Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sản xuất vacxin thú y: Khó mấy cũng phải làm

01:50 25/04/2019 GMT+7
Một chuyên gia nông nghiệp Hà Lan, trong hội thảo quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh đã so sánh sự khác biệt giữa ngành nông nghiệp Việt Nam với các nước tiên tiến của châu Âu chính là vấn đề vacxin. Ông nói: “Rất nhiều dịch bệnh trên vật nuôi gần như bị xóa

Một chuyên gia nông nghiệp Hà Lan, trong hội thảo quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh đã so sánh sự khác biệt giữa ngành nông nghiệp Việt Nam với các nước tiên tiến của châu Âu chính là vấn đề vacxin. Ông nói: “Rất nhiều dịch bệnh trên vật nuôi gần như bị xóa sổ khỏi châu Âu là nhờ vacxin, trong khi đó, ngành sản xuất vacxin tại Việt Nam lại quá nhỏ bé so với yêu cầu”.

Những bước tiến

Ngành chăn nuôi, thủy sản Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, song cũng phải hứng chịu những “trận bão dịch bệnh”, như những thử thách lớn nhất trên con đường phát triển. Vốn có nền y tế, giáo dục, nghiên cứu về nông nghiệp lâu năm và trải rộng khắp nước, Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu vacxin cho ngành nông nghiệp nhiều năm nay, tuy vậy tốc độ của ngành khoa học này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nuôi trồng, xuất khẩu.

Việc Việt Nam sản xuất thành công vacxin phòng bệnh lở mồm long móng trong năm 2018 là một thành công điển hình cho lĩnh vực tự chủ vacxin. Sản xuất được vacxin trong nước giúp giảm giá thành vacxin khoảng 20%, tiết kiệm hàng chục triệu USD nhập khẩu mỗi năm.

Bên cạnh các trung tâm, viện nghiên cứu thì các tập đoàn, doanh nghiệp cũng tập trung sản xuất vacxin. Điển hình là Công ty Hanvet sản xuất và đưa ra thị trường hơn 10 sản phẩm vacxin chất lượng cao trong chăn nuôi và gia cầm theo tiêu chuẩn quốc tế. Vacxin tai xanh của Hanvet lần đầu tiên được phát triển tại Việt Nam mang chất lượng quốc tế nhưng giá thành chỉ bằng 1/3 các sản phẩm ngoại nhập. Tuy vậy, theo một nghiên cứu khoa học của các chuyên gia được công bố năm 2015, Việt Nam vẫn chỉ làm chủ được 5% thị phần vacxin chăn nuôi, 95% còn lại là phụ thuộc vào nhập khẩu.

Thị trường tiềm năng

Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà có tới hơn 50 công ty chuyên nhập khẩu vacxin chăn nuôi vào Việt Nam và có khoảng 70 quốc gia xuất khẩu sản phẩm của họ vào Việt Nam. Với một đất nước có nền nông nghiệp đang lên, đang hướng tới xuất khẩu, đây là một thị trường không hề nhỏ. Đơn cử Công ty Hanvet bên cạnh sản xuất thuốc thú y còn sản xuất vacxin và doanh số đạt 1.000 tỷ đồng/năm.

Các công ty cho biết, thị trường vacxin trên thế giới vẫn cung lớn hơn cầu, việc mua vacxin trên thị trường quốc tế không hề dễ dàng. Hàng năm Việt Nam phải nhập khoảng 25 triệu liều vacxin lở mồm long móng, trong khi đó, ước tính dựa trên tổng đàn, Việt Nam cần khoảng 75 – 80 triệu liều/năm.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt dự án sản xuất vacxin phòng lở mồm long móng thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Việc Việt Nam đang nhập khẩu gần như 100% vacxin lở mồm long móng cũng mở ra cơ hội cho nhiều công ty doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm này trong nước. Thậm chí, nếu nhà nước đặt hàng, chắc chắn nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ tham gia cuộc chiến giành thị phần trong nước.

Theo các cơ quan chức năng, Việt Nam nhập khẩu vacxin lở mồm long móng từ 4 quốc gia, song nếu có thể sản xuất, xuất khẩu được sản phẩm này, Việt Nam sẽ không chỉ làm chủ được mặt hàng này mà còn tràn đầy tiềm năng xuất khẩu, do sản phẩm vacxin chăn nuôi hiện đang rất thiếu trên toàn thế giới.

Cần sự quan tâm

Trở lại câu chuyện mà các chuyên gia nước ngoài đánh giá, so sánh giữa chăn nuôi Việt Nam với Hà Lan, Đan Mạch, Đức… Rõ ràng vấn đề phòng ngừa được các nước coi trọng hơn rất nhiều. Bằng chứng là số lượng vacxin các nước tiên tiến sản xuất ra ngày càng nhiều, ở chiều ngược lại, việc sản xuất kháng sinh lại giảm đi. Đó là cách đi đến một nền nông nghiệp không dựa vào kháng sinh, lấy phòng bệnh thay chữa bệnh. Trong khi đó, tại Việt Nam, các cơ sở sản xuất thuốc thú y vẫn nghiêng về sản xuất kháng sinh, doanh số bán kháng sinh đạt hàng ngàn tỷ đồng, song tỷ lệ doanh số tiêu thụ vacxin lại rất khiêm tốn.

Việc khan hiếm vacxin, vật nuôi không được phòng ngừa đầy đủ, được xem là nguyên chính dẫn tới dịch bệnh khó kiểm soát. Hầu hết các ổ dịch xảy ra đều có chung một kịch bản, đó là vật nuôi ở vùng xảy ra dịch chưa được tiêm vacxin đầy đủ. Trong bối cảnh ấy, đầu năm 2019 đến nay, nhiều nơi cho biết vẫn khá khan hiếm vacxin, nhiều cửa hàng có kế hoạch tăng giá vacxin.

Đài Loan bùng nổ dịch lở mồm long móng năm 1997, sau 10 năm, đến năm 2018, Đài Loan công bố hết dịch. Thành công chủ yếu là do lượng vacxin được cung ứng đầy đủ và việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đúng quy trình được áp dụng triệt để, không cho nguồn bệnh lây lan.

Những năm gần đây, hầu hết các trang trại chăn nuôi lớn đều sử dụng vacxin ngoại nhập chất lượng tốt. Dịch bệnh không xuất phát từ các vùng chăn nuôi lớn và không xuất hiện từ các trang trại mà thường nảy sinh từ vùng sâu vùng xa, nơi chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, quy trình tiêm vacxin không được tuân thủ. Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y) đã kiểm tra các mẫu bệnh phẩm (huyết thanh) của cá thể heo được tiêm phòng vacxin từ các trang trại lớn, chăn nuôi công nghiệp đều cho thấy, vật nuôi đạt tỷ lệ bảo hộ 100%. Vấn đề ở chỗ các trang trại, các gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ không có kinh phí và thời gian để chăm sóc vật nuôi như các trang trại và các công ty lớn. Vì thế để vacxin đến được vùng sâu vùng xa, đến với các hộ nghèo… là vấn đề cần sự quan tâm của toàn xã hội.

Các chuyên gia cho biết, việc sản xuất vacxin thành công không quá khó, song để biến thành một sản phẩm thương mại có thể lưu hành trên toàn cầu là rất khó. Đơn cử như hiện nay, trên thế giới có 23 serotype virus Dịch tả heo châu Phi (ASF), trong khi con virus này ở Việt Nam chỉ thuộc một serotype trong số đó mà thôi. Các nhà khoa học cho biết, để có thể sản xuất ra vacxin bảo hộ được nhiều chủng virus thuộc nhiều serotype khác nhau (trong đó nhiều loại virus không xuất hiện ở Việt Nam), chắc chắn ngành thuốc thú y Việt Nam cần hiện đại hóa, vươn tầm quốc tế, liên kết, liên doanh với nhiều trung tâm thú y trên toàn cầu.

Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, chắc chắn sẽ cần một ngành thú y hiện đại vươn tầm quốc tế, trong đó việc sản xuất các loại vacxin thú y phải được chú trọng hàng đầu. Đó cũng là mục tiêu của Việt Nam trong định hướng phát triển ngành thú y nói riêng cũng như ngành chăn nuôi nói chung trong những năm tới.

Nguyễn Anh