Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bộ NN&PTNT và Hội Nông dân Việt Nam:

Phối hợp để phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp

(Tapchinongthonmoi.vn) - Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng hiện đại là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Điều này đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để thực hiện điều đó, Nghị quyết Trung ương khẳng định: “Lấy tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là phát triển kinh tế hợp tác là nền tảng”.

Sự cần thiết vận động hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã trong nông nghiệp
Hiện nay, cả nước có khoảng 9,2 triệu hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông - lâm- thủy sản (NLTS). Mặc dù số lượng hộ nông dân có xu hướng giảm, nhưng vẫn là thành phần chính của các hình thức sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của hộ nông dân Việt Nam vẫn còn rất nhỏ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, cả nước có 71,3% hộ nông nghiệp có diện tích nhỏ hơn 0,5ha; hộ nông dân có diện tích lớn hơn 1ha chỉ chiếm 16,7%. Cả nước cũng chỉ có 20.611 trang trại nông nghiệp và diện tích trung bình của một trang trại chỉ là 5,96ha. Có thể thấy, sự tích tụ ruộng đất ở hộ nông dân có xảy ra nhưng mức độ tích tụ ruộng đất tăng rất chậm. Do quy mô diện tích nhỏ nên đóng góp của thu nhập từ sản xuất NLTS vào tổng thu nhập của hộ có xu hướng giảm. Hậu quả là nhiều hộ nông dân không quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, chỉ coi sản xuất nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực cho hộ và/hoặc giữ đất chờ cơ hội kiếm lợi từ việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều nơi, nông dân bỏ hoang ruộng để làm phi nông nghiệp hoặc di cư làm việc ở nơi khác có thu nhập cao hơn. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN-PTNT triển khai số hóa cơ sở dữ liệu, thông tin về HTX nông nghiệp  Ảnh Trung Quân
Hộ nông dân quy mô nhỏ gặp bất lợi trong khai thác kinh tế quy mô nội bộ (quy mô nhỏ không thích hợp cho sử dụng hiệu quả nhiều máy móc đầu tư, sử dụng lao động,…) cũng như kinh tế quy mô ngoại sinh, như khó tiếp cận tín dụng, giá thành cao hơn trong tiếp cận vật tư đầu vào, dịch vụ sản xuất, khó liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp. Từng hộ nông dân nhỏ cũng không có quyền lực thị trường trong mua vật tư đầu vào, bán sản phẩm và liên kết chuỗi giá trị. Trong bối cảnh đó, HTX nông nghiệp được coi là cách thức phù hợp, hiệu quả để giúp hộ nông dân nhỏ vượt qua các thách thức hạn chế của mình. Vì vậy, chừng nào còn hộ nông dân quy mô nhỏ, thì HTX nông nghiệp còn tồn tại và có vai trò của nó.
Trong 10 năm qua, HTX nông nghiệp của Việt Nam đã có sự phát triển và có vai trò quan trọng trong việc phục vụ thành viên là các hộ nông dân cũng như sự phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam. Tính đến hết tháng 12/2023, cả nước có 100 Liên hiệp HTX nông nghiệp và 20.789 HTX nông nghiệp trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt và gần 2.500 HTX NN ứng dụng CNC, chuyển đổi số; 4.339 HTX tham gia bao tiêu nông sản cho thành viên. Ngoài việc cung cấp vật tư, dịch vụ sản xuất nông nghiệp thì nhiều HTX đã quan tâm đến việc tổ chức ứng dụng KHCN cho các thành viên và tham gia chuỗi giá trị ngành hàng thông qua hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp hoặc tổ chức chuỗi giá trị riêng của HTX. Tuy nhiên, tỷ lệ HTX có liên kết chuỗi giá trị hoặc ứng dụng KHCN còn thấp. Quyền lực trong liên kết với doanh nghiệp vẫn chủ yếu trong tay doanh nghiệp. Rất ít HTX thực hiện phân phối nông sản, thực phẩm nên vai trò của HTX trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm còn hạn chế. Nâng cao vai trò của HTX trong các khâu sau của chuỗi giá trị ngành hàng không chỉ tạo giá trị gia tăng cho thành viên mà còn giúp cho hộ nông dân thành viên HTX có quyền lực thị trường cao hơn.
Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp Nông dân; Hội có chức năng tập hợp, vận động, giáo dục hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt; đại diện giai cấp Nông dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất và đời sống. Thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế tập thể, từ năm 2018 đến nay, Trung ương Hội đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, đề án về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể cho cán bộ Hội, cán bộ các tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng khu vực; tổ chức tư vấn, hướng dẫn nông dân các bước thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từ khâu khảo sát, lập dự án đến tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định; tổ chức các hoạt động đào tạo nghề; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho các hợp tác xã, tổ hợp tác. Trong nhiều năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã như thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”. Đặc biệt mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 về ban hành Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. Đây là Đề án có ý nghĩa quan trọng; góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế hộ nông dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Chương trình phối hợp của Bộ NNPTNT với Hội Nông dân để phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp
Nhằm tăng cường phối hợp hoạt động giữa hai cơ quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp số 8471/CTPH-BNN&PTNT-HNDVN ngày 14/12/2021 về việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, hai cơ quan cùng phối hợp và chỉ đạo ngành dọc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp gồm:
Một là, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, ưu tiên cán bộ Hội cấp xã làm công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phấn đến năm 2025 có 50% số lượng Hội Nông dân cấp xã đều có cán bộ am hiểu nhiệm vụ và có kỹ năng tư vấn phát triển hợp tác xã.
Hai là, tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thành lập, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn. Trước mắt tập trung vận động, hỗ trợ nông dân tham gia xây dựng các hợp tác xã để phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi giá trị tại 11 tỉnh, 75 huyện theo Đề án Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản giai đoạn 2021-2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ba là, hỗ trợ xây dựng và phát triển khoảng 1.000 Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc “5 tự” và “5 cùng”, tạo cơ sở nền tảng phát triển thành các tổ hợp tác, hợp tác xã.  
Bốn là, xây dựng các mô hình: Hội quán Nông dân (Mô hình tại Đồng Tháp), CLB Nông dân Tỷ phú (Mô hình tại Bến Tre); CLB Nông dân SXKD giỏi, CLB Doanh nhân nông thôn (Mô hình tại An Giang và nhiều tỉnh); CLB Nhà Khoa học của Nhà nông; CLB Nông dân Việt Nam xuất sắc (Báo Nông thôn ngày nay chủ trì).
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ trương, định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Khu vực kinh tế hợp tác, HTX phải chủ động thực hiện chuyển đổi số để thích nghi với tình hình mới. Ảnh Trung Quân.
Tính đến hết năm 2022, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập được 2.398 HTX nông nghiệp với 422.250 thành viên; tổng vốn điều lệ là 5.083,76 tỷ đồng (Bình quân 2,12 tỷ/HTX); tổng doanh thu là 5.559,7 tỷ/năm (Bình quân 2,65 tỷ đồng/HTX); tổng lợi nhuận là 839,3 tỷ/năm (Bình quân 350 triệu đồng/HTX); thu nhập bình quân/thành viên/năm là 51,5 triệu đồng. Thu nhập của thành viên và lao động thường xuyên trong HTX ngày càng tăng và đang dần thu hẹp khoảng cách so với thu nhập của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức bằng 52,4% năm 2018 đã tăng lên mức bằng 60,7% vào năm 2022. Quy mô thành viên trung bình của một HTX nông nghiệp do Hội ND hỗ trợ thành lập có xu hướng ổn định và tăng dần do có nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân điển hình tiên tiến, thành viên các chi, tổ hội nghề nghiệp của Hội tự nguyện tham gia. Đây là một thành tích đáng kể nếu so với thực tế hiện nay trên địa bàn cả nước, hàng năm số lượng HTX đều tăng nhưng số thành viên có xu hướng giảm (số thành viên HTX trên cả nước năm 2021 giảm gần 1,87 triệu thành viên so với năm 2013).
Bên cạnh hỗ trợ HTX, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập được 19.976 THT nông nghiệp (Trong đó có 1.638 THT được chứng thực hợp đồng hợp tác, chiếm 8,2%); tổng số thành viên là 284.444 người; tổng số lao động làm việc thường xuyên là 267.689 người (bình quân 13 người/THT); doanh thu bình quân năm 2022 ước đạt 405,23 triệu đồng/THT; lãi bình quân năm 2022 ước đạt 41,45 triệu đồng/THT. Các THT của Hội hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nổi bật nhất là hoạt động trong các nhóm nghề trồng rau sạch, sản xuất giống, nuôi trồng thuỷ, hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ về thuỷ nông, làm đất, gieo cấy và thu hoạch lúa, cơ điện nông thôn, sửa chữa máy nông nghiệp và một số ngành nghề nông thôn khác. Một số hoạt động của THT đã có sự gắn kết với các chương trình trọng điểm cấp thôn, xã.
Ngoài ra, Hội NDVN đã thành lập một số mô hình hợp tác quy mô nhỏ có tổ chức và nguyên tắc hoạt động tương tự như THT trong nông nghiệp. Các mô hình này nhằm đáp ứng nhu cầu tăng quy mô sản xuất và cung cấp các loại nông sản hàng hóa, trao đổi kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp giữa các thành viên. Điển hình như các chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ vay vốn, Câu lạc bộ khoa học nhà nông, Tổ xóa đói, giảm nghèo...  Các mô hình này đang có sự đóng góp tích cực cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn tại các địa bàn, thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng và có xu hướng phát triển thành các tổ chức kinh tế ở trình độ quản trị cao hơn như doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tiếp tục tăng cường phối hợp giữa 2 cơ quan để phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp
Nhằm tiếp tục tham gia có hiệu quả công tác phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT với Hội Nông dân cần tiếp tục tăng cường phối hợp hoạt động giữa 02 cơ quan trong tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp; Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hai Cơ quan trong thực thi nhiệm vụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; kết nối tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; vệ sinh môi trường nông thôn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Chương trình phối hợp giữa 2 cơ quan cần được triển khai cụ thể bằng kế hoạch hàng năm trên cơ sở lồng ghép các hoạt động, nguồn lực, phối hợp thống nhất, chặt chẽ có sự theo dõi, kiểm tra, giám sát, đảm bảo thiết thực và hiệu quả, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân Việt Nam. Hoạt động phối hợp được thực hiện chủ động, tích cực, thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả khi xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến các hoạt động phối hợp góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển theo mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. 
Chương trình phối hợp giữa hai Cơ quan là cơ sở để ngành NN&PTNT và Hội Nông dân các cấp xây dựng chương trình phối hợp triển khai các hoạt động liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại địa phương.