Tại phiên chất vấn người đứng đầu ngành Giao thông, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đã đưa ra hàng loạt câu hỏi: Cơ quan nào có trách nhiệm trong việc này? Ai phải bồi thường thiệt hại cho người dân? Giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?
Thừa nhận rằng, trong nhiều trường hợp, việc cải tạo, nâng cấp đường tạo sự chênh lệch cốt rất lớn giữa nhà dân và hè đường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân có trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, song Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Luật Xây dựng đã quy định cốt nền của các công trình dự án trong đô thị. Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào đó khống chế cốt của các tuyến đường trong quá trình nâng cấp, xây dựng mới… Bộ trưởng hứa tới đây sẽ nghiên cứu việc không nâng cấp, sửa chữa trên mặt đường cũ mà cải tạo, cào bóc, tái chế mặt đường cũ, hạn chế tối đa việc tăng cao độ, đẩy mạnh giám sát mặt đường cho phù hợp với thiết kế của nhà dân.
Thế nhưng, quan trọng hơn cả, với những trường hợp đang tồn tại, ông Thể cho biết “chưa có giải pháp nào đảm bảo hài hòa nhất”.
Trong khi đó, ngay tại Thủ đô Hà Nội, đã có hàng trăm trường hợp như vậy. Trên đường Xã Đàn (quận Đống Đa), có chỗ cốt nền nhà và mặt vỉa hè lệch đến hàng mét. Thế mới có chuyện nhiều hộ dân ở đây phải tự chế ra các bậc tam cấp di động. Tình trạng nhà thấp hơn hè còn trầm trọng hơn suốt cả một đoạn dài gần 600m trên tuyến đường Trần Khát Chân (thuộc hai phường Thanh Lương và Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng), sau khi dự án đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái) hoàn thành. Cá biệt, có nơi cốt nền nhà dân thấp hơn mặt đường đến hơn 2m như tại số 39 tổ 5 đường Trần Khát Chân. Muốn đi từ nhà ra đường, người dân phải dùng… thang. Tình cảnh càng trớ trêu hơn khi những cơn mưa lớn tháng 7 đang và sẽ còn trút xuống như rót nước vào những “hầm trú ẩn” này.
Những hộ dân đang khổ sở này vẫn phải mòn mỏi chờ “một giải pháp hài hoà”. Nhưng đến bao giờ?