Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân thoát nghèo nhờ được học nghề

14:53 18/07/2020 GMT+7
Là tỉnh miền núi, tiềm lực kinh tế còn nhiều khó khăn chính bởi thế Hà Giang xác định lấy đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động là mục tiêu chính để phát triển kinh tế. Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập giảm nghèo cho người dân. Đẩy mạnh tập huấn

Là tỉnh miền núi, tiềm lực kinh tế còn nhiều khó khăn chính bởi thế Hà Giang xác định lấy đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động là mục tiêu chính để phát triển kinh tế. Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập giảm nghèo cho người dân.

Dạy nghề trồng chè ở Yên Minh, Hà Giang.

Đẩy mạnh tập huấn ngắn ngày

Vị Xuyên là một trong những huyện làm tốt công tác dạy nghề của tỉnh Hà Giang. Trong những năm qua Vị Xuyên luôn xác định công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Xuất phát từ mục tiêu đó, trong những năm qua, công tác dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Vị Xuyên ngày càng được quan tâm phát triển, chất lượng dạy nghề ngày càng được nâng lên. Nhiều loại hình đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp ngày càng được phát triển.

Bên cạnh đó, huyện Vị Xuyên cũng xác định nâng cao hiệu quả của công tác dạy nghề và đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo cho LĐNT là nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài dạy nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm Dạy nghề Vị Xuyên còn tăng cường mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp như kỹ thuật xây dựng, gò hàn, sửa chữa xe máy, điện dân dụng…

Các mô hình dạy nghề của huyện Vị Xuyên đã đáp ứng được một phần nhu cầu học các nghề phi nông nghiệp của lao LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động vùng nông thôn và xuất khẩu lao động….

Tính đến cuối năm 2019, đa số các học viên nông dân sau khi tốt nghiệp các nghề phi nông nghiệp đã tự tìm được việc làm tại các cơ sở của các doanh nghiệp trên địa bàn của huyện hoặc tự tạo việc làm tại chỗ; nhiều nông dân sau khi được học nghề đã tự đi học thêm kiến thức nhằm nâng cao tay nghề, mạnh dạn vay vốn đầu tư cơ sở sản xuất mang lại nguồn thu nhập cao cho bản thân và tạo việc làm cho các lao động khác.

Bên cạnh đó, nhằm không ngừng nâng cao thu nhập cho LĐNT, đáp ứng tiêu chí về nâng cao thu nhập của người nông dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên cũng đã đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp như mở các lớp tập huấn về kỹ thuật gieo trồng các loại cây lương thực, thực phẩm, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cam quýt, kỹ thuật chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm chủ yếu trên địa bàn.

Nhờ đó đã giúp người nông dân nâng cao thu nhập từ chính trên đồng ruộng và chuồng trại chăn nuôi của gia đình mình. Vì vậy, có thể nói, trong thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên đã cơ bản đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại các vùng nông thôn trong huyện gắn với công tác giảm nghèo.

Ông Phạm Đức Thụ – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên cho biết: Trong những năm qua, Trung tâm luôn đổi mới phương pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Đó cũng chính là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của huyện về trước mắt cũng như lâu dài.

Dạy nghề trồng ngô ở Yên Minh, Hà Giang.

Phát triển vùng trồng dược liệu lớn

Không chỉ bám sát hoạt động dạy nghề gắn với nhu cầu của người dân, từ lâu Hà Giang đã biết xây dựng cơ cấu dạy nghề gắn với thế mạnh của địa phương. Tỉnh Hà Giang có diện tích đất lâm nghiệp lớn, với trên 380 nghìn hecta đất có rừng, đây là lợi thế rất lớn để phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, thảo dược dưới tán rừng, rất phù hợp để trồng các loại cây dược liệu. Chính vì thế Hà Giang đã chọn hướng trở thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu. Tỉnh cũng xác định, đặt mục tiêu lấy đây là kênh để xóa đói giảm nghèo.

Để chuẩn bị cho mục tiêu này, Hà Giang đã triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (đề án 1956) cho người dân qua hình thức thường xuyên mở lớp đào tạo ngắn hạn (từ 1- 1,5 tháng) để giúp người dân học cách trồng dược liệu sạch.

Nông dân tham gia các lớp học sẽ được dạy các kỹ năng cơ bản như: Cách chuẩn bị đất, chọn giống cây, xử lý đất, đào hố và phân bón lót; trồng và chăm sóc nghệ, cây đinh lăng; thu hoạch, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ… Với sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành giúp cho học viên nắm chắc, rèn luyện được các kỹ năng cơ bản về các công việc trồng cây dược liệu.

Nhờ sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn, tính đến cuối năm 2019, số nông dân tham gia trồng cây dược liệu không ngừng tăng lên. Diện tích dược liệu toàn tỉnh đã đạt trên 7.400ha. Qua đó, đã tạo ra vùng sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao cho người dân.

Một trong những vùng trồng dược liệu thành công, nổi tiếng đó là vùng trồng dược liệu của anh Vàng Thìn Nghì (Quảng Bạ, Hà Giang). Sau khi được tham gia khóa đào tạo nghề ngắn hạn cho LĐNT, lại nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương anh Nghì đã mạnh dạn chuyển đổi 3ha đất nông nghiệp không hiệu quả của gia đình sang trồng cây dược liệu. Sau khoảng một năm sản xuất anh đăng ký thành lập hợp tác xã. Hiện nay hợp tác xã của anh đang làm ăn phát đạt, anh tiếp tục vay vốn để thuê đất liên kết trồng thêm 15ha dược liệu. Thu nhập từ bán dược liệu năm 2019 khoảng 3 tỷ đồng; Tạo công ăn việc làm cho gần 40 người dân địa phương, giúp họ có mức thu nhập từ 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác xã Dược liệu Nà Chang của anh Dương Phong Thương cũng được hưởng lợi từ các chương trình đào tạo nghề và chương trình cho nông dân vay vốn khởi nghiệp. Hiện nay anh đã mạnh dạn đầu tư 1 lò nấu cao Atisô công suất chế biến 1 tấn nguyên liệu/ngày, tổng vốn đầu tư hơn 700 triệu đồng.

Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Pha – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, diện tích trồng các loại cây dược liệu ở huyện Quản Bạ ngày càng tăng, đã tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Thu nhập từ dược liệu của các hợp tác xã (HTX) và nhân dân các xã, thị trấn cũng tăng theo, trung bình từ 100 – 150 triệu đồng/hộ/năm.

Ông Phạm Ngọc Pha đánh giá, có được những thành quả này, là nhờ chính quyền các cấp đã quan tâm rốt ráo, hỗ trợ, phối hợp với các công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển trồng các loại cây dược liệu mở các lớp dạy nghề, khuyến khích người nông dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu. Được chia sẻ kiến thức, được thực hành thực tế…. đã giúp người dân tự tin, có đủ kỹ năng chăm sóc, khai thác các loại cây dược liệu quý, qua đó năng suất và hiệu quả kinh tế từ trồng cây dược liệu được nâng lên.

”Từ năm 2016 đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 34.312 người; trong đó, cao đẳng 860 người, trung cấp 2.382 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 31.070 người. Số người được hỗ trợ đào tạo nghề là trên 25.000 người”.
Theo Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang.

Bài, ảnh: Minh Thùy