Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Mỹ cân nhắc công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam: Ngành Thủy sản chờ tin vui

Thanh Phong - 14:48 10/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Theo thông tin của Bộ Công thương, bản thông tin mà Việt Nam gửi cho Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có đầy đủ lập luận chứng minh nền kinh tế Việt Nam đáp ứng đầy đủ 6 yếu tố về công nhận nền kinh tế thị trường theo pháp luật nước này.

Ngày 8/5 vừa qua, DOC tổ chức điều trần để xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Cơ quan này đã lắng nghe lập luận của các bên về nội dung trên, dự kiến, Chính phủ Mỹ sẽ đưa ra quyết định vào tháng 7/2024.

Hiện tại, Mỹ xếp Việt Nam nằm trong số các nước là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Điều này dẫn tới hệ quả các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này phải chịu mức thuế suất cao hơn trong các cuộc điều tra chống bán phá giá.

Trong đó, các ngành hàng nông lâm ngư nghiệp, đặc biệt là thủy sản của Việt Nam phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam nhập khẩu trong năm 2024 vẫn giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá 25,76%. Trong khi đó, mức thuế đối với mặt hàng này của Thái Lan chỉ là 5,34% do đã được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường.

Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng thủy sản của Việt Nam.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực từ phiên điều trần của ngành chức năng Mỹ. 

Việc Mỹ xem xét đưa Việt Nam là nền kinh tế thị trường được Mỹ ủng hộ mạnh mẽ, với kỳ vọng hàng hóa từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ sẽ thuận lợi hơn và sẽ được giảm các loại thuế chống bán phá giá.

Trước thông tin trên, thị trường cổ phiếu một số ngành, đặc biệt là nhóm các ngành hàng xuất khẩu sang Mỹ như thủy sản hay dệt may bắt đầu có dấu hiệu tăng tích cực. Đối với tôm, trên thị trường chứng khoán cổ phiếu nhóm ngành này trong 2 ngày qua tăng mạnh.

Với cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn phiên ngày 8/5 tăng 0,65%, nhưng sáng nay 9/5 tăng 4,03%; FMC của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta từ hôm qua đến hôm nay cũng tăng lần lượt là 0,19% và 4,25%; MPC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng tăng 1,86% và 4,9%.

Một số cổ phiếu nhóm doanh nghiệp cá tra cũng tăng nhẹ. Trong đó, cổ phiếu IDI của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I phiên hôm qua tăng 2,68%, trong phiên sáng nay tăng 2,61%; cổ phiếu ACL của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang phiên sáng nay tăng lên mức 12.700 đồng/cp (tăng 2,83%).

Không chỉ có vậy, một số cổ phiếu nhóm dệt may cũng tăng cao từ ngày hôm qua. Trong đó, cổ phiếu MSH của Công ty Cổ phần May Sông Hồng phiên ngày 8/5 tăng kịch trần lên 49.200 đồng/cp (tăng 6,96%), hết phiên giao dịch buổi sáng 9/5 tiếp tục tăng thêm 0,20%; Cổ phiếu TCM của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công sau nhiều ngày giảm giá, tuy nhiên từ hôm qua đến hết phiên sáng nay cũng tăng lần lượt 2,68% và 2,27%; cổ phiếu NDT của Tổng công ty Cổ phần Dệt may Nam Định tương tự cũng tăng lần lượt 3,23%, 1,56%.

Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần ngày 8/5 vừa qua. Đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

“Tại phiên điều trần, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường. Nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường”, bà Hằng khẳng định.

Thông tin từ Bộ Ngoại giao, cho tới nay, có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản… Việt Nam cũng đã tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.