Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Năm con gà và gà Việt đã cất tiếng “gáy”

00:39 30/01/2018 GMT+7

2017 là một năm mà ngành chăn nuôi gia cầm gặp nhiều bất lợi về giá cả, tiêu thụ, nhưng cũng trong năm này, lần đầu tiên gà Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, đồng thời thu hút sự quan tâm rất lớn của các thị trường khác, mở ra bước ngoặt cho ngành chăn nuôi gia cầm.

Năm 2017 không còn cảnh gà ngoại lấn át gà nội trên thị trường, với giá cả hợp lý và chăn nuôi ngày càng hiện đại, ngành chăn nuôi đã lấy lại được cảm tình của người tiêu dùng trong nước. Thông thường, giá heo hơi thường cao hơn giá gà 50 – 70%. Vào thời điểm tháng 12/2017, tại Bình Dương, giá thịt gà fillet (ức gà bỏ xương) mua sỉ vọt lên 50.000 đồng/kg, tăng 10.000 – 12.000 đồng/kg so với hơn 10 ngày trước đó. Trong khi đó, giá thịt heo 95% nạc để chế biến chỉ 38.000 đồng/kg.

Dự báo, giá gà tiếp tục tăng trong năm 2018

Sở dĩ có hiện tượng thịt gà đang chiếm lĩnh thị trường so với thịt heo, ngoài sự cố các lò giết mổ thịt heo sử dụng thuốc an thần khiến người tiêu dùng quay sang dùng thịt gà, các chuyên gia đều cho rằng, ưu thế của thịt gà là ngoài chế biến, lưu trữ dễ dàng thì thịt gà còn có thể sử dụng làm chà bông, xúc xích, phô mai và nhiều sản phẩm khác.

Hiện tại, ở Ðồng Nai giá gà lông trắng 29.000 – 30.000 đồng/kg, trong khi giá heo hơi cũng chỉ 24.000 – 28.000 đồng/kg. Tính toán của người nuôi cho thấy, người nuôi gà công nghiệp đang lãi 9.000 – 11.000 đồng/kg, trong khi người nuôi heo chịu lỗ 1.500 – 10.000 đồng/kg.

Thịt gà đang tiêu thụ rất mạnh tại thị trường thành phố, riêng gà nuôi ở Ðồng Nai tiêu thụ 50% là tại thị trường TP. Hồ Chí Minh. Sự hấp dẫn của ngành chăn nuôi gia cầm còn biểu hiện ở việc các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến lĩnh vực này. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hiện cung ứng 40,5% tổng đàn gà của tỉnh Ðồng Nai.

2018 – Giá gà có thể tăng

Hội Chăn nuôi gia cầm Ðông Nam bộ nhận định, nhiều khả năng giá gà tiếp tục tăng trong năm 2018 nếu việc xuất khẩu gà sang Nhật tiếp tục tăng trưởng và việc mở mang thị trường xuất khẩu gà sang nhiều nước khác cũng đang được các doanh nghiệp quan tâm.

Thậm chí ở nhiều tỉnh miền Ðông Nam bộ rơi vào tình trạng “thiếu gà” do gà đang nuôi đều nằm trong hợp đồng tiêu thụ của các nhà máy và đối tác, khiến cho gà tiêu thụ trên thị trường tự do bị thiếu nguồn cung nghiêm trọng. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như C.P., Japfa… chiếm 40,5% tổng đàn gà của tỉnh Ðồng Nai chủ yếu nuôi gà để xuất khẩu và chế biến các sản phẩm trị giá gia tăng.

Thành công đáng kể của ngành gà đó là đã giảm giá thành, từ 30.000 đồng/kg xuống bình quân sản xuất gà lông trắng chỉ còn 23.000 đồng/kg. Nhiều nhà xuất khẩu cho rằng, gà sản xuất tại Việt Nam đã gần tương đương giá thành với gà Thái Lan nhưng chất lượng gà Việt Nam tốt hơn và hấp dẫn hơn rất nhiều. Các trang trại đã rút ngắn được thời gian nuôi từ 45 ngày/lứa trước đây xuống còn 32 – 36 ngày.

Mục tiêu xuất khẩu

Theo kết quả sơ bộ điều tra chăn nuôi kỳ 1/10/2017, đàn heo cả nước có 27,3 triệu con, giảm 6,2% so cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, đàn gia cầm cả nước ước có 385,2 triệu con, tăng 6,5% so cùng kỳ năm 2016. Gà vẫn là mặt hàng được tiêu thụ mạnh. Bình quân mỗi tuần, lượng gà công nghiệp mà các trang trại xuất bán về TP. Hồ Chí Minh đã tăng lên khoảng 2,5 triệu con/tuần so 2,2 triệu con/tuần của các năm trước. Gà nhập khẩu 8 tháng đầu năm giảm 50% so cùng kỳ 2016 do không cạnh tranh được với gà trong nước.

Năm 2018 được xem là một năm mà ngành gia cầm sẽ có bước phát triển mới. Ước tính sản lượng thịt gia cầm toàn cầu sẽ tăng khoảng 1% vào năm 2018, lên 91,3 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu toàn cầu dự kiến cũng tăng 3% lên 11,4 triệu tấn vào năm 2018. Rất nhiều nước đang bị hoành hành bởi dịch cúm gia cầm, điển hình là Trung Quốc năm 2017 tăng trưởng âm 6%. Trung Quốc và nhiều khác bắt buộc phải tăng nhập khẩu gà để bù đắp thiếu hụt nguồn cung.

Sản lượng thịt gia cầm tiêu thụ trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng khoảng 20% trong vòng 20 năm tới. Trong đó, 40% tăng trưởng dự kiến đến từ châu Á và 30% là đến từ châu Mỹ La tinh, nguyên nhân trực tiếp là sự gia tăng dân số cũng như thói quen ăn thịt gà ngày càng trở nên phổ biến.

Số lượng trang trại chăn nuôi của Việt Nam tăng từ 6.267 trang trại năm 2011 lên 20.869 trang trại năm 2017. Tỷ lệ trang trại chăn nuôi so với tổng số các trang trại nông nghiệp đã tăng từ 31,2% năm 2011 lên 62,3% năm 2017. Chính sự phát triển ấn tượng của ngành chăn nuôi Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của thị trường EU. Hiện thị trường này đang nhập khẩu gà từ Brazil, Thái Lan và Ukraina. Tuy nhiên, trước tình hình bệnh cúm gia cầm ảnh hưởng đến nguồn cung, đồng thời việc gà Việt Nam đã xuất khẩu được vào Nhật Bản, cộng đồng các nước EU đang kỳ vọng, gà Việt Nam sẽ sớm xuất khẩu vào thị trường này. Ðây là một cơ hội rất lớn để ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam có những bước phát triển chắc chắn và hiệu quả ra thị trường thế giới.

Nguyễn Anh