Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhiều doanh nghiệp ngại tiếp cận gói hỗ trợ đào tạo nghề

Thúy Linh - 07:09 24/06/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thực hiện Quyết định 23, Nghị quyết 68, đã có hơn 200 doanh nghiệp trong cả nước mong muốn được hỗ trợ đào tạo nghề, nhưng chỉ có 48 doanh nghiệp nộp hồ sơ xin hỗ trợ. Tốc độ hỗ trợ chậm, không đạt kỳ vọng.
Đào tạo  nghề cho lao động trong doanh nghiệp dệt may tại Thái Nguyên. Ảnh: N.T

Điều kiện khắt khe, không nhiều doanh nghiệp đủ đáp ứng

Đại diện một doanh nghiệp Dệt may Việt Nam tại Hà Nội cho biết, đơn vị này đã nghe thấy chủ trương tái đào tạo nghề từ rất lâu, dù cũng muốn tiếp cận nhưng lại gặp phải nhiều rào cản.

“Cuối năm 2021 là thời điểm chúng tôi tăng tốc để hoàn thành các đơn hàng vì thế không có nhiều thời gian để phối hợp đào tạo nghề cho người lao động. Sau Tết chúng tôi có đề xuất thực hiện hỗ trợ đào tạo nhưng quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn”, đại diện doanh nghiệp này nói.

Ông Mai Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, dù là ngành hàng sử dụng đông lao động và chịu tác động lớn bởi dịch bệnh nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng mong muốn được hỗ trợ tái đào tạo nghề cho lao động. 

“Lý do là bởi chỉ có những doanh nghiệp muốn thay đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng nhiều hơn máy móc vào sản xuất thì mới cần đào tạo lại lao động. Hoặc một số doanh nghiệp ngừng sản xuất sau một thời gian dài”, ông Dương nói. 

Bên cạnh đó, có một nguyên nhân quan trọng khác nhiều doanh nghiệp cùng chỉ ra đó là điều kiện để hưởng gói hỗ trợ tái đào tạo này khá khắt khe, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thụ hưởng.

Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp này đối mặt đó là việc hoàn thiện hồ sơ, chứng minh điều kiện đáp ứng được để được đào tạo nghề.

Không chỉ các doanh nghiệp dệt may, nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác cũng đối mặt với khó khăn từ việc thực hiện chính sách này. Tại Quảng Bình, dù có hàng nghìn doanh nghiệp, nhưng mới chỉ có 2 doanh nghiệp tiếp cận được chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động.

Hiện chỉ có Khu nghỉ dưỡng Gold Coast Hotel Resort & Spa (đường Võ Nguyên Giáp, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) được phê duyệt và đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho 56 người lao động với số tiền 252 triệu đồng.

Ông Phan Nam - Trưởng phòng Lao động - Việc làm Dạy nghề (Sở LĐTBXH) tỉnh Quảng Bình cho biết, mặc dù địa phương đã tích cực truyền thông nhưng bản thân doanh nghiệp không hào hứng. Đa phần doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên chỉ quan tâm tới việc khôi phục sản xuất, vì vậy doanh nghiệp không muốn tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động trong thời điểm này. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác lại có quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ kinh doanh nên không ký kết hợp đồng lao động, không đóng BHTN, không thay đổi cơ cấu sản xuất... vì thế không đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ đào tạo nghề.

Triển khai gấp với doanh nghiệp xin hỗ trợ

Nhận thấy thực trạng trên, mới đây Bộ LĐTBXH đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết 68, Quyết định 23.

Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục Trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nêu kết quả thực hiện, chương trình hỗ trợ tính đến hết tháng 3/2022. Theo báo cáo của các địa phương, có gần 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100.000 người lao động trong cả nước, kinh phí dự kiến gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới có 48 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 10.000 lao động với tổng số kinh phí dự kiến là gần 70 tỷ đồng.

 Vùng Đông Nam bộ có số lượng người lao động được đề xuất hỗ trợ nhiều nhất (trên 5.000 lao động được người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ, 2 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ để nộp đề nghị hỗ trợ với tổng số lao động gần 50 ngàn người (Công ty CP Pousung Việt Nam, Công ty Co Taekwang Vina); vùng có kết quả thấp nhất là Tây Nguyên hiện chưa có người sử dụng lao động nào nộp hồ sơ.

“Thời điểm triển khai khi Nghị quyết 68, Quyết định 23 được duyệt trong cuối Quý III và Quý IV năm 2021, đây là lúc các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nhiều địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, nên các hoạt động triển khai đào tạo không thực hiện được”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI chưa thực sự quan tâm đến việc nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp ngại làm thủ tục, phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng phương án để nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước.

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong triển khai các nhóm chính sách theo Nghị quyết 68, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH khái quát, kết quả này góp phần rất quan trọng vào sớm khôi phục và ổn định thị trường lao động, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh và an toàn xã hội.

“Doanh nghiệp, người lao động hồ hởi, trường nghề phấn khởi, người lao động được chuyển việc, nâng cao kỹ năng tay nghề cũng thấy hào hứng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung một lần nữa nhấn mạnh, mục tiêu đề ra của chính sách không chỉ đơn thuần là giúp người lao động chuyển đổi công việc sau dịch.

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận vào hạn chế và cho rằng tiến độ thực hiện gói hỗ trợ đào tạo nghề như vậy là quá chậm.  Bộ trưởng đề nghị, các địa phương cần phê duyệt tất cả các hồ sơ từ nay cho đến 30/6.

 “Nơi nào đã nhận hồ sơ rồi, tôi đề nghị các đơn vị trong tháng này, hoặc tháng sau ngồi lại với nhau, rà soát lại hồ sơ, phê duyệt hồ sơ ngay để cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động triển khai ngay. Sở LĐTBXH có trách nhiệm đôn đốc quản lý”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

 “Sở dĩ việc thực hiện chính sách trên chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ giải ngân rất thấp bởi vì sự vào cuộc của các bên chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Cái chính vẫn còn tồn tại tư tưởng: cái gì dễ thì làm, khó thì bỏ, rủi ro thì né tránh. Chưa kể tâm lý e ngại, sợ thanh tra, kiểm tra của chính các doanh nghiệp, người sử dụng lao động”.
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH.