Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nuôi cá rô phi “đực” mở ra hướng đi mới cho nông dân ở miền Tây

07:51 16/11/2020 GMT+7

Những năm gần đây, nhiều nông dân chuyên nuôi thủy sản ở miền Tây liên tiếp thua lỗ bởi giá bán sụt giảm mạnh kéo dài, đầu ra sản phẩm rất bấp bênh, nhiều người rơi vào cảnh trắng tay vì thua lỗ, nhưng tại Sóc Trăng đã có những nông dân đang thu lãi khá lớn với mô hình nuôi cá rô phi “đực” đang mở ra hướng đi mới cho nhiều người.

Thu hoạch cá rô phi đơn tính của ông Võ Thanh Vân.

Những nông dân dám nghĩ, dám làm

Dù đang rất tất bật chỉ huy công nhân thu hoạch cá để cung cấp cho một công ty chế biến thủy sản ở Tiền Giang, ông Võ Thanh Vân, 61 tuổi, ngụ thị trấn Long Phú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) vẫn tranh thủ thời gian trao đổi cùng chúng tôi. Ông Vân nói vui: “Gọi là cá rô phi đực cho vui, thật ra trong khoa học người ta gọi là cá rô phi đơn tính. Tôi chọn mô hình này bởi qua nghiên cứu thấy rằng, năng suất rất cao, giá bán ổn định, có khả năng xuất khẩu sau khi chế biến, được các công ty đến đặt hàng, cung cấp con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm”.

Chúng tôi tiếp tục đến huyện Trần Đề để ghi lại một số hình ảnh thu hoạch cá rô phi đơn tính của anh Nguyễn Xuân Đức, người tiên phong đầu tư cho mô hình nuôi thủy sản nước ngọt trên vùng nước mặn bằng loại “rô phi đực” này và rất thành công trên diện tích 10.000m2 mặt nước. Theo tính toán, mỗi năm anh thu hoạch 2 đợt được trên 25 tấn cá, sau khi trừ chi phí đầu tư anh còn lãi gần 200 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với nuôi các loại thủy sản khác.

Anh Đức cho biết thêm: “Mô hình này vừa giúp tôi có thêm thu nhập từ cá rô phi đơn tính vừa cải tạo nguồn nước tốt từ các loại chế phẩm vi sinh.Tôi thực hiện đến nay đã được 5 vụ rồi và tới đây sẽ phát triển diện tích nuôi thêm khoảng 10.000m2 vào cuối năm 2020 này”.

Riêng chuyện nuôi toàn cá “đực”, theo ông Võ Thanh Vân giải thích thì cá đực không sinh sản, khả năng đề kháng dịch bệnh mạnh hơn nhiều với con cái, tỉ lệ tăng trưởng nhanh hơn, độ đạm cao hơn và giá bán cũng cao hơn từ 20 – 30%. Tuy nhiên nuôi cá “toàn đực” cũng đòi hỏi kỹ thuật nuôi, chăm sóc rất bài bản thì mới thành công. Bản thân ông cũng đã từng kinh qua việc nuôi nhiều loại thủy sản khác nhau nên đúc kết khá nhiều kinh nghiệm. Sau khi có được các yếu tố cần thiết, ông Võ Thanh Vân bắt đầu thực hiện mô hình.

Đầu tiên là khâu chuẩn bị 11 ao nuôi với diện tích mỗi ao xấp xỉ từ 3.000 – 4.000m2, có ao lên đến 7.000m2 được ông gia cố đê bao rất kiên cố cùng với hệ thống lắng lọc, xả thải nước một cách liên tục để đảm bảo nguồn nước luôn an toàn và thả nuôi vụ đầu tiên vào tháng 9.2019.

Điều đặc biệt ở lão nông này là ông áp dụng qui trình nuôi cá 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 cá giống có kích cỡ từ 3.000 – 4.200 con/kg được đưa vào ao riêng để nuôi với chế độ chăm sóc đặc biệt. Giai đoạn 2 khi cá có trọng lượng từ 50 – 60 con/kg sẽ được chuyển sang ao lớn và chế độ chăm sóc, cho ăn khác hơn. Không những vậy, ông Vân còn chế biến thành công sản phẩm sinh học mang tên Chế phẩm hữu cơ vi sinh bả bùn mía) đã được các cơ quan kiểm định và đánh giá chất lượng cao và cho phép lưu hành trên thị trường. Bản thân ông đã dùng chế phẩm này để làm sạch môi trường ao nuôi của mình rất thành công, hạn chế dịch bệnh và độ hao hụt của thủy sản thả nuôi. Hiện chế phẩm này bán rất “chạy” trên khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thu hoạch cá rô phí đơn tính của anh Nguyễn Xuân Đức.

Mô hình đang phát huy hiệu quả

Sau 6 tháng nuôi, ông Vân đã thu hoạch vụ đầu tiên vào tháng 3.2020. Kết quả đến thật bất ngờ, ông đã có được 235 tấn cá “rô phi đực”, bình quân mỗi con cân nặng từ 800g đến 1kg. Với giá bán bình quân cho công ty bao tiêu sản phẩm là 28.000 đồng/kg, sau khi trừ hết các khoản chi phí đầu tư ông đã lãi trên 1,6 tỷ đồng ngay từ vụ đầu tiên.

Ông Nguyễn Văn Khôi, ngụ thị trấn Long Phú, huyện Long Phú cho biết: “Trong khi nhiều người khác đang lúng túng, thua lỗ từ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá lóc, cá kèo… thì ông Vân trúng “bể tay” từ việc nuôi cá rô phi “đực”. Từ đó nhiều người đã đến học tập phương pháp nuôi cá của ông để làm theo, hy vọng sẽ khấm khá hơn. Từ trước tới nay chỉ thấy người ta nuôi cá rô phi ở vùng nước ngọt chớ đâu thấy ai nuôi ở vùng nước mặn như ở huyện Long Phú này, vậy mà ông Vân nuôi rất thành công”.

Ông Vân chia sẻ một số kinh nghiêm thực tế: Cá rô phi đơn tính phát triển tốt trong vùng nước lợ lẫn nước ngọt nhưng đòi hỏi chế độ chăm sóc và thức ăn phù hợp. Chúng có thể chịu đựng, thích nghi ở nguồn nước có độ mặn dưới 5/1.000. Đây là lợi thế rất lớn cho các vùng đất bị nhiễm mặn mức độ cho phép. Thịt chúng có nhiều đạm và chất bổ dưỡng nên việc xuất khẩu khá thuận lợi. Đến thời điểm hiện tại giá mua từ các công ty xuất khẩu đã trên 33.000 đồng/kg

Năm 2020, ông Vân dự kiến sẽ thu hoạch trên 400 tấn cá rô phi đơn tính. Với giá bao tiêu như vừa nêu, bình quân mỗi ký cá thương phẩm ông sẽ lãi từ 8.000 đến 9.000 đồng/kg. Như vậy ông sẽ có lãi trên 3 tỷ đồng bởi vừa trúng sản lượng lại vừa trúng giá.

Điều đáng mừng là hiện nay đã có rất nhiều nông dân, nhất là người đang canh tác trên vùng nước mặn, nước lợ ven biển các tỉnh miền Tây như huyện Trần Đề, Vĩnh Châu, Long Phú (tỉnh Sóc Trăng); huyện Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri (tỉnh Bến Tre); huyện Cầu Ngang, thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh)… đã bắt đầu chuyển đổi mô hình nuôi tôm cá truyền thống hàng chục năm qua sang mô hình nuôi cá rô phi đơn tính bởi có nhiều lợi thế nhất là giá cả cao và ổn định, đầu ra sản phẩm dễ dàng, quan trọng nhất đây là loại thủy sản hoàn toàn có khả năng xuất khẩu.

Bà Lê Thị Thúy, ngụ huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cho biết: “Nuôi tôm nước mặn bây giờ độ rủi ro mất trắng rất cao bởi dịch bệnh, thời tiết diễn biến bất thường, độ mặn xâm nhập ngày càng cao, thấy bên Sóc Trăng họ nuôi cá rô phí đơn tính “trúng” quá, hàng chục người trong đó có tôi đã chuẩn bị ao nuôi chuyển sang mô hình này hy vọng sẽ thành công để không lo thua lỗ, trắng tay”.

Ông Võ Văn Bé, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng nhận định: “Đây là cách làm mới rất hiệu quả, phù hợp với tất cả diện tích mặt nước, đặc biệt là cứu cánh cho người dân nuôi thủy sản vùng nước mặn của Sóc Trăng như Trần Đề, Long Phú, Vĩnh Châu. Không những thế mô hình này có tránh được tình trạng trúng cá mất giá như các loại cá, tôm khác do đầu ra rất dễ dàng và hút hàng để xuất khẩu. Chúng tôi đang nhân rộng phương pháp nuôi cá rô phi này đến với bà con và hy vọng sẽ đạt được kết quả cao”.

Bài và ảnh: Huỳnh Anh