Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người Việt vẫn thích uống rượu bia

06:35 25/01/2018 GMT+7

Kể từ ngày 1/1/2018 thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với bia sẽ tăng lên 65%, tức tăng thêm 5%, khiến giá bia tăng nhẹ. Tuy nhiên, giá bán bia sẽ còn tiếp tục tăng trong các năm tới theo lộ trình tăng thuế TTĐB và đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) với bia lên mức 12% từ đầu năm 2019 của Bộ Tài chính.

Hồi đầu năm 2017, báo cáo tổng kết của Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam (VBA) dự báo năm 2017, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam tăng 6% so với năm 2016.

Từ các tín hiệu của thị trường trong năm 2017, mới đây, các chuyên gia dự báo lượng bia được tiêu thụ trong năm vừa qua có thể lên tới 4 tỷ lít bia. Còn lượng tiêu thụ rượu đến nay vẫn chưa có con số thống kê chính thức, song các chuyên gia cho rằng mức tiêu thụ cũng gia tăng theo từng năm.

Ngân sách có tăng thu?

Trước sự gia tăng nhu cầu sử dụng rượu bia của người Việt, các cơ quan quản lý đã cảnh báo uống bia, rượu nhiều có thể gây nên các vấn đề về sức khỏe như: Tim mạch, thần kinh, hệ tiêu hóa, gan, khả năng đề kháng, xương khớp…

Không những vậy, ngành giao thông và ngành công an cũng tăng cường tuyên truyền việc sử dụng bia, rượu là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông, hoặc các hành vi vi phạm pháp luật.

Tỷ lệ tiêu thụ rượu bia cao có một phần đóng góp không nhỏ của việc độ tuổi sử dụng ngày một trẻ hóa

Cơ quan thuế đã đưa ra chính sách tăng thuế TTĐB và cho rằng cách này vừa hạn chế tiêu dùng rượu bia, lại vừa tăng thu ngân sách.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay hầu hết nhóm bia đang lưu thông trên thị trường hiện nay đều được sản xuất bởi các DN. Nhưng với nhóm rượu, phần lớn người dân vẫn có thói quen dùng rượu tự nấu, rượu bán trôi nổi trên thị trường, nên việc tăng thuế nhằm mục đích giảm sức tiêu thụ đối với nhóm này không có mấy tác dụng.

Với lập luận tăng thuế để tăng thu ngân sách, ông Phan Đăng Tuất – Phó Chủ tịch VBA, nêu quan điểm rằng đặt ra mục tiêu vừa tăng thu ngân sách lại vừa giảm tiêu thụ là vô cùng vô lý. Hai chính sách này không thể song hành. Thuế TTĐB chỉ nên nhằm vào mục tiêu giảm tiêu dùng. Nếu đánh thuế giảm tiêu dùng thì phải có chính sách đi kèm, còn đánh thuế để tăng thu ngân sách lại phải có chính sách khác.

Dưới góc độ của người làm chính sách thuế, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), khẳng định thuế tăng thì giá bia sẽ tăng, nhưng mức tăng sẽ không quá lớn. Thậm chí, ông Thi còn cho biết nhiều đại biểu Quốc hội còn đề xuất tăng cao hơn do mức tăng đưa ra chưa bù đủ mức tăng lạm phát đưa ra.

Cấm bán cho trẻ em dưới 18 tuổi 

Trong khi DN sản xuất rượu bia và cơ quan quản lý đang còn những tranh cãi, bất đồng về cách thức hạn chế tiêu dùng rượu bia, thì ngành y tế lại vô cùng lo lắng với những con số được các chuyên gia dự báo mới đây.

Trong tháng diễn ra dịp Tết Nguyên đán 2018, số lượng rượu bia được tiêu thụ mạnh. Các chuyên gia dự báo lượng tiêu thụ cả nước sẽ đạt khoảng 400 triệu lít bia, rượu, trong đó bia hơi và đóng chai có mức tăng cao nhất.

Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho biết trong dịp Tết Nguyên đán 2018 sắp tới, thành phố dự kiến sẽ tiêu thụ 200 triệu lít rượu, bia, tăng khoảng 5 triệu lít so với năm ngoái và tương đương mức năm 2015.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia cao có một phần đóng góp không nhỏ của việc độ tuổi sử dụng ngày một trẻ hóa, dù Nghị định 105 quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng quy định trên nhận được sự đồng thuận cao của dư luận, nhưng vẫn khó triển khai, do chưa có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan liên ngành. “Vẫn còn tình trạng đánh trống bỏ dùi, có chỗ làm có chỗ không làm”, ông Hùng nói.

Cơ quan quản lý thị trường cũng thừa nhận, lực lượng chức năng không thể đi mật phục ở các cửa hàng để xử lý việc mua bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, việc cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên trên internet phải có thông tin từ cơ sở, biết địa chỉ cụ thể mới xử lý được.

Theo ông Hùng, ngoài biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi quy định này đến người tiêu dùng, người kinh doanh để hiệu quả cao hơn, cơ quan chức năng cần đưa ra chế tài xử phạt rất nặng, thậm chí có thể bắt đóng cửa, có như vậy luật mới đi vào cuộc sống.

Thanh Hoa