Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngừng hút thuốc để không hối tiếc

16:32 26/01/2018 GMT+7

Cứ Tết đến, nhìn người ta mua những tút thuốc lá sang, xịn để biếu nhau, tôi bất giác nhớ lại cái chết đau đớn vì thuốc lá của cha tôi. “Con trai! Cha không thể làm gì cho con được nữa. Cả cuộc đời, cha chỉ tiếc đã không sớm cai bỏ thuốc lá, cha đã hút quá nhiều”.

Đó là tâm sự cuối, cùng gương mặt hối tiếc tột độ, nhăn nhó đến méo mó của cha khi những cơn đau dữ dội kéo về. Tất cả! Cha tôi bất lực trước cái chết được biết trước, khi biết mình mắc bệnh ung thư phổi.

Một công chức, người cha tận tụy

Cho đến tận bây giờ, dù 24 năm đã trôi qua, mỗi khi nghĩ về sự ra đi của cha,  tôi vẫn nhói đau trong tim. Với tôi, ông là một công chức mẫu mực, một người cha đáng kính, đáng yêu. Cha tôi có thói quen sinh hoạt và làm việc khá điều độ, nghiêm túc và trách nhiệm.

Đó là những năm trước đổi mới 1986, cuộc sống chỉ vừa khít dưới mức trung bình với các nhu cầu tối thiểu từ chai nước mắm trở đi, nếu bữa nay trót rót quá tay thì sẽ có bữa sau thiếu nước mắm để chấm rau. Cha tôi vì muốn cho các con được đầy đủ hơn và được ăn học đàng hoàng, nên ngoài 8 giờ vàng ngọc của một công chức ở cơ quan, ông thường dành 3 tiếng buổi sáng (từ 4 đến 7 giờ), tập bài thể dục xong, ông ra vườn cuốc đất trồng rau, trồng chuối, chăm sóc đàn gà để cải thiện cuộc sống gia đình. Việc này ông cũng lặp lại vào lúc 5 giờ chiều  đến 7 giờ tối, chỉ trừ tối thứ 7. Vào mỗi sáng chủ nhật, 6 chị em chúng tôi cùng theo ông ra vườn, mỗi người một việc. Tôi nhỏ nhất nên được phân công đi sau các anh chị, họ cuốc đất, tôi nhặt rễ cỏ gianh – loại cỏ rất dễ sống và rễ thường đâm xuyên củ sắn, làm sắn đắng miệng khi ăn. Xong xuôi bữa tối của cả nhà, cha tôi lại kiên trì dạy chúng tôi tập viết, tập làm toán. Mẹ tôi khi đó phải sang tận trường Đại học Y khoa ở Thái Nguyên để học tập, thỉnh thoảng mới về.

Cuộc sống không đầy đủ nhưng êm đềm bên cạnh người cha mà chúng tôi rất đỗi kính trọng, yêu thương. Gia đình tôi cùng cả nước bước qua thời bao cấp sang ngưỡng cửa đổi mới. Cha tôi luôn hào hứng với chí khí sống lạc quan. Ông hy vọng vào một tương lai tốt đẹp sẽ đến. Mỗi khi bán được buồng chuối, gánh mít, ông bảo chị cả mua về nguyên thùng mì 2 tôm, rồi đường, sữa. Tôi chứng kiến nỗi vất vả, khó khăn mà cha phải trải qua khi đó để nuôi nấng các con, tôi đã thầm nghĩ, sau này lớn, đi làm có tiền, tôi sẽ gửi cho cha để ông được mua thứ mà ông thích, được ăn thứ mà ông muốn.

Hút thuốc – thói quen tai hại

Vậy mà thật trớ trêu, tôi trách ông trời sao chẳng thương, khi tôi có đồng tiền gửi về cho cha lần đầu tiên là 200 đô la Mỹ, cũng là lúc bác sỹ phát hiện ông mắc bệnh ung thư phổi đã vào giai đoạn 3. Lá phổi bên phải của cha bị 1 khối u ăn ruỗng một phần, bên trái thì thâm đen. Ông đau đớn mỗi lúc bắt đầu cơn sốt và ho từng đợt kéo dài khi chiều xuống. Mẹ tôi đã thấy cả máu tươi ông thổ ra sau mỗi cơn ho. Gia đình tôi chìm trong bầu không khí bi quan, đau đớn và vô cùng u ám. Đêm đêm, cả nhà thường tỉnh giấc bởi mỗi cơn ho khốc liệt kéo dài của cha.

Tôi thương cha quặn lòng và nhớ lại khi xưa còn bé, chứng kiến cái thói quen hút thuốc của ông chẳng thể ai can ngăn, nay tai họa đã ập đến. Cứ mỗi sáng sớm tỉnh giấc, việc đầu tiên là ông ngồi vào cái ghế đẩu ở đầu hồi, ngoài hiên nhà, rít một điếu thuốc lào sòng sọc và nghểnh mặt lên trời thả những làn khói, vẻ sảng khoái. Những lúc đó, tôi thấy ông thật ung dung, thanh thản. Cuốc vườn về, trước khi ăn chút gì buổi sáng, ông lại sòng sọc rít một điếu nữa. Khi đi làm, việc ông không bao giờ quên là lấy bao thuốc lá, rút 1 điếu, châm lửa hút rồi gài bao thuốc vào túi áo ngực. Vừa hút thuốc, ông vừa lên chiếc xe đạp Thống Nhất, đi tới cơ quan. Trước và sau bữa trưa, bữa tối, như một thói quen bất di bất dịch, dù cơm có khi đã bày sẵn, ông vẫn thản nhiên ngồi vào vị trí hút thuốc lào và lại rít lên sòng sọc.

Thuốc lào thì rất hôi! Dù đã để đồ lề ngoài hiên nhà, nhưng nhiều lúc gió vẫn thổi đẩy mùi hôi xộc vào trong, buộc cả gia đình phải “thưởng thức”. Nghĩ cũng thương cha, vì ông biết mọi người phải chịu lây nên đã lấy tấm cót để che chắn làn gió. Khổ nỗi, không khí là “kẻ” không thể “bảo ban” chúng chuyển động cho có hàng, có lối được. Mà cơ chế hô hấp của muôn loài thì lại không thể nào thiếu không khí. Có lúc mẹ tôi khó chịu hỏi: “Sao ông không bỏ thuốc lào đi, có nghiện thì hút thuốc lá thôi, cho đỡ hôi cửa, hôi nhà”. Bố tôi trả lời: “Bà ơi! Thuốc lào rẻ hơn thuốc lá… nên tôi phải tiết kiệêệ…iệm!!! bà ạ”. Nghe cha mẹ nói chuyện qua lại vậy, tôi càng thương cha.

Đừng để phải hối tiếc  đến tột cùng

Thế nhưng, nào tôi đã kịp báo hiếu cho cha với những điều ước hết sức bình thường, giản dị. Cha tôi cũng chẳng kịp giải quyết hết những dự định của cuộc đời mình. Mẹ thì luôn bận rộn với công việc học hành, việc cơ quan, lại việc gia đình. Cha tôi đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 58 đang còn sung sức và nhiều việc vẫn dở dang.

Trong lúc chữa trị căn bệnh quái ác do “tội phạm” hút thuốc gây ra, cha tôi đã nhiều lần ân hận kể về cuộc đời gắn với thuốc lá của mình. 15 tuổi, do sáng dạ nên ông đã thi đỗ và nhận bằng Diplôme (Thành Chung) thời pháp thuộc, ông đi dạy học cho con nhà địa chủ, người ta chiều thầy giáo nhỏ bằng cách cho ông những bao thuốc lá thơm ngon. 20 tuổi vào quân đội, sau mỗi trận đánh thắng kẻ thù  là bộ đội Việt Nam lại được thưởng thức đồ ngoại từ chiến lợi phẩm. Cha tôi bảo, khi ấy, ông thích nhất là những bao thuốc lá ngoại tịch thu được của lính Pháp. Nghe thật chua chát, nhưng lúc đó Việt Nam rất nghèo nàn và lạc hậu, cuộc chiến đấu đuổi Pháp là không cân sức. Hai giai đoạn hút thuốc không mất tiền đó đã biến cha tôi thành một người đàn ông nghiện thuốc lá.

Khi hòa bình được lập lại trên đất Bắc, cha tôi chuyển ngành làm một cán bộ trong cơ quan nhà nước. Gánh một gia đình với 6 đứa con, lại nghiện thuốc lá, nên cha tôi chuyển sang hút thuốc lào, thuốc cuốn, thỉnh thoảng mới dám mua một bao thuốc Điện Biên của nhà máy sản xuất để hút… cho đến ngày ông ra đi mãi mãi khi còn đang có rất nhiều công việc phải làm.

Điều hằn sâu nỗi đau đớn trong tôi từ cái chết của cha, đó là không chỉ mình ông phải hối tiếc đến tột cùng vì đã không sớm cai bỏ thói quen hút thuốc mà là tất thảy gia đình tôi. Dù nay, đã qua 24 năm vắng bóng ông, song mỗi cái Tết về, tất cả chúng tôi lại nhớ thương ông vô hạn. Trong lòng mỗi người đều có sự ân hận, nuối tiếc. Bởi lẽ, chúng tôi đã không kiên quyết, không sát cánh cùng ông để giúp ông trong việc cai thuốc… Tôi luôn bị day dứt mỗi khi hình ảnh cha trong phút lâm chung không thể phai mờ cứ hiện về trong trí nhớ. Nhưng làm sao quay ngược thời gian, để được sát cánh, giúp ông quyết tâm bỏ thuốc?! Tôi chỉ còn biết than thở mỗi khi tâm sự với vong linh ông, rằng: “Biết thế, cha ơi…”, với nỗi niềm hối tiếc khôn nguôi.

Trẻ em hít phải khói thuốc có nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, viêm tai giữa, tăng nguy cơ lên cơn hen và mức độ tăng nặng của bệnh hen. Khói thuốc cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Con của những người hút thuốc lá thường gặp khó khăn trong nhận thức, rối loạn hành vi và giảm khả năng học tập.

Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại. Nicotin có trong thuốc lá đi vào phổi và sau đó lưu thông trong máu, chỉ 7 giây sau là có thể tác động đến não.

Trung Sơn