Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Mây tre đan Vân Sơn lên hương nhờ OCOP

13:25 21/07/2020 GMT+7
Khẳng định thương hiệu nhờ chất lượng, Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Vân Sơn (Kim Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) đang từng ngày vươn mình nhờ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Dám nghĩ dám làm Ngược vùng sơn cước tỉnh Quảng Bình, chúng tôi ghé thăm làng nghề

Khẳng định thương hiệu nhờ chất lượng, Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Vân Sơn (Kim Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) đang từng ngày vươn mình nhờ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Biên bản ghi nhớ Hợp đồng kinh tế với công ty My Love My Like OTP Thái Lan.

Dám nghĩ dám làm

Ngược vùng sơn cước tỉnh Quảng Bình, chúng tôi ghé thăm làng nghề mây tre đan Vân Sơn. Đón chúng tôi, ông Lê Viết Sơn – Giám đốc HTX Mây tre đan Vân Sơn tay bắt mặt mừng, cùng nụ cười nhân hậu, ông cho biết: HTX Vân Sơn ra đời từ năm 2013, hoạt động với số vốn điều lệ ít ỏi của gia đình sau nhiều năm chắt chiu được, vỏn vẹn chỉ khoảng gần 2 tỷ đồng. Sản phẩm chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nguyên liệu, mua bán các sản phẩm mây tre và lâm sản. Để việc sản xuất kinh doanh thuận lợi, HTX đã đầu tư xây dựng 4 nhà xưởng với diện tích 2.000m2 làm nơi sản xuất, xưởng chế biến nguyên liệu và hội trường phục vụ công tác đào tạo, tập huấn, dạy nghề cho lao động. “Lúc đó tôi cũng thấy mình liều lắm. Hồi đó gia đình còn khó khăn, tích góp mãi mới được số tiền ít ỏi. Cũng vừa làm, vừa lo, vừa vay, vừa trả nợ” – ông Sơn nói.

Tuyên Hóa vốn là vùng “rốn nguyên liệu” của miền Trung, mây song vừa dẻo lại sáng bóng được khách hàng cả nước ưa chuộng. Những năm đầu, ông Sơn xoay xở, chật vật nhận cung cấp nguyên liệu thô, tươi cho cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội. Chẳng lời lãi được bao nhiêu, ông quyết chí tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Đầu tiên, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, ông chiêu mộ các thợ giỏi khắp mọi miền tổ quốc về đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động trong HTX. Ông Sơn kể: “Bởi chỉ có chất lượng mới đảm bảo sự an toàn cho doanh nghiệp trong cơ chế thị trường hiện nay. Cái nghề dễ vô cùng, song cũng nhọc nhằn không kém, người thợ phải biết cách “thổi hồn” vào những tác phẩm nghệ thuật của mình thì mới mong muốn tiếp cận được khách hàng hiệu quả”.

Để có một sản phẩm hoàn thiện, các công đoạn sản xuất mây tre đan đòi hỏi sự cẩn thận, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu. Cây mây phải chọn cây có gióng đều, thông thường phải đạt độ dài 5m, khi chẻ và đan mới dễ dàng.

Ông dẫn chúng tôi tới công xưởng – nơi có hơn 35 lao động và công nhân đang miệt mài, tỉ mỉ với công việc thường ngày. Người kéo, người đan bận rộn và tấp nập. Dưới bàn tay khéo léo và tinh tế của họ những sản phẩm từ mây, tre ấy được khách hàng khắp nơi ưa chuộng từ bao giờ không ai hay.

Hàng năm, HTX Vân Sơn còn chú trọng mời nghệ nhân và thợ giỏi từ các làng nghề truyền thống có tiếng trong nước về tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến nguyên liệu và nâng cao tay nghề đan xiên cho lao động HTX.

Sản phẩm HTX Vân Sơn tại gian hàng NTM.

Khẳng định thương hiệu nhờ OCOP

Phát huy tiềm năng lợi thế của một “làng nghề” đan lát truyền thống cùng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các gia đoạn chế biến, đan lát…HTX Vân Sơn đã mạnh dạn tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để đưa sản phẩm vươn xa, khẳng định thương hiệu Việt (Made in Viet Nam) với bạn bè Quốc tế.

Năm 2019, được sự động viên của chính quyền địa phương, HTX Vân Sơn “xung phong” tham dự chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xuất sắc đạt thương hiệu 3 sao – sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Kể từ đó, uy tín và thương hiệu của sản phẩm mây tre đan Vân Sơn “lên như diều gặp gió”. Được đông đảo lượng khách hàng trong và ngoài nước biết đến và yên tâm khi sử dụng. Thị trường liên tục được mở rộng, đến nay đã có hơn 20 cơ sở, phân phối sản phẩm, đối tác chiến lược trọng điểm ở Đông Nam Á (Lào, Thái Lan). Trung bình mỗi năm bán ra thị trường hơn 8.200 sản phẩm và hơn 40 tấn nguyên liệu song mây đã qua chế biến.

Khách đến tham quan mua hàng tại HTX Vân Sơn

Việc xây dựng được một cơ sở đầu mối sản xuất, chế biến gắn với thị trường và phối hợp đào tạo hàng trăm lao động có tay nghề chuẩn ở 6 xã của 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa của HTX Mây tre đan Vân Sơn có ý nghĩa rất lớn trong việc chung tay phát triển làng nghề ở nông thôn. Tạo công ăn việc làm với mức lương ổn định cho nhiều nhân công, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng đời sống văn hóa mới.

Ông Lê Viết Sơn, Giám đốc HTX Mây tre Vân Sơn chia sẻ: “Thời gian tới, HTX Mây tre đan Vân Sơn sẽ tiếp tục sản xuất các sản phẩm từ mây. Đây là mặt hàng đang được các đại lý từ Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp… thu mua liên tục với số lượng lớn. HTX quyết tâm đưa sản phẩm đến với nhiều thị trường, mở rộng, phát triển hơn nữa để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lực lượng lao động thủ công trên địa bàn toàn tỉnh”.

Ông Lê Công Toán – Chủ tịch Hội ND Quảng Bình cho biết, sản phẩm mây tre đan Vân Sơn là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình. Với phương thức quản lý khoa học, cùng đội ngũ nghệ nhân tay nghề cao…sản phẩm của HTX đang được ưa chuộng rộng rãi. Đặc biệt, HTX còn giải quyết việc làm cho hơn 35 lao động, giúp họ ổn định cuộc sống và khấm khá hơn.

Từ những kết quả đã đạt được, ông Sơn và HTX Mây tre đan Vân Sơn được tặng bằng khen, giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Hội ND tỉnh, Sở Công Thương…; được Trung ương Hội ND Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì giai cấp ND Việt Nam.

Năm 2019, được sự động viên của chính quyền địa phương, HTX Vân Sơn “xung phong” tham dự chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xuất sắc đạt thương hiệu 3 sao – sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Kể từ đó, uy tín và thương hiệu của sản phẩm mây tre đan Vân Sơn “lên như diều gặp gió”. Được đông đảo lượng khách hàng trong và ngoài nước biết đến và yên tâm khi sử dụng.

Bảo Trung