Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Măng tây xanh – Cây trồng chủ lực vùng đất cát Điện Dương

01:15 25/01/2018 GMT+7

Măng tây xanh được xem là sản phẩm rau sạch cao cấp rất tiềm năng, do giàu hàm lượng dinh dưỡng, phương pháp canh tác đảm bảo vệ sinh môi trường, thị trường ưa chuộng.

Măng tây xanh, loại rau sạch cao cấp hiện rất khan hiếm trên hiện trường

Phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là vùng đất cát cằn cỗi, bao đời nay người dân nơi đây rất khó chọn giống cây trồng phù hợp để có thể mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Nhưng mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi vào năm 2014 khi Trạm Khuyến nông Điện Bàn triển khai mô hình trồng cây măng tây xanh cho các hộ dân trên địa bàn…

Công ít – lời cao

Dạo quanh các khối phố Hà My Trung, Hà My Tây và Tân Khai (phường Điện Dương) những ngày này, có thể bắt gặp rất nhiều vườn măng tây được người dân chăm bón tươi tốt. Theo ông Phạm Ba (60 tuổi, khối phố Tân Khai), khi Trạm Khuyến nông Điện Bàn mang về giới thiệu loại cây này, tìm hiểu thì thấy măng tây xanh ưa nắng, hợp với đất pha cát, có giá trị kinh tế cao, ông quyết định trồng thử và thấy hiệu quả. Năm sau, ông quyết định mở rộng diện tích ra hết khu vườn. “Măng tây xanh là một dạng rau sạch cao cấp, tương đối an toàn vì ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giá lại ổn định, thương lái đến tận nhà mua với giá 90.000 – 100.000 đồng/kg. Gần 4 năm kể từ khi trạm khuyến nông đưa loại cây này về, không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân khác trong khối phố cũng đã chuyển đổi sang trồng măng tây xanh…”, ông Ba cho biết.

Với diện tích 2.000m2, mỗi ngày gia đình ông Ba thu hoạch 5-6kg măng, thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng, số tiền không nhỏ với người dân quê nơi đây, nhất là với những người lớn tuổi như vợ chồng ông Ba. “Trồng loại cây này cũng nhẹ nhàng, chỉ cần siêng năng nhổ cỏ, thi thoảng tỉa cành cằn cỗi hư hại thôi. Buổi sáng dậy sớm mang rổ ra nhổ măng, xem như tập thể dục. Mỗi búp măng mình chỉ lấy 25cm tính từ ngọn, phần còn lại đem phơi khô và nấu nước uống như một loại trà rất ngon và tốt cho sức khỏe. Tôi dự định tết năm nay sẽ chọn những cây khỏe, cắt nhánh bán để người ta mua về cắm, kiếm thêm ít tiền tiêu tết. Với những người lớn tuổi như chúng tôi, như vậy là tốt lắm rồi”, ông Ba nói thêm.

Tại khối phố Tân Khai, hiện có hơn 20 hộ trồng măng tây xanh với quy mô diện tích 1.000 – 8.000m2. Để đảm bảo đầu ra ổn định cũng như giúp hỗ trợ kỹ thuật, năm 2015 phường Điện Dương đã thành lập tổ hợp tác măng tây xanh gồm 8 thành viên. Ông Lê Thanh Phong, Tổ trưởng Tổ hợp tác măng tây xanh, 1 trong 2 hộ đầu tiên trồng thử nghiệm loại cây này, cho biết: “Hiện tại măng tây xanh vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Từ khi thành lập tổ hợp tác đến nay, ông vừa canh tác trồng măng tây xanh trên diện tích 2.000m2 của gia đình, vừa tổ chức thu mua măng của các hộ dân trong tổ hợp tác và trong khối. Nhu cầu thị trường lớn lắm mà số lượng măng thì có hạn, hiện tại tôi mới chỉ bỏ măng cho vài khách sạn, nhà hàng ở Hội An và Đà Nẵng, nhiều nơi khác đặt hàng nhưng tôi không dám nhận cũng không dám giới thiệu thêm”.

Phù hợp nền nông nghiệp đô thị

Khối Tân Khai là vùng đất pha cát, bao đời nay người dân nơi đây chỉ trồng được một số loại cây hoa màu ngắn ngày như bắp, đậu nhưng cũng chỉ được một vụ, thời gian còn lại bỏ hoang do không thể trồng cây gì khác. Việc đưa măng tây xanh vào trồng đã giúp nhiều hộ gia đình có việc làm và thu nhập quanh năm, do loại cây phát triển rất nhanh. Cây trồng khoảng 5 tháng sẽ cho thu hoạch liên tục trong vòng 4-5 năm. Hiện tại, mỗi cây giống có giá 6.000 đồng, tuy nhiên một số hộ dân như ông Phạm Ba cũng đã thử chiết cành trồng thay vì mua giống, bước đầu có kết quả tốt, giúp tiết kiệm một phần chi phí.

Theo ông Đinh Hùng Liên, Chủ tịch UBND phường Điện Dương, hơn 4 năm nay giá măng tây xanh rất ổn định, thậm chí là cao hơn. Với nhiều hộ dân sống tại địa phương, nhờ biết cải tạo vườn cây tạp để trồng măng mà cuộc sống ngày càng tươm tất, nhất là với những người lớn tuổi không thể làm việc nặng. Riêng những lao động trẻ, họ cũng có thể vừa trồng măng vừa làm công việc khác. Do đó, phường luôn tạo điều kiện để bà con phát triển loại cây này, thậm chí hướng đến quy hoạch thành cây trồng chủ lực ở vùng đất cát Điện Dương.

Theo ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn, sản xuất nông nghiệp sạch như trồng măng tây xanh là phù hợp với xu hướng của địa phương là xây dựng nền nông nghiệp đô thị. Đặc biệt, măng tây xanh được xem là sản phẩm rau sạch cao cấp rất tiềm năng, do giàu hàm lượng dinh dưỡng, phương pháp canh tác đảm bảo vệ sinh môi trường, thị trường ưa chuộng. “Phòng luôn khuyến khích các mô hình phát triển nông nghiệp sạch nên ngay từ lúc cây măng tây xanh được trồng trên vùng đất cát Điện Dương, chúng tôi đã đến khảo sát, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư cây giống, kể cả giúp quảng bá hình ảnh sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để sản phẩm tiêu thụ ổn định hơn. Ngoài ra, bên cạnh giúp đỡ thành lập tổ hợp tác về sản xuất cây măng tây xanh, phòng cũng hỗ trợ  thành lập các chuỗi giá trị để nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản này lên tốt hơn”, ông Nguyễn Đức Chơi nói.

Ngọc Phúc/SGGP