Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người uy tín của đồng bào dân tộc Đạ Nhar

07:57 29/03/2021 GMT+7

Anh K’Tiếu, chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm thôn Đạ Nhar, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng là 1 trong 90 Chi hội trưởng nông dân tiêu biểu được T.Ư Hội NDVN tặng Bằng khen năm 2020. Người đàn ông dân tộc Mạ này được rất nhiều người mến mộ vì ở mỗi cương vị khác nhau như: Chi Hội trưởng Hội ND, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp, người có uy tín và chủ một gia đình…, anh đều làm tốt vai trò của mình.

Mô hình trồng dâu nuôi tằm đã giúp nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Đạ Nhar, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Hiệu quả từ mô hình điểm

Trao đổi về tình hình địa phương, anh K’Tiếu cho biết: Đạ Nhar là thôn đặc biệt khó khăn của xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh với 99% đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên. Đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Đạ Nhar đều sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, đa phần trình độ văn hoá thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Do đó, việc đưa những văn bản pháp luật đến người dân là điều vô cùng cần thiết.

Trước thực tế đó, anh K’Tiếu đã dành nhiều thời gian đi đến các thôn, bản gặp gỡ nắm tình hình, kết hợp tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để chính quyền địa phương xem xét, tìm cách tháo gỡ.

Theo anh K’Tiếu, để nông dân tự nguyện tham gia và gắn bó lâu dài với tổ chức Hội, đòi hỏi Hội phải đổi mới phương thức hoạt động, tích cực quan tâm, chăm lo đời sống hội viên.

Anh K’Tiếu cho biết: Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Đạ Nhar với phương thức sản xuất cũ, việc tiếp cận với các nguồn vốn và khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế nên thu nhập trên một đơn vị diện tích thấp, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, cây điều gắn với người dân nơi đây từ lâu, nay giá cả bấp bênh, bị bệnh dẫn đến nhiều vụ mất trắng.

Trước thực trạng đó, Hội ND xã Quốc Oai đã phối hợp tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập. Đồng thời, Hội ND xã cũng phối hợp với UBND xã, Trung tâm Nông nghiệp, Trung tâm Dạy nghề của huyện mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề về trồng dâu nuôi tằm; tổ chức cho bà con trong buôn đi học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm. Sau đó, Hội ND xã Quốc Oai đã chọn mô hình điểm để đầu tư phát triển nghề nuôi tằm tại thôn Đạ Nhar.

Với mô hình trồng dâu nuôi tằm đạt hiệu quả kinh tế cao, anh K’Tiếu được Hội ND và hội viên trong thôn tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm thôn Đạ Nhar.

Anh K’Tiếu bộc bạch: Được bà con tín nhiệm, anh luôn nhận thức trách nhiệm, vai trò của Người có uy tín là không chỉ bằng lời nói, mà phải bằng việc làm cụ thể thì bà con mới tin tưởng nghe theo. Chính vì vậy, suốt những năm qua, anh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa, như tích cực vận động, giáo dục bà con trong thôn chủ động phát triển kinh tế gia đình thoát nghèo, từ bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn vệ sinh môi trường; quan tâm cho con em được đi học; giữ gìn an ninh trật tự…

Hỗ trợ kỹ thuật, vốn cho hội viên

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình cây dâu, con tằm, Chi hội đã vận động bà con thôn Đạ Nhar mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây điều già cỗi, kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm để giảm nghèo, tăng nguồn thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số. Đến nay, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã được bà con nhân rộng với diện tích trồng dâu hơn 11ha.
Anh K’Tiếu phấn khởi cho biết: Hiện nay, 26 thành viên Chi hội đang canh tác hơn 11ha dâu và hàng năm cung cấp sản lượng kén cho thị trường, thu nhập bình quân đạt 5-7 triệu đồng/hộ/tháng. 100% hộ hội viên có nhà nuôi tằm đạt tiêu chuẩn rộng 100m2. Chi hội sinh hoạt 3 tháng/lần với nội dung chủ yếu trao đổi thông tin giá cả, thị trường, phòng trừ dịch bệnh cho cây dâu, con tằm…

Bên cạnh đó, Chi hội còn hướng dẫn, vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số dần bỏ tập quán sản xuất theo lối cũ, chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo định hướng của Nhà nước.

Đáng chú ý, Chi hội đã kết nối HTX dâu tằm Quốc Oai ký kết bao tiêu sản phẩm nên hội viên yên tâm sản xuất.
Theo lãnh đạo Hội ND xã Quốc Oai, được Hội ND phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao KHKT, các thành viên trong Chi hội đã mạnh dạn chuyển sang giống dâu mới (giống S7-CB có lá to dày, kháng bệnh, giúp tằm ăn lâu hơn) cho đến cách nuôi tằm theo phương pháp mới (nuôi trên nền xi măng, nong tằm làm bằng khung sắt, né gỗ…). Phương pháp nuôi này giúp người chăn nuôi giảm chi phí đầu tư, thời gian chăm sóc và hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra các thành viên mới trong Chi hội cũng được Hội ND huyện hỗ trợ 8 bộ né tằm, 8 bàn dập với giá trị 56 triệu đồng. Hội ND cũng tạo điều kiện cho các thành viên trong Chi hội vay 150 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Mô hình Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm tại buôn Đạ Nhar được chọn là mô hình “Dân vận khéo” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế tại địa phương.

Năm 2019, Chi hội ND thôn Đạ Nhar đã giúp đỡ 5 hộ thoát nghèo. Cuối năm 2020, chi hội không còn hộ nghèo, cận nghèo và có 8 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Anh K’Tiếu cũng vận động hội viên hiến hơn 5.200m2 đất, đóng góp 114 ngày công lao động trong xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Hải Long