Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nghề làm hương truyền thống ở Phúc Thành

07:01 29/08/2018 GMT+7

Nằm cạnh quốc lộ 5A, làng nghề làm hương của xã Phúc Thành (Kim Thành- Hải Dương) đã có từ ngàn đời nay. Dù là nghề phụ, nhưng có thể làm mọi lúc, với nhiều thành phần lao động, cải thiện thu nhập đáng kể cho các gia đình tham gia.

Năm 2005, làng nghề làm hương (nhang) tại thôn Dưỡng Thái Bắc, xã Phúc Thành đã được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là làng nghề truyền thống đầu tiên của huyện Kim Thành. Từ bao đời xưa truyền lại,  người dân trong làng đã duy trì và phát triển nghề làm hương nhang với các loại hương như hương trầm, hương lăn và hương nhúng… làng nghề đầu tiên của huyện Kim Thành.

Hương nhúng được phơi khô lần 1 để chờ nhúng lần 2 – ảnh Đức Trung

Hiện tại làng nghề còn khoảng gần 20 hộ dân làm hương theo phương pháp thủ công truyền thống và có một nhà xưởng chuyên sản xuất hương quanh năm cung cấp các loại hương cho các thị trường tiêu thụ như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, thậm chí còn có những đơn hàng vào các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Bà Bích đang làm công việc lăn hương thủ công với 50 năm làm nghề – ảnh Đức Trung

Nghề làm hương rất vất vả, để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn từ vót tre, phơi nhuộm chân tăm nhang, đặc biệt để làm ra bột hương thì phải rất kỳ công. Nguyên liệu gồm có nhựa trám và than nhưng lại làm nên nét rất riêng cho làng nghề. Mỗi nghệ nhân lại có cách pha chế khác nhau cho ra sản phẩm có mùi hương thơm riêng.

Để làm ra một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn và rất kỳ công ngay từ việc chọn nguyên liệu. Tre làm tăm hương là loại tre rừng đủ độ tuổi, ngày trước khi sản xuất nhỏ lẻ thì tăm hương được các hộ gia đình tuốt vót bằng tay nhưng bây giờ đã có xưởng chuyên làm chân tăm sau đó giao đến mọi nhà để làm.

Bột than trộn với nhựa trám tạo thành hỗn hợp màu đen nhánh – ảnh: Đức Trung

Bột than được tạo ra từ các nguyên liệu có sẵn như lá cây vải, lá sắn dây kết hợp với vài vị thảo mộc gia truyền cắt nhỏ, phơi tái, đốt rồi nghiền thành bột.  Nhựa trám được  nghiền ra, đem nấu lên, lọc rồi đen trộm với bột than tạo thành hỗn hợp màu đen nhánh. Tăm hương được vuốt qua một lớp hỗn hợp đó sau đó được lăn trên mạt gỗ để dễ bắt cháy.

Công đoạn vuốt hỗn hợp than lên tăm hương – ảnh: Đức Trung
Hương sau khi đã được lăn – ảnh : Đức Trung

Sau khi đã hoàn thành xong, hương sẽ được đen phơi khô sau đó đóng gói thành sản phẩm.

Đa số các hộ dân trong làng làm hương quanh năm vì thị trường tiêu thụ rất rộng, vào những dịp lễ hội hay ngày tết còn không kịp bán. Người sử dụng rất ưa chuộng các loại hương được làm thủ công vì nó có mùi thơm ngọt nhẹ, không độc hại. Hiện nay hương Phúc Thành đã có mặt tại hầu hết các tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ, thậm chí còn có những đơn đặt hàng từ miền Trung và miền Nam.

Miệt mài làm hương trầm – ảnh: Đức Trung

Trong số những hộ dân làm hương truyền thống có gia đình của ông Trần Văn Nhật sở hữu cơ sở sản xuất hương Nhật Thúy. Năm 1995 theo nhu cầu của thị trường ông đã đầu tư tiền vào mua máy móc, mở rộng xưởng sản xuất làm đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu cũng như các sản phẩm hương nhang ra thị trường.

Công nhân đang làm hương tại xưởng hương Nhật Thúy- ảnh: Đức Trung

Hiện tại xưởng đang tạo công ăn việc làm cho 10 công nhân làm chuyên tại xưởng và một số người làm công nhật chủ yếu là người trong làng mang lại thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.

Nghề làm hương ở đây không bị gò bó về thời gian và tương đối nhẹ nhàng, tuy thu nhập không cao nhưng lại giải quyết được việc làm cho lao động lúc nông nhàn ngoài làm việc đồng áng nên thu hút được rất nhiều tầng lớp và độ tuổi làm việc.

Hương làm xong phải được hong phơi kỹ, nghề làm hương phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.  Hương phải đặt ở những nơi khô ráo, tránh ẩm. Nếu làm trong thời tiết mưa ẩm thì phải dùng lò sấy. Tất cả các công đoạn đều yêu cầu sự chú tâm của người thợ thì sản phẩm mới như ý.

Những que hương được đóng túi chuẩn bị xuất xưởng- ảnh: Đức Trung

Hương sau khi làm xong được đóng gói để chuẩn bị xuất hương đi khắp nới như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Nhiều người  có thói quen mỗi khi đi xa thường thắp hương để cầu bình an, suôn sẻ. Người đi làm ăn thắp nén hương cầu cho thuận mua vừa bán.  Người đi học, đi thi cử cũng thắp hương để cầu mong sự đỗ đạt.  Đó là nét văn hóa truyền thống ngàn đời của người Việt Nam ta. Không đơn thuần chỉ là bài toán kinh tế, những người thợ làng hương Phúc Thành đang là những người góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa tâm linh truyền thống ấy.

Đức Trung