Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quyết tâm làm tử tế để có nông sản sạch

14:47 24/07/2020 GMT+7
Với mong muốn mọi người tiêu dùng Việt Nam đều có thể dùng sản phẩm sạch, hữu cơ, an toàn cho sức khỏe, rất nhiều người trẻ đã quyết tâm làm nông nghiệp sạch, bước đầu thành công. Ngoài ra, họ đã phần nào đóng góp công sức của mình, từng bước đưa nền nông

Với mong muốn mọi người tiêu dùng Việt Nam đều có thể dùng sản phẩm sạch, hữu cơ, an toàn cho sức khỏe, rất nhiều người trẻ đã quyết tâm làm nông nghiệp sạch, bước đầu thành công. Ngoài ra, họ đã phần nào đóng góp công sức của mình, từng bước đưa nền nông nghiệp Việt Nam tiến lên tầm cao mới. Họ tự tin rằng mình đang bảo vệ sức khoẻ của chính mình, những người thân và chung tay với nông dân xây dựng nền nông nghiệp tử tế.

Bà Nguyễn Ngọc Hương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (bên phải) tham gia chế biến sản phẩm.

Bột rau thương hiệu Việt vươn tầm ra thế giới

Trên mảnh đất Củ Chi, gần 5 năm trước có một cô gái trẻ bỏ phố về xã Tân An Hội (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) với quyết tâm khởi nghiệp từ cây rau má. Vốn là loại cây mà người dân vẫn thường xem là rau dại, ít giá trị kinh tế, nhưng cô gái Nguyễn Ngọc Hương đã biến nó thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao, mang lại doanh thu hơn 4 tỷ đồng mỗi năm.

Ngày bắt tay trồng thử nghiệm rau má trên diện tích đất 10.000m2, chị Hương gặp nhiều khó khăn từ việc chuyển đổi vùng nguyên liệu, rau bị sâu bệnh gần hết. Mặt khác, việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ uống tươi sang uống bột cũng không đơn giản.

Đến nay, nhìn thành quả đạt được, chị Hương chia sẻ: “Khi đó, tôi định bỏ cuộc, nhưng nghĩ tiềm năng phát triển nông nghiệp của TP. HCM, người nông dân bao đời chỉ biết bám đất, dốc sức trồng trọt mà cuộc sống vẫn khó khăn. Mình có ít kiến thức cùng với quyết tâm ứng dụng công nghệ để phát triển quê hương thì phải cố gắng”.

Cùng với sự nỗ lực, chị Hương còn nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ địa phương và các đoàn thể trong việc xúc tiến đầu ra, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, chị còn được vay từ nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, từ các loại rau tươi, chị Hương đã phát triển được hơn 6 loại sản phẩm bột rau sấy lạnh mang thương hiệu Quảng Thanh. Sản phẩm đã được bán rộng rãi tại hơn 50 cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc và xuất sang các nước: Hàn Quốc, Hà Lan… Được bình chọn là sản phẩm Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2020.

Ngoài ra, chị Hương còn liên kết với các hộ nông dân và hợp tác xã trồng rau để chuyển giao kỹ thuật, mô hình canh tác, tạo thêm việc làm, ổn định thu nhập cho người dân tại địa phương. “Với những bước tiến ưu tiên chất lượng cho sản phẩm, chúng tôi kỳ vọng trong tương lai sản phẩm bột rau thương hiệu Việt sẽ vươn tầm ra thế giới”, chị Hương tự hào cho biết.

Thu tiền tỷ từ trồng rau muống VietGAP

Anh Phạm Văn Cộng, Tổ trưởng Tổ sản xuất rau Ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP. HCM là một trong những người góp công xây dựng vùng sản xuất rau tươi cho thành phố. Nhờ nằm ven sông Sài Gòn có nguồn nước ngọt quanh năm, thuận lợi cho việc chuyển đổi trồng tại đây.

Anh chia sẻ rằng, trước đây gia đình làm nông, cuộc sống không ổn định, rất khó khăn. Anh bén nghề nông khi được người hàng xóm dạy cho nghề trồng rau muống nước theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên chỉ làm theo kinh nghiệm, chỉ biết đến lợi nhuận, không biết đến quy trình sản xuất sao cho an toàn, phun xịt thuốc không đúng cách, sử dụng thuốc không nhãn mác…

“Với quyết tâm và sự động viên của Trung tâm Khuyến nông, của UBND xã Nhị Bình, tôi đã tái khởi nghiệp và trồng rau muống theo quy trình VietGAP. Qua đó, giúp chúng tôi nâng cao nhận thức trong sản xuất, đặc biệt là cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ghi chép nhật ký đồng ruộng để tạo ra sản phẩm an toàn. Tôi thấy, việc nâng cao ý thức cho người làm nông nghiệp nói chung và trồng rau muống nước nói riêng là rất cần thiết, các cơ quan ban, ngành nên quyết liệt trong xử lý để hướng người dân sản xuất đúng theo quy trình VietGAP tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn” anh Cộng cho hay.

Hiện nay, mỗi năm, gia đình anh thu hoạch từ 14 – 15 đợt rau, mỗi đợt khoảng 1,6 – 1,7 tấn/1.000m2, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 4 triệu đồng/ngày. Không chỉ vui vì lợi nhuận, điều anh tâm đắc nhất là khi nông dân tham gia trồng rau muống theo quy trình VietGAP trước tiên là sức khỏe người sản xuất được đảm bảo. Bởi do làm đúng quy trình khuyến cáo không phun xịt phân thuốc bừa bãi, sau đó là an tâm sản phẩm của mình khi đến tay người tiêu dùng an toàn.

“Tôi rất vui, vì giờ đây cuộc sống gia đình đổi đời nhờ làm nông một cách “tử tế”. Ngoài làm giàu cho bản thân, tôi còn hướng dẫn, vận động bà con trong vùng sản xuất rau muống theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo nên vùng rau an toàn cung cấp cho thành phố”, anh Cộng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Trung Lập bên mô hình nuôi bò tại huyện Củ Chi.

Kết nối chế biến sữa sạch

Cũng chọn nghề nông nhưng anh Nguyễn Trung Lập, Chủ nhiệm Tổ hợp tác bò sữa Bình Mỹ (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP. HCM) khá thành công trong nghề nuôi bò, chế biến sữa, phân ủ vi sinh. Anh cho biết: Sinh ra trong gia đình làm nông, học xong thì ở nhà giúp gia đình trồng lúa, trồng sen… Do phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ nên thu nhập không ổn định, từ đó anh quyết tâm định chuyển đổi sử dụng ruộng để trồng cỏ nuôi bò.

Để tạo ra những giọt sữa thuần khiết, đàn bò của Tổ hợp tác được chọn lựa kỹ lưỡng từ giống đến quy trình cho bò ăn. Với mong muốn mang lại sản phẩm sạch, tốt nhất cho người tiêu dùng nên sản phẩm của đơn vị không đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà chất lượng mới là việc anh và mọi người hướng đến. Đàn bò sữa của Tổ hợp tác được anh hướng dẫn bà con nông dân cho ăn nhiều cỏ hạn chế thức ăn tinh, nuôi theo cách này chất khô béo trong sữa sẽ đạt hơn, thơm ngon hơn.

Trong quá trình nuôi và khai thác sữa bò, anh đã sáng chế ra các công cụ hỗ trợ, cải tiến lắp đặt bộ tạo nhịp hút cho máy hút sữa bò, vừa tiết kiệm được thời gian hút sữa lại vừa hạn chế lượng sữa nhiễm vi sinh và vệ sinh dễ dàng hơn. Sữa không đạt tại cơ sở anh dùng trộn chung với phân bò, xơ dừa, tro trấu dùng trồng các loại rau hữu cơ và hoa kiểng rất tốt. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, phân thải được anh thu gom lại, sau đó bổ sung thêm một số nấm vi sinh sản xuất ra biogas làm chất đốt giúp bà con.

Ông Nguyễn Văn Tủi, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân – Hội Nông dân TP. HCM cho biết: Việc phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực đang được thành phố khuyến khích nuôi trồng theo mô hình nông nghiệp đô thị. Thành phố đang ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế lớn, nhưng quỹ đất canh tác ít.

Thời gian qua, tại TP. HCM đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, các mô hình nông nghiệp tử tế… được tạo điều kiện, quan tâm hỗ trợ bằng những quyết sách cụ thể. Những mô hình, cách làm mới này đã nâng thu nhập đáng kể cho người dân vùng nông thôn. Các mô hình phát triển nông nghiệp nói trên không chỉ thu hút những người lớn tuổi, nông dân lớn lên từ đồng ruộng mà ngày càng nhiều bạn trẻ có kiến thức, đam mê làm nông nghiệp tham gia, tạo việc làm cho người dân địa phương.

“Tôi rất vui, vì giờ đây cuộc sống gia đình đổi đời nhờ làm nông một cách “tử tế”. Ngoài làm giàu cho bản thân, tôi còn hướng dẫn, vận động bà con trong vùng sản xuất rau muống theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo nên vùng rau an toàn cung cấp cho thành phố”.
Anh Phạm Văn Cộng.

Vân Nguyễn