Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phát triển kinh tế-xã hội phải gắn chặt với bảo vệ môi trường

14:42 05/11/2020 GMT+7
Ngày 4.11, tại TP. Cần Thơ, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII  tại Cụm Thi đua số 5 của Hội gồm 11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ngày 4.11, tại TP. Cần Thơ, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII  tại Cụm Thi đua số 5 của Hội gồm 11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng chí Điểu K’ré, Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư và đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Điểu K’ré, Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban dân vận T.Ư; Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch T/Ư Hội NDVN chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Hội ND các tỉnh, thành phố trong Cụm thi đua số 5, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp; nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Phát biểu khai mạc Hội nghị đồng chí Bùi Thị Thơm cho biết, thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ chính trị về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thông báo Kết luận số 159-TB/TW, ngày 15/1 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 21KH/BDVTW, ngày 20/7 của Ban Dân vận T.Ư, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy tinh thần dân chủ, tập hợp trí tuệ của mọi thành phần tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, giúp cho dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng toàn diện hơn, tạo sự thống nhất, củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng Dân.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành nhiều thời gian cho xây dựng các Văn kiện Đại hội Đảng. Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nhất là báo cáo chính trị thể hiện những quan điểm, chủ trương, phương hướng lớn, cho thấy tầm nhìn tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển đất nước và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội ND TP. Cần Thơ đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

“Trong những ngày này, cùng với việc các cấp, các ngành tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng, miền Trung của chúng ta đang phải hứng chịu thiên tai nặng nề, thiệt hại về người và tài sản, mọi mặt đời sống, sinh hoạt, sản xuất của bà con nhân dân. Mọi người con đất Việt hướng về khúc ruột miền Trung, chia sẻ với miền Trung những đau thương mất mát.Năm 2020 không chỉ bão lũ, sạt lở ở miền Trung mà dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, tác động của biến đổi khí hậu diễn ra ở các vùng trong cả nước, trong đó ĐBSCL, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất và thu nhập của người dân. Đây là một thực tế đã và đang diễn ra mà chúng ta phải đối mặt và phải thay đổi tư duy, cách làm sao cho thích ứng với thực tế đó. Vì vậy, Hội Nông dân Việt Nam  và các đại biểu hãy nhìn nhận rõ thực tế, đóng góp thiết thực mang hơi thở cuộc sống vào trong văn kiện”, đồng chí Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.

Tại Hội nghị đã có 12 ý kiến đóng góp trực tiếp, tất cả các ý kiến thống nhất với dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nhiều ý kiến đóng góp mong muốn ĐBSCL thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Đồng chí Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội ND TP. Cần Thơ cho rằng, trong hệ thống Hội ND TP. Cần Thơ đã có 152 ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, một vài ý kiến cho rằng, mặc dù kinh tế tăng cao, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng cao, nhưng thực tiễn đời sống của một bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn, nhất nông dân ở miền núi và một số ít thị dân. Sự dịch chuyển lao động từ nông thôn, vùng khó khăn về thành thị, các trung tâm kinh tế lớn để tìm việc làm, làm tăng áp lực chăm lo cuộc sống, thấy rõ nhất trong 10 năm qua, nhất là 5 năm gần đây. Từ thực trạng trên, các ý kiến đề xuất Đảng, Nhà nước rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

“Nhà nước cần ban hành cơ chế quản lý dân nhập cư các đô thị, trung tâm kinh tế lớn, ban hành chính sách tạo điều kiện, môi trường để dân nhập cư có điều kiện sinh sống tốt, đóng góp cho sự phát triển đô thị, trung tâm kinh tế lớn, thay vì là gánh nặng cho đô thị như thời gian qua và hiện nay”, đồng chí Trần Thị Thiên Thư đề nghị .

Đồng chí Trương Thanh Nhã, Chủ tịch Hội ND tỉnh Bạc Liêu góp ý vào các nhiệm vụ, giải pháp.

Đồng chí Trương Thanh Nhã, Chủ tịch Hội ND tỉnh Bạc Liêu góp ý vào những nhiệm vụ, giải pháp: Cần định hướng phát triển kinh tế, xã hội theo thế mạnh, đặc trưng, yêu cầu của từng vùng, miền. Quan tâm đề ra những định hướng mang tính khoa học để phát triển kinh tế ở những địa phương còn chậm phát triển, cần ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là nông dân.

Cần có biện pháp bảo vệ môi trường thiết thực hơn nữa; xử lý nghiêm khắc và triệt để đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường và khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên; tăng cường thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường chặt chẽ hơn…

“Trung ương cần xem xét, ưu tiên đầu tư nguồn nhân lực phát triển vùng ĐBSCL ngang bằng với các vùng khác để xây dựng hạ tầng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục có chính sách tín dụng hỗ trợ cho nông dân để sản xuất, kinh doanh. Ưu tiên đầu tư các dự án phát triển sinh kế cho nông dân ĐBSCL tăng thu nhập, nâng mức sống …”, đồng chí Nhã đóng góp ý kiến.

TS. Nguyễn Minh Hoà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho biết, để thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH vùng ĐBSCL, cần liên kết phát triển vùng theo định hướng và chính sách đầu tư của nhà nước dựa trên thế mạnh chung của vùng và nội vùng. Hiện nay ĐBSCL chiếm khoảng 70% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của cả nước, năng suất nuôi trồng thuỷ sản và hoa quả cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, riêng về nuôi tôm gấp khoảng 50 lần.

TS. Nguyễn Minh Hoà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, nêu ý kiến về phát triển KT-XH vùng ĐBSCL.

“Theo GS Võ Tòng Xuân đã từng phát biểu thì vấn đề an ninh lương thực có thể được đảm bảo bởi vùng tứ giác Long Xuyên vì ít ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và có thể áp dụng công nghệ cao nên có thể vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Vì thế các vùng phía dưới có thể chuyển dịch mạnh sang nuôi trồng thuỷ sản và hoa quả. Song song với đó, cần đầu tư phát triển các trung tâm dự trữ, chế biến nông thuỷ sản và dịch vụ logistics ở vùng nhằm ứng phó linh hoạt với biến động của thị trường, gia tăng giá trị cho sản phẩm, góp phần khắc phục tình trạng được mùa mất giá” TS. Hoà dẫn chứng thêm.

Ngoài ra Hội nghị còn nhiều ý kiến như: Cần có chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân về phát triển HTX; Cần có chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng gắn với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi giá trị sản phẩm…

Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Điểu K’ré, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị rất thẳng thắn, đa dạng và thiết thực…

Quá trình chuẩn bị dự thảo văn kiện này đã triển khai từ rất lâu, và hiện nay đã được lấy ý kiến nhân dân. Hội Nông dân tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cán bộ, hội viên nông dân, các nhà khoa học, nông dân sản xuất giỏi, HTX… các ý kiến này sẽ được Hội ND và Ban Dân vận tổng hợp để gửi cho Tiểu ban Văn kiện tiếp thu bổ sung vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng – Đồng chí Điểu K’ré khẳng định.

Hoàng Tuấn