Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người lao động không bị bỏ rơi trong dịch Covid -19

10:52 01/05/2020 GMT+7
Dịch Covid -19 đã kéo dài hơn 3 tháng và tiếp tục diễn biến phức tạp, chỉ sau một thời gian ngắn kể từ khi dịch bệnh xuất hiện nhiều nền kinh tế đã bị tê liệt. Kéo theo đó, một bộ phận lớn lao động bị mất việc, giãn việc, không có hoặc thu

Dịch Covid -19 đã kéo dài hơn 3 tháng và tiếp tục diễn biến phức tạp, chỉ sau một thời gian ngắn kể từ khi dịch bệnh xuất hiện nhiều nền kinh tế đã bị tê liệt. Kéo theo đó, một bộ phận lớn lao động bị mất việc, giãn việc, không có hoặc thu nhập bị giảm sâu.

Lao động ngành dệt may lao đao vì dịch bệnh Covid -19 (Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNG Bắc Ninh).

Gần 20 triệu lao động bị ảnh hưởng
Từ nhiều tháng nay, công việc của chị Nguyễn Thị Lâm (Công ty may TNG Thái Nguyên) bị ảnh hưởng ít nhiều. Dịch Covid -19 khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bị gián đoạn. Ban đầu, lúc dịch bệnh còn bùng phát ở Trung Quốc, công ty không nhập được nguyên liệu sản xuất, công nhân đã phải giãn việc, ngưng việc một thời gian. Khi dịch Trung Quốc được kiểm soát, nguồn cung nguyên liệu được cấp trở lại thì đầu xuất khẩu lại bế tắc. Nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ đối mặt với tình trạng bùng phát dịch Covid -19, các đối tác của ngành dệt may đã phải tạm ngưng hoặc nhập khẩu nhỏ giọt. Điều này khiến các doanh nghiệp dệt may trong nước đối mặt với khó khăn, người lao động lại thêm một phen lao đao.

Chị Lâm cho biết: “Gia đình vốn làm nông nghiệp, nghĩ cảnh làm nông nghiệp vất vả, lúc mưa lúc nắng nên thôi xin đi làm công nhân kiếm chút thu nhập ổn định lo cho con ăn học. Ai ngờ mới đi làm chưa được 1 năm thì giờ công ty gặp khó khăn”.
Gia đình có 4 người, 2 con còn nhỏ đang đi học, còn chị và chồng chị đều làm cho công ty may. Chị hiện tại đang nghỉ việc, anh thì đi làm túc tắc, nhưng tiền lương cũng chưa được bằng lương tối thiểu vùng. Giờ thì cả gia đình chỉ trông chờ vào khoản tiền lương chưa được nổi 3 triệu đồng của chồng chị. “Khó khăn vậy, nhưng giờ tình cảnh chung rồi biết làm sao. Tháng trước tôi chạy chợ mua đồ bán thêm, kiếm chút tiền dư đi chợ nhưng bán được 2 tuần thì có lệnh giãn cách, khách mua cũng ít đi nên lời lãi chẳng được mấy đồng. Tuần rồi thì cũng nghỉ hẳn, vài hôm nữa mới túc tắc bán lại” – chị Lâm kể.

Cũng như chị Lâm, chị Nguyễn Thị Toán (Công ty Giày da Thanh Hóa) cũng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Vốn là tổ trưởng tại xưởng, lương của chị tháng cao cũng được 8-9 triệu đồng/tháng, tháng thấp cũng phải được 6-7 triệu đồng, thế nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh tình hình sản xuất của công ty không được thuận lợi nên từ giữa tháng 3 công ty đã phải giãn lịch làm việc. Đầu tháng 4 thì một số dây chuyền phải tạm ngưng. Chị ngưng việc và tháng 4 thì không có lương.

“Gia đình tôi vừa làm xong nhà, bao tiền của tích cóp được đã dành cho xây dựng hết, giờ khó khăn thế này chắc chỉ rau cháo qua ngày. Nghe nói Nhà nước có hỗ trợ cho lao động mất việc, tạm ngưng và chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Hy vọng có thêm chút tiền hỗ trợ thì gia đình tôi sẽ sớm vượt qua khó khăn” – chị Toán nói.

Không riêng gì công nhân, lao động có hợp đồng, nhiều lao động tự do di cư từ nông thôn ra thành phố cũng đối mặt với tình trạng thất nghiệp, không có nguồn thu. Thậm chí họ còn không có trợ cấp thất nghiệp, không có bảo hiểm, trong khi đó họ vẫn cần lương thực, cần tiền trả tiền thuê nhà… để đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu.

Theo thống kê sơ bộ từ giữa tháng 3.2020 của các tỉnh, thành gửi Bộ LĐTBXH, có tới khoảng 20 triệu lao động trong cả nước chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Nặng nề nhất là lao động làm các nhóm ngành dịch vụ du lịch, hàng không; lao động làm ngành dệt may, da giày; lao động tự do; lao động làm các hợp tác xã…

Nhà nước trợ lực để doanh nghiệp vượt khó

Trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp và người lao động cũng đã phải tìm cách thích ứng.

Ông Mai Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Hưng Yên cho biết, chưa bao giờ ngành dệt may lại chịu nhiều khó khăn như vậy. Ảnh hưởng cả đầu vào và đầu ra khi mà nguồn cung nguyên liệu gặp khó khăn, nguồn cầu cũng giảm suốt do các khách hàng không thể nhập được hàng vì dịch bệnh, lệnh phong tỏa tại một số nước châu Âu, châu Mỹ.

Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng theo ông Dương, hầu hết các doanh nghiệp đều ưu tiên chăm lo cho người lao động. “Dù khó khăn, các công ty đều phải bố trí tiền lương, quỹ phúc lợi dự phòng chi trả một phần tiền lương cho người lao động. Thậm chí các doanh nghiệp đã phải cầu cứu Chính phủ hỗ trợ, giãn nợ, tạm ngưng đóng BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn, tiền thuê đất… để lo cho công nhân lao động” – ông Dương nói.

Sau một hai tháng khó khăn, hiện giờ (đầu tháng 4) một số doanh nghiệp đã bắt đầu tái cấu trúc, đi vào sản xuất lại. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển đổi sản xuất từ sản xuất quần áo sang sản xuất đồ bảo hộ, khẩu trang y tế nhằm đáp ứng cung – cầu của thị trường thế giới.

Ông Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng song song với việc duy trì sản xuất, cần phải siết chặt các quy định về đảm bảo an toàn phòng dịch tại các doanh nghiệp sản xuất có đông công nhân.

“Với những doanh nghiệp có hàng nghìn công nhân làm việc bắt buộc phải thực hiện việc đo thân nhiệt, thực hiện giãn cách trong sản xuất và di chuyển, ăn uống… ngay tại nơi làm việc. Sản xuất quan trọng nhưng nếu không phòng dịch tốt, để dịch bệnh phát triển thì sản xuất phải tạm dừng lúc đó thiệt hại còn nhiều hơn nữa” – ông Thanh nói.

Về chính sách để hỗ trợ an sinh – xã hội, lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đầu tháng 4 vừa qua Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 42 về hỗ trợ cho người lao động. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ đến tay người lao động được thì cũng mất một thời gian chờ đợi. Trong lúc này vẫn cần sự vượt khó, thích ứng với điều kiện sản xuất, sinh hoạt mới của doanh nghiệp và người lao động. Có vậy mới thực hiện được mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh lại vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH (ảnh) cho hay: “Có 6 nội dung hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua Ngân hàng Chính sách để doanh nghiệp vay tiền trả lương cho người lao động; hai chính sách hỗ trợ đặc thù liên quan tới giãn đóng bảo hiểm xã hội, giãn, miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp. Dự kiến quy mô của gói hỗ trợ này sẽ vào khoảng 61.580 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 35.880 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ ưu tiên chăm lo cho người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, hộ kinh doanh cá thể nhỏ, lao động mất việc làm… với mức hỗ trợ bằng tiền mặt trong 3 tháng”.

Minh Anh