Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngành điều và bài toán công xưởng gia công giá trị thấp

08:09 26/01/2018 GMT+7

Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành “trung tâm điều” (cashew hub) của thế giới nếu phát triển được vùng nguyên liệu bền vững, đồng thời tham gia vào khâu chế biến sâu là rang muối và phân phối. Để làm được, ngành điều Việt cần một cuộc cải cách “thay da đổi thịt”, trước mắt phải giảm lệ thuộc nhập khẩu (NK) điều thô và gia tăng tỷ lệ chế biến sâu.

Trên thực tế, ngành điều Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc lớn vào nguyên liệu NK, số tiền phải chi để NK nguyên liệu điều thô rất lớn.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Intimex Group, tính toán: năm 2017, Việt Nam xuất khẩu (XK) 350.000 tấn điều nhân, kim ngạch đạt 3,5 tỷ USD, trong đó sử dụng 1,6 triệu tấn điều thô nhưng NK 1,3 triệu tấn với giá trị 2,5 tỷ USD. Như vậy, thông qua gia công, Việt Nam chỉ thu về chưa tới 1 tỷ USD.

“Chúng ta đầu tư thiết bị chế biến hiện đại, tự động hóa cao nhưng chỉ trở thành nước gia công sản xuất điều lớn nhất thế giới”, ông Nam nói.

Chủ yếu là gia công

Mới đây, Tổng cục Hải quan cũng cho biết nửa đầu tháng 1/2018, cả nước XK 12.518 tấn điều nhân với kim ngạch 128 triệu USD. Tuy nhiên, ngành điều cũng phải NK 51.498 tấn điều thô trị giá gần 120,5 triệu USD.

Các doanh nghiệp (DN) chế biến NK điều nguyên liệu ngày càng tăng từ các nước như Campuchia, Ấn Độ, Bờ biển Ngà, Tây Phi…

Trước đó, năm 2016, Việt Nam NK hơn 1,1 triệu tấn điều thô khiến giá thành sản phẩm tăng cao mà chất lượng lại không ổn định.

Hơn nữa, mặc dù là nước XK điều lớn nhất thế giới, Việt Nam chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương hơn 30% chuỗi giá trị điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối.

Ngành điều phải “lột xác”

Trên cả nước có 256 DN chế biến điều, nhưng có tới 119 cơ sở chưa đủ tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), phần lớn DN có quy mô nhỏ, kim ngạch XK hàng năm dưới 5 triệu USD. Do mới chỉ XK nhân điều nên giá trị gia tăng thấp.

Việt Nam XK điều vào các quốc gia phát triển, có yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng cao đối với thực phẩm NK như Mỹ, châu Âu (EU), Australia…, khả năng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm kém sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của các DN.

Thực tế, tại EU và Trung Đông, Việt Nam vấp phải sự cạnh tranh từ Ấn Độ khi đây là những thị trường mà quốc gia này chiếm ưu thế. Đồng thời, ngành điều Việt Nam gặp khá nhiều thách thức khi tham gia vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản. Một phần vì các công ty nhỏ chưa chú trọng đầu tư cho chất lượng do thiếu vốn và trình độ quản lý còn kém, đây là điểm yếu của ngành điều Việt Nam.

Có lẽ nhận thấy các bất lợi trên, năm 2018, Vinacas cho biết sẽ không phấn đấu tăng sản lượng chế biến để nâng cao giá trị XK, mà ngược lại sẽ giảm sản lượng để nâng cao chất lượng.

Cụ thể, sản lượng chế biến XK giảm từ 350.000 tấn điều nhân các loại năm 2017 xuống còn 300.000 tấn. Tương ứng, kim ngạch XK nhân điều giảm từ 3,5 tỷ USD xuống còn 3 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, chia sẻ lý do chính mà các DN đưa ra là Việt Nam đang quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK. Năm qua, giá điều thô NK đã lên quá cao, bình quân cả năm là 1.954 USD/tấn, tăng tới 23,23% so với giá bình quân điều thô NK năm 2016.

Trong khi đó, do điều thô phải NK chủ yếu từ châu Phi, thời gian vận chuyển dài (khoảng 1 tháng), cộng với thời gian lưu kho ở cảng lâu khiến cho nhiều lô điều thô NK khi mở ra đã có một tỷ lệ không nhỏ bị hư hỏng.

Bên cạnh đó, DN còn phải đối mặt với những rủi ro khác như bị nhà XK yêu cầu đặt cọc trước nhưng không giao hàng nên mất tiền cọc… Những yếu tố trên đã khiến trong năm 2017, dù giá nhân điều XK ở mức kỷ lục (bình quân 9.885 USD/tấn, tăng 21,23% so với năm 2016) nhưng lợi nhuận của DN lại không được như mong muốn.

Giảm sản lượng để tăng chất lượng

Vinacas khẳng định: “Việt Nam sẽ chủ trương tập trung “giảm lượng, tăng chất”, chế biến sâu và phát triển thị trường nội địa trong thời gian tới”.

Tuy nhiên, muốn thực hiện được mục tiêu này cũng như trở thành trung tâm điều thế giới, việc cần làm đầu tiên của ngành điều là phát triển được vùng nguyên liệu bền vững.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhận định nguồn cung điều thế giới tăng trưởng chậm là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta xây dựng được vùng nguyên liệu cho năng suất cao và ổn định, từ đó chủ động điều tiết giá và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK.

Theo Cục Trồng trọt, ngành điều Việt Nam sở hữu nhiều giống điều cho năng suất cao, có thể lên tới 2,5 – 3 tấn/ha. Trong khi đó, kinh nghiệm thế giới cho thấy năng suất điều có thể tăng được 30 – 40% nếu áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ trong canh tác tiên tiến, đây là một trong những giải pháp đột phá để phát triển ngành điều.

Ông Đỗ Hà Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT nên xem xét mở rộng trồng điều giống cao sản từ 5 đến 10 tấn/ha. “Với giống hiện nay 2 – 3 tấn/ha, giá trên 40.000 đồng/kg, thu nhập 100 triệu đồng/ha, nông dân không ai trồng điều cả”, ông Nam cho biết.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần phát triển các sản phẩm điều chế biến từ sơ chế đến chế biến sâu. Có như vậy, giá trị thu về mới gia tăng.

Hiện nay, ngoài những yếu kém về mặt công nghệ, ngành điều chưa được quan tâm đầu tư một cách có hệ thống mà đang phát triển manh mún, rời rạc, thiếu sự hợp tác liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà DN và nhà khoa học), dẫn đến các hoạt động sản xuất chưa thực sự đạt hiệu quả đúng với tiềm năng phát triển của ngành.

Cục Trồng trọt đánh giá DN chưa liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu; chưa hình thành hệ thống thu mua điều trực tiếp từ nông dân, giá cả thiếu ổn định, giá nông dân thực nhận thấp hơn nhiều so với giá công bố.

Vì vậy, thời gian tới, việc tổ chức hợp tác sản xuất trong ngành điều là rất cấp thiết. Chính quyền và các ngành ở địa phương thúc đẩy việc hình thành tổ chức sản xuất của người trồng điều; Vinacas, hội điều các tỉnh vận động DN thành viên xúc tiến liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn. Vinacas chỉ đạo các DN hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực về kỹ thuật, ổn định giá mua… để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

DN kiến nghị rất cần hỗ trợ vốn vay để mở rộng sản xuất. Ông Nguyễn Hà Nam chia sẻ DN hiện nay có cảm giác ngân hàng TMCP tập trung vốn vay cho bất động sản hơn là cho nông nghiệp, có cho vay thì lãi suất lại cao, hạn mức thấp.

“Không hiểu ngân hàng sợ rủi ro hay đây là chính sách của họ? Theo chúng tôi, rủi ro nhỏ hơn nhiều cái mà ngân hàng sẽ được”, ông Nam cam kết.

Cùng với đó, Vinacas cũng kiến nghị Nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ DN đảm bảo chế biến, XK bằng cách có cơ chế, chính sách thông thoáng (trong các lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, thuế, hải quan, kiểm dịch thực vật…) nhằm đảm bảo nguyên liệu chất lượng cao phục vụ chế biến XK điều hiệu quả.

Ông Trần Công Khanh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây điều Viện KHKT nông nghiệp miền Nam 

So với tiềm năng năng suất của các giống điều có thể đạt được khoảng 3 – 5 tấn/ha thì năng suất điều cần được cải thiện hơn nữa để gia tăng thu nhập trên đơn vị diện tích trong xu hướng cạnh tranh với các cây trồng khác. Do đó cần có chương trình nghiên cứu lâu dài nhằm chọn tạo được các giống điều thích nghi với điều kiện sinh thái cụ thể của từng vùng và tối ưu hóa quy trình thâm canh điều tổng hợp nhằm khai thác tốt nhất khả năng thích ứng với điều kiện sản xuất khó khăn của cây điều. 

Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam 

Việt Nam vẫn chủ yếu XK nhân điều với giá bình quân trong năm 2017 khoảng 10 USD/kg. Tuy nhiên, các sản phẩm giá trị gia tăng từ nhân điều khi bán ở các siêu thị tại các nước giá tới 30 USD/kg. Như vậy, trong chuỗi giá trị của hạt điều, các DN Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30%. Phần lớn còn lại thuộc về các nhà rang, chiên quốc tế, các nhà phân phối. Điều này cho thấy các DN Việt Nam đã bỏ ra nhiều vốn để đầu tư nguồn lực chế biến mà lợi nhuận thu về chưa tương xứng. 

Lê Thúy