Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Một số yêu cầu kỹ thuật cơ bản khi sử dụng máy cấy lúa

09:15 12/07/2020 GMT+7
Hiện nay ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL máy cấy được coi là một giải pháp hữu hiệu trong khâu gieo cấy lúa nhằm giúp giảm lượng hạt giống gieo sạ, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng năng suất thu hoạch, tăng chất lượng lúa gạo, qua đó tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa.
Tập kết mạ vào ruộng cấy.

Chính vì thế, nhiều địa phương đang bắt đầu nhân rộng mô hình lúa cấy máy, không những cho sản xuất giống, sản xuất lúa an toàn mà còn cho sản xuất lúa thương phẩm đại trà vì tính hiệu quả của giải pháp cấy máy.

Tuy nhiên, để lúa cấy máy đạt được kết quả năng suất và hiệu quả kinh tế cao cần đáp ứng tốt một số yêu cầu kỹ thuật cơ bản sau:

1. Chuẩn bị ruộng

– Cần làm đất trước 2 – 3 ngày để lắng bùn, đảm bảo mặt ruộng bằng phẳng; ngày cấy mặt ruộng còn bùn, nhưng không quá loãng để tránh nổi mạ khi cấy.

– Mức nước trên ruộng: Để đảm bảo tốc độ vận hành của máy và không làm nổi mạ khi cấy nên tháo cạn nước trước khi cấy, chỉ giữ lại mức nước xâm xấp trên mặt ruộng, không sâu quá 3 cm. Sau khi cấy xong tháo nước vào.

– Xác định hướng cấy để việc vận hành máy, quay trở đầu máy thuận lợi nhất và năng suất hoạt động máy cao nhất. Trong trường hợp có thể được thì cấy theo hướng Đông – Tây là tối ưu cho việc tận dụng ánh sáng của ruộng lúa.

2. Giống

Nên sử dụng giống lúa có TGST ≥ 95 ngày (nhóm giống A1 (TGST: 95 – 109 ngày) và A2 (TGST: 110 – 125 ngày); giống lúa có khả năng đẻ nhánh khỏe càng tốt.

3. Chuẩn bị mạ

– Mật độ gieo: 40 – 50kg/ha là vừa (240 – 260 khay mạ/ha ruộng cấy).

– Tuổi mạ 10 – 13 ngày, chiều cao cây đạt 12 – 15 cm đưa ra ruộng cấy là tốt nhất. Trong trường hợp bị động về ngày cấy cũng hạn chế cấy mạ trên 15 ngày tuổi, nhất là khi sử dụng các giống lúa ngắn ngày.

– Cây mạ có mật độ và độ cao đồng đều, cứng cây, to dảnh, không sâu bệnh.

4. Mật độ cấy

Từ 18 – 25 khóm/m2 tùy theo TGST giống lúa sử dụng và mức độ thâm canh.

Có thể tham khảo 03 mật độ cấy sau:

* Mật độ 18 – 19 khóm/m2:

Áp dụng khi sử dụng các giống lúa thuộc nhóm A2 (110 – 125 ngày) với mức độ thâm canh cao.

 Cách cấy:

– Nếu dùng máy cấy có hàng song 30cm: Cấy theo quy cách 30 x 18cm;

– Nếu dùng máy cấy có hàng song 25cm: Cấy theo quy cách 25 x 21cm.

* Mật độ 21 – 22 khóm/m2:

Áp dụng khi sử dụng các giống lúa thuộc nhóm A1 (95 – 109 ngày) – mức độ thâm canh cao và A2 (110 – 125 ngày) -mức độ thâm canh trung bình.

Cách cấy:

– Nếu dùng máy cấy có hàng song 30cm: Cấy theo quy cách 30 x 16cm;

– Nếu dùng máy cấy có hàng song 25cm: Cấy theo quy cách 25 x 18cm.

* Mật độ 24 – 25 khóm/m2:

Áp dụng khi sử dụng các giống lúa thuộc nhóm A1 (95 – 109 ngày) – mức độ thâm canh trung bình.

Cách cấy:

– Nếu dùng máy cấy có hàng song 30cm: Cấy theo quy cách 30 x 14cm;

– Nếu dùng máy cấy có hàng song 25cm: Cấy theo quy cách 25 x 16cm.

5. Số dảnh mạ cấy, độ sâu cấy và dặm sau cấy

– Số dảnh mạ cấy ở mỗi khóm: 04 – 06 dảnh;

– Độ sâu cấy: Từ 2 – 2,5cm để cây lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh khỏe và tỉ lệ thành bông cao, bông to, nhiều hạt;

– Dặm lại những chỗ cấy lỗi, mất khoảng ngay trong 2 -3 ngày sau cấy để ruộng lúa sinh trưởng đồng đều, trổ chín cùng lúc.

6. Phân bón

– Công thức phân bón chung: 80 – 100N/50 – 70P2O5/50 – 70K2O (có thể gia giảm tùy theo chân đất, mùa vụ, giống lúa…);

– Tăng cường bón phân lót và bón thúc sớm để lúa nhanh đẻ nhánh;

* Lưu ý:́u tố quyết định và cần tác động để đảm bảo năng suất cao của lúa cấy là số bông, do vậy 2/3 tổng lượng phân đạm đầu tư cần được bón trong giai đoạn trước 12 – 15 ngày sau cấy, trong đó có bón lót để thúc lúa đẻ nhánh sớm và đẻ nhánh tập trung.

(Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia)