Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phát động hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2022

Bùi Ánh - 14:46 17/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn được tổ chức thường niên tại Việt Nam, đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Qua đó, chiến dịch kỳ vọng mang lại thay đổi nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sống

Sáng 17/9, tại bãi biển xã Diễn Thành (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" năm 2022.

Dự buổi lễ có ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam và nhiều vị đại biểu khác.

Ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đề nghị Hội Nông dân các cấp tổ chức vận động cán bộ hội viên nông dân tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Ảnh: Bùi Ánh

Về phía tỉnh Nghệ An có ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện Diễn Châu.

Bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết thúc đẩy phát triển bền vững

Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên đang là những vấn đề mang tính toàn cầu, là thách thức lớn nhất với nhân loại trong thế kỷ 21. Trước tình hình đầy cam go đó, ông Đinh Khắc Đính – Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đề nghị Hội Nông dân các cấp tổ chức vận động cán bộ hội viên nông dân tham gia nhiều hoạt động thích hợp ra quân hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn và nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường nông thôn.

Các đại biểu tham dự lễ phát động. Ảnh: Bùi Ánh

Phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Đinh Khắc Đính nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở; tập trung xây dựng hệ thống hội nông dân và giai cấp nông dân vững mạnh. Các cấp Hội tích cực phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành tổ chức các phong trào nông dân tham gia bảo vệ môi trường, tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên nông dân về thu gom, phân loại những loại rác thải sinh hoạt; hướng dẫn hội viên nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; xây dựng mô hình điểm hội nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; Phát động các phong trào nông dân chung tay bảo vệ môi trường như nông dân nói không với túi nilon, nông dân trở thành người tiêu dùng xanh, nông dân từ chối sử dụng sản phẩm nhựa một lần,… Thông qua những hoạt động này nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được nâng lên. Bước đầu đã hình thành trách nhiệm, hành vi sống thân thiện với môi trường, tạo diện mạo mới ở nông thôn, xây dựng được làng quê đáng sống với cảnh quan môi trường trong lành, sáng, xanh, sạch đẹp”.

Việc bảo vệ môi trường nông thôn trực tiếp giải quyết được triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của người dân; kiểm soát chặt chẽ các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Do đó, mỗi hội viên nông dân cần ý thức được giá trị của môi trường mình đang sống nhằm mang lại nguồn sống trong lành cho bản thân và gia đình.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Bùi Ánh

Năm 2022 là năm tiếp tục hưởng ứng chủ đề đã được phát động tại Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời kêu gọi các cá nhân, tập thể và cộng đồng cùng chung tay có những hành động thiết thực để giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn là dịp lan tỏa cộng đồng các hoạt động vì môi trường. Theo đó, thời gian qua, công tác phối hợp, tổ chức triển khai các nội dung, chiến dịch, hưởng ứng, các phong trào từ các tổ chức từ Trung ương tới địa phương với sự tham gia đông đảo của người dân trong hoạt động bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Điển hình như lời kêu gọi hướng tới mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ; phong trào Chống rác thải nhựa; phong trào Ngày Chủ nhật xanh đồng loạt toàn quốc...

Trong những năm qua, Nghệ An là địa phương tích cực tổ chức các hoạt động phong trào Xanh – Sạch – Đẹp; xây dựng Chiến lược về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường mang tính bền vững và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đều hoàn thành và vượt mục tiêu. Đến nay, số điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để và số điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật được điều tra, khoanh vùng, lập dự án xử lý được gia tăng, chất lượng môi trường sống nhiều nơi được duy trì, bảo vệ ở mức tốt. Phong trào Giảm thiểu rác thải nhựa bước đầu đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân. Nghệ An có  322/411 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới; Tỉnh cũng đã đầu tư hiện đại hóa hệ thống 21 trạm quan trắc môi trường tự động kết nối từ cơ sở đến tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường, tăng cường kiểm soát, cải tạo, phục hồi môi trường; tỷ lệ che phủ rừng 58,5% với khu dự trữ sinh quyển Miền Tây có mức độ đa dạng sinh học cao - là ”mảng xanh” trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh;...

 “Cùng hành động để thay đổi”

Tại Việt Nam, với dân số hơn 96 triệu người, hằng năm, lượng rác được thải ra là rất lớn, trung bình có hơn 61.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày. Nguồn thải lớn nhưng khoảng hơn 70% lượng rác thải được xử lý chủ yếu bằng phương pháp  chôn lấp; vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất, nếu không kiểm soát tốt có nguy cơ gây ô nhiễm tới môi trường đất, nước, không khí. Phần lớn hiện nay, rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, khối lượng rác thải gia tăng trung bình từ 10-16%/năm, gây áp lực lớn cho việc xử lý rác thải.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Bùi Ánh

Trước thực trạng đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Võ Tuấn Nhân trân trọng đề nghị các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cùng chung tay tổ chức các hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:

Thứ nhất, triển khai có hiệu quả và tuyên truyền hướng dẫn để đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào thực tế cuộc sống, trong đó tập trung vào việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải phù hợp, ít phát thải ra môi trường, ưu tiên công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững...

Đông đảo người dân trên địa bàn huyện Diễn Châu hưởng ứng tham gia lễ phát động. Ảnh: Bùi Ánh

Thứ hai, tăng cường kiểm soát và giám sát nguồn thải từ các khu vực có phát sinh nhiều chất thải hoặc các điểm nóng về ô nhiễm môi trường như các khu/cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông,...

Thứ ba, tổ chức các hoạt động dọn dẹp, vệ sinh môi trường và trồng cây xanh tạo cảnh quan tại nơi sinh sống, cơ quan, trường học... Khởi công và bàn giao các công trình, dự án về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các công trình, mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, tái chế chất thải...

Hàng cây "Nông dân ơn Bác" hưởng ứng chương trình được trồng tại xã Diễn Thành (Diễn Châu). Ảnh: Bùi Ánh

Thứ tư, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường và giảm tối đa việc sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, giảm thiểu chất thải tại các siêu thị, chuỗi cung ứng hàng hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ và các nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm xử lý, tái chế (EPR).

Thứ năm, các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và các địa phương tăng thời lượng tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là phổ biến các mô hình tốt, cách làm hay có liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các hoạt động vì môi trường... Trong đó, cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, truyền thông phù hợp trên nền tảng công nghệ, phù hợp các nhóm đối tượng. Từ đó, các hoạt động nổi bật, các sáng kiến và giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả sẽ được giới thiệu đến người dân và được các cấp có thẩm quyền khen thưởng, tôn vinh kịp thời.

Tại buổi lễ phát động, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: “Tiếp nối chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới” đã được Liên Hợp quốc phát động, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm nay hướng tới tuyên truyền, vận động nhân dân cùng xây dựng lối sống bền vững, xanh hơn, sạch hơn, có những hành động cụ thể, thiết thực để bảo vệ môi trường như tăng cường dọn dẹp, vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, giảm thiểu chất thải nhựa, tái chế chất thải; đưa Luật Bảo vệ môi trường vào thực tế cuộc sống, tăng cường kiểm soát và giám sát nguồn thải từ các khu vực phát sinh nhiều chất thải; triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện phân loại rác tại nguồn… Đó là một số giải pháp mà tỉnh Nghệ An đã và đang hướng tới để giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển bền vững”.

Các đại biểu trao tặng thùng rác phân loại cho huyện Diễn Châu. Ảnh: Bùi Ánh

Tại buổi lễ, các đại biểu đã trao tặng thùng rác phân loại của đại diện Công ty Coca-Cola Việt Nam và đại diện Bộ TN&MT cho huyện Diễn Châu; triển khai mô hình “Hàng cây nông dân ơn Bác”, ra quân cộng đồng hưởng ứng Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" năm 2022.