Sau lũ quét và chết chóc, ai là người trả lời cho những mất mát mà bà con phải gánh chịu hôm nay!
Không ai có thể bình tâm trước nỗi thương đau, mất mát của đồng bào các tỉnh bắc miền Trung, đặc biệt là miền núi phía Bắc do ảnh hưởng của bão số 3 cùng với mưa lớn và lũ quét gây ra. Thêm một lần tinh thần tương thân tương ái thương người như thể thương thân được khơi gợi. Và cũng lại thêm một lần câu hỏi về trách nhiệm mỗi người, mỗi ngành trước những thảm họa do thiên nhiên gây ra.
Mới giữa tháng 7 mà nước ta đã hứng 3 cơn bão. Các tỉnh bắc miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa….ruộng đồng ngập sâu trong nước. Mấy tháng trời chăm chút, người dân xem như đã trắng tay. Phố phường Hà Nội nhiều con đường đã biến thành sông; Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh cả tuần qua mưa như trút nước. Tấm áo thiên nhiên đã mỏng hơn trong sứ mệnh che chở cho con người. Ở đâu cũng nghe nhà ngập, người chết, đường sạt, cầu trôi. Con số thiệt hại do lũ lụt gây ra cứ tăng thêm sau mỗi lần kiểm đếm. Lòng người càng quặn thắt sau mỗi bản tin của báo, đài.
Những năm trước là Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, giờ thì đến Yên Bái. Dường như không năm nào không xảy ra lũ ống lũ quét ở các tỉnh miền núi. Thật khó để quên đi hình ảnh dữ dằn của dòng lũ từ trên núi cao đổ về cuốn phăng ruộng vườn, nhà cửa, trâu bò, gà lợn và cả những phận người nhỏ nhoi quanh năm chỉ biết sống dựa vào vườn cây, ao cá ven đồi. Giữa mưa gió bão bùng, giữa cơn cuồng giận của thiên nhiên, thân phận con người mới nhỏ bé làm sao.
Những bản làng yên bình hôm nào, sau một cơn lũ quét đi qua, đã xơ xác hoang tàn. Con tìm cha, vợ tìm chồng, ông bà đi tìm cháu. Thẩn thờ những ánh mắt; lê lếch những đôi chân dọc bờ sông, con suối, soi từng gốc cây, lục lọi từng hốc đá, khản giọng đi tìm thi thể người thân.
Không để dân bơ vơ trong hiểm nguy, cộng đồng đã chung tay góp sức. Thủ tướng Chính phủ ra công điện chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Tất cả dồn sức cho công tác cứu hộ cứu nạn, khôi phục giao thông liên lạc, dựng lại nhà cửa, giúp bà con vùng lũ ổn định chỗ ở, không để ai bị đói, bị rét. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ tức tốc lên đường. Cứu dân như cứu mình, mệnh lệnh từ trái tim, người lính chỉ biết tiến mà không phút giây do dự.
Một khúc ruột đau, cả nước quặn lòng! Sự chung tay của cộng đồng giúp người dân vùng lũ lúc này là vô cùng cần thiết để bà con thấy rằng, trong hoạn nạn, mình không đơn độc, mà thêm ấm lòng, thêm vững đôi chân, gạt bùn đất, đứng lên dựng lại cuộc sống.
Tuy nhiên, điều cần hơn cả là một chính sách căn cơ để người dân sống an toàn trên những vùng đất ấy. Bởi không thể cứ lũ lụt là dỡ nhà, dời làng chạy quanh! Sau lũ quét và chết chóc, ai là người trả lời cho những mất mát mà bà con phải gánh chịu hôm nay! Có vị lãnh đạo địa phương nào dám đứng ra nhận trách nhiệm về những cánh rừng nguyên sinh bị cạo trọc, lòng núi bị đục khoét, lòng sông bị hút cạn, đến cả những công trình thủy điện lớn nhỏ xây dựng tràn lan?
Đứng trước một ngôi làng bị vùi trong bùn đất; đứng trước những cây cầu bị lũ cuốn trôi để chỉ đạo công tác khắc phục, có vị nào nghĩ rằng, chính mình chứ không ai khác, vài ba mươi năm trước, khi còn là cán bộ cơ sở, đã buông lỏng quản lý, để cho những cánh rừng kia bị lâm tặc khuân đi!
Sau bao nhiêu năm với nhiều chương trình dự án, tiêu tốn hàng ngàn, hàng vạn tỉ đồng để trồng rừng, có ai dám chắc rằng, rừng đã thực sự được phục hồi! Mặc dù năm ngoái, Bộ NN-PTNT cho biết, nước ta có trên 14.400 hecta rừng, độ che phủ tương ứng là 41,45%. Nghĩa là vượt cả con số 13 triệu rưỡi hecta mà Sở Kiểm lâm Đông Dương đã công bố năm 1930!
Vài chục năm trở lại đây, bão lũ năm sau bao giờ cũng dữ dội hơn năm trước. Thiệt hại theo đó cũng ghê gớm hơn. Chúng ta đã ứng xử thô bạo với thiên nhiên, và bây giờ phải gánh chịu hậu quả. Điều đó nhiều người thấy, nhiều người nói. Thế nhưng chúng ta vẫn chưa có những quyết sách thật mạnh mẽ, những hành động thật cương quyết với nạn phá rừng.
Không thể cứ để rừng đầu nguồn bị tàn phá vô tội vạ, để rồi, năm nào cũng phải huy động sức người sức của cứu trợ. Tiền thì có thể, nhưng sinh mạng con người thì lấy gì bù đắp?”.
Theo VOV