Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phong trào thi đua cần phát triển cả về quy mô, chất lượng, phù hợp với thực tế

08:38 03/12/2020 GMT+7
Cùng với nhận định phát triển sâu rộng, tăng nhanh về số lượng, quy mô và hiệu quả kinh tế- xã hội, tại Hội nghị Tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 của

Cùng với nhận định phát triển sâu rộng, tăng nhanh về số lượng, quy mô và hiệu quả kinh tế- xã hội, tại Hội nghị Tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Thừa Thiên Huế, diễn ra trong ngày 02/12/2020, những vấn đề còn hạn chế đã được “mổ xẻ”, nhằm đề ra các giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn trong giai đoạn mới.

Đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Dự Hội nghị có đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các, sở, ngành liên quan và các hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” (SXKD) được Hội ND tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hình thức linh hoạt. Giải pháp được các cấp Hội tổ chức rất thiết thực như hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay qua các ngân hàng, Quỹ Hỗ trợ Nông dân, cung ứng vật tư nông nghiệp, xây dựng các mô hình trình diễn, mô hình sản xuất hữu cơ, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm… Cùng với đó, các cấp Hội tích cực vận động nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp nhau giống, nguồn vốn, ngày công, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cùng xoá đói giảm nghèo, vươn lên khá giả. Từ phong trào, nhiều nông dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, liên minh sản xuất, xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân vượt khó thoát nghèo, có nhiều hộ nông dân thu nhập từ 1-2 tỷ đồng.

Ông Hồ Đa Thê, hội viên nông dân ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc là điển hình như thế. Trước thực trạng trồng rừng truyền thống theo thói quen của bà con, chưa nắm bắt về kỹ thuật lâm sinh trồng và chăm sóc, chu kỳ kinh doanh 4-5 năm khai thác, sản phẩm gỗ chỉ bán nguyên liệu giấy với giá rất rẻ, không ổn định dẫn đến hiệu quả kinh tế từ rừng trồng thấp. Qua đó, ông đã tiên phong vận động các hộ nông dân có đất rừng đăng ký tham gia trồng rừng chứng chỉ FSC. Năm 2015, ông đã đứng ra vận động các lâm hộ ở địa phương thành lập Chi hội chứng chỉ FSC rừng Hoà Lộc, ban đầu gồm 25 thành viên, với tổng diện tích hơn 189 ha.

Sau hơn 7 năm, tất cả rừng trồng của các thành viên thuộc chi hội cho khai thác đã đạt sản lượng gỗ bình quân từ 200-220m3/ha, tỷ lệ gỗ vanh tăng từ 60-70%, đưa giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC lên đến 250-300 triệu đồng/ha. So với rừng trồng gỗ nhỏ 5 năm khai thác thì lợi nhuận chỉ được khoảng 80-90 triệu đồng/ha. Với hiệu quả đó, chỉ sau 2 năm, chi hội đã mở rộng lên 55 thành viên, với tổng diện tích 540ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC.

Hội nghị còn ấn tượng hơn với Hội ND thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang trong phong trào nông dân đăng ký danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, trong đó có 3 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2016-2020. Nhiều nông dân ở Phú Đa còn phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ, mộc mỹ nghệ… đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã nhanh chóng phát triển sâu rộng, tăng nhanh về quy mô, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên khắp địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng trên vùng gò đồi theo chủ trương của tỉnh và thị xã Hương Thủy đã được nông dân xã Thủy Phù chú trọng phát triển với diện tích khá lớn. Phần lớn cây keo được trồng trên toàn bộ diện tích rừng hiện có của xã với hơn 1.200ha, đây là tiềm năng mà địa phương đang phát huy.

Đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN (thứ hai bên phải) tặng lẵng hoa tươi thắm chúc mừng Hội nghị.

Cùng đó, nhiều giống cây trồng mới có hiệu quả cao được nông dân Hương Thủy đưa vào sản xuất như mô hình cây hồ tiêu, bưởi da xanh, ổi không hạt, vú sửa, mãng cầu dai… Trong chăn nuôi, mô hình trang trại, gia trại phát triển dần thay thế mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ ở gia đình, nhiều vật nuôi có giá trị kinh tế cao đang được phát triển nuôi như bò sinh sản, dê sinh sản…

Có thể thấy, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm năm qua, số lượng hội viên, nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi năm sau cao hơn năm trước. Bình quân, mỗi năm toàn tỉnh bình chọn được hơn 35.985 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp từ Trung ương đến cấp xã, đạt 60,4% hộ đăng ký. Từ trong phong trào đã xuất hiện nhiều gương “NDVN xuất sắc”, “ND điển hình tiên tiến”, “Nhà nông sáng tạo”…

Phong trào đã thu hút đông đảo nông dân trong tỉnh hăng hái hưởng ứng tham gia, đã có 297.677 lượt hộ đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, chiếm 60,44% tổng số hộ nông dân trong tỉnh. Trong đó, có 140.715 lượt hộ đạt tiêu chí cấp cơ sở chiếm 78,2 %; có 35.336 lượt hộ đạt tiêu chí cấp huyện chiếm 19,6 %; có 3.509 lượt hộ đạt tiêu chí cấp tỉnh chiếm 2% và có 364 lượt hộ đạt tiêu chí cấp Trung ương, chiếm 0,2 %.

Cũng tại hội nghị, nhiều hội viên đã bày tỏ mong muốn các cấp Hội tiếp tục tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, mở các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý, khoa học kỹ thuật, kỹ năng thực hành, đào tạo nghề cho những hộ sản xuất kinh doanh đáp ứng yêu cầu nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hội các cấp cũng cần quan tâm hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất mới nhằm giúp hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm thường xuyên cho hội viên nông dân trên địa bàn.

Đánh giá về thành quả trong quá trình thực hiện phong trào của các cáp Hội ND ở Thừa Thiên Huế, đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN bày tỏ vui mừng và cho rằng: Nhiều tập thể, cá nhân điển hình của tỉnh không chỉ là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, mà còn là đội ngũ tích cực, gương mẫu thực hiện các chính sách xã hội ở nông thôn, góp phần củng cố niềm tin của hội viên nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp.

Đồng chí Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế là địa phương hội đủ các điều kiện tự nhiên, ngoài những cánh đồng sản xuất kinh doanh nông sản, còn có rừng và biển, các sản phẩm nông – lâm- thủy sản được sản xuất ở địa phương cũng rất phú, đa dạng. Tuy nhiên, nhìn về quy mô vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, các cấp Hội cần tiến hành tốt công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức cho hội viên nông dân thấy rõ tính tất yếu, đòi hỏi của sự phát triển sản xuất với quy mô lớn, liên kết, hợp tác; từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao; từ năng suất, sản lượng chuyển sang chất lượng, giá trị tăng cao và an toàn thực phẩm.

Đồng chí Đinh Khắc Đính phân tích thêm: Lợi thế của địa phương thì đã rõ. Tuy nhiên, xét về mặt quy mô sản xuất nhìn chung còn nhỏ lẻ, diện tích sản xuất chủ yếu là của cá nhân, nông sản của nông dân đang dừng lại ở mức độ hàng hoá thông thường. Từ yếu tố cạnh tranh của thị trường, các sản phẩm của nông dân địa phương luôn bị thương lái ép giá. Các cấp Hội ở địa phương chưa hình thành được mô hình liên kết sản xuất gắn với đầu ra sản phẩm. Trong khi đó, cần tổ chức mô hình liên kết vùng, liên kết “4 nhà” để hình thành vùng sản xuất chuyên canh; nông dân được hỗ trợ vốn vay; có đơn vị đảm nhận về nguồn giống, vật tư, cập nhật phổ biến kỹ thuật mới để giảm chi phí, giá thành, tăng năng suất, chất lượng, đưa các loại nông sản trở thành hàng hóa chất lượng cao, có giá trị kinh tế. Đặc biệt, có doanh nghiệp đảm nhận quảng bá thương hiệu, mở cửa hàng kinh doanh, tổ chức thu mua, giới thiệu sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ nông sản cho bà con… Người nông dân lúc đó chỉ mỗi việc thuần túy đảm nhận sản xuất theo đúng quy trình, để những câu hỏi: Dùng giống gì? Sản xuất ra sao? Sản phẩm bán ở đâu? Giá thành bao nhiêu?… không còn là vấn đề “ngổn ngang, bừa bộn” trên diện tích sản xuất của người nông dân.

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào.

Với tinh thần đó, đồng chí Đinh Khắc Đính yêu cầu các cấp Hội của tỉnh tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững phải hướng đến mục tiêu liên kết, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có quy mô; hàng năm tăng số lượng nông dân đạt danh hiệu “sản xuất kinh doanh giỏi”, “nông dân sáng kiến”, “nông dân khởi nghiệp”, “nông dân ứng dụng 4.0”… phù hợp với tình hình thực tế địa phương và hoạt động Hội trong giai đoạn mới. Đặc biệt, căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các cấp Hội chủ động tham mưu cho cấp ủy và chính quyền ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội tham gia thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, đưa phong trào phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Bài, ảnh: Bá Tri