lượng khí thải Carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Tháng 3/2024, Việt Nam nhận 51,5 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) đầu tiên từ Ngân hàng Thế giới (WB) qua việc bán hơn 10 triệu tấn tín chỉ Carbon rừng. Đây là bước khởi đầu trong một thị trường mua bán, trao đổi, bù trừ tín chỉ Carbon đầy tiềm năng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo vẫn còn nhiều thử thách, gian nan đặt ra. Tiềm năng phát triển thương mại tín chỉ Carbon rừng tại Việt Nam là rất lớn, hiện có khoảng 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định trong Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đây chính là các khách hàng sẽ tham gia thị trường trong thời gian tới.

Định vị thị trường Carbon rừng với 2 thị trường chủ yếu: Thị trường bắt buộc (có giá từ 3-138 USD/tấn CO2) tùy thuộc vào quy định của mỗi quốc gia (thuế Carbon, hạn ngạch phát thải, hệ thống thương mại phát thải - ETS). Thị trường này thường áp dụng trong phạm vi quốc gia; Thị trường tự nguyện (có giá từ 2,5 -7,0 USD tấn CO2), thị trường này mang tính thương mại Carbon giữa các tổ chức theo cơ chế tự nguyện (VCM) với yêu cầu các bên tuân thủ Tiêu chuẩn Carbon, cơ chế thương mại Carbon song phương, đa phương (JCM).

Yêu cầu chung với Dự án Carbon theo thị trường Carbon tự nguyện là phải đáp ứng các Tiêu chuẩn Carbon có quy định khác nhau và thường bao gồm: Hoạt động sản xuất rừng phù hợp; Thời gian tham chiếu, giai đoạn thực hiện tín chỉ của các dự án; Dung lượng bể Carbon, khí nhà kính của dự án; Phương pháp đo đạc, tính toán, báo cáo; Rủi ro (dịch chuyển, đảo nghịch phát thải); Tính bổ sung (lượng giảm phát thải, tăng hấp thụ)…  

Về lộ trình phát triển thị trường, TS. Vũ Tấn Phương chia sẻ: Giai đoạn từ năm 2023-2024 sẽ hoàn thiện khung pháp lý trao đổi hạn ngạch, tín chỉ Carbon; hoàn thiện cơ sở hạ tầng và củng cố năng lực quản lý, vận hành. Giai đoạn từ năm 2025-2027 sẽ vận hành thí điểm thị trường trên sàn giao dịch.
Từ năm từ 2028 sẽ đưa vào vận hành chính thức thị trường Carbon, kết nối với các thị trường khác trong khu vực và quốc tế. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu quốc tế và nâng cao năng lực quản lý, vận hành cho các đơn vị tham gia. Lưu ý các đơn vị tham gia thị trường quan tâm đến hạn ngạch phát thải do Bộ Tài nguyên Môi trường phân bổ tới các cơ sở phát thải khí nhà kính theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt .