Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sơn La: Quả na “được giá” sau khi nông dân vào hợp tác xã

22:17 23/08/2019 GMT+7
Với những thế mạnh sẵn có, cùng với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy chính quyền địa phương; từ một huyện nghèo của tỉnh Sơn La, Mai Sơn ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường nông sản Việt. Huyện Mai Sơn (Sơn La) có diện tích là 142.670ha, trước

Với những thế mạnh sẵn có, cùng với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy chính quyền địa phương; từ một huyện nghèo của tỉnh Sơn La, Mai Sơn ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường nông sản Việt.

Na đạt chuẩn VietGAP của HTX Mé Lếch. Ảnh Lan Phương.

Huyện Mai Sơn (Sơn La) có diện tích là 142.670ha, trước kia người dân nơi đây chủ yếu trồng cây ngô, sắn… xong, những loại cây trồng này chưa cho hiệu quả cao. Nhận thấy được khó khăn của người dân cũng như những điều kiện thuận lợi của địa phương. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các cơ sở đã có những chủ trương, nghị quyết vận động nhân dân chuyển đổi mô hình từ cây trồng kém hiệu quả sang mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao.

HTX trồng na theo chuẩn VietGAP

Hợp tác xã (HTX) Mé Lếch được thành lập từ tháng 5 năm 2018, với 20 thành viên tham gia. Trong năm 2018, HTX Mé Lếch đã sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP và đạt hiệu quả cao. Năm 2019,  đưa vào thử nghiệm theo mô hình chuẩn hữu cơ. Tổng diện tích trồng na của HTX khoảng 50ha, mỗi hecta cho thu hoạch từ 15-17 tấn với giá bán ra thị trường khoảng 50.000đ/kg. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tập trung ở phía Bắc, người dân được thương lái đến tận vườn kí kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Ông Cầm Văn Thắng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mai Sơn cho biết, bắt đầu từ năm 2015 huyện đã bắt đầu triển khai các chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hiện nay trên địa bàn huyện Mai Sơn có tổng 108 HTX trong đó có 88 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bà Đỗ Thị Hoa cắt na chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh Phương Lan.

Mỗi khu vực HTX được quy hoạch thành vùng riêng, sao cho phù hợp với điều kiện về thời tiết và thổ nhưỡng của loại cây đó. Để hỗ trợ cho các hộ có đủ điều kiện sản xuất huyện đã cung ứng phân bón, mở các lớp tư vấn và nâng cao kĩ thuật cho các hội viên HTX. Khi cây na đã cho sản lượng lớn, vấn đề đầu ra của sản phẩm cũng là nỗi lo của cấp ủy, chính quyền huyện. Huyện đã có kiến nghị lên tỉnh liên kết với các nhà máy, doanh nghiệp để tạo điều kiện bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ngoài ra, huyện cũng tổ chức các hội nghị tư vấn cho bà con nông dân, hỗ trợ cấp chứng chỉ VietGAP truy xuất nguồn gốc cây ăn quả cho người dân. Trong năm 2019, huyện đã cho thí điểm 5 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, với mỗi mô hình thí điểm có hỗ trợ ở mức 10 triệu đồng/ha.

Hiệu quả cây trồng cao hơn từ khi tham gia HTX

Ông Nguyễn Bá Tuyết – hội viên HTX Mé Lếch hiện đang sinh sống tại bản Mé Lếch (Cò Nò – Mai Sơn) tham gia vào HTX từ tháng 5 năm 2018 chia sẻ: Từ khi tham gia vào HTX sản phẩm na Mé Lếch đã trở nên có thương hiệu. Nếu như trước kia nói đến na Mé Lếch sẽ không có mấy người biết đến thì hiện nay thương hiệu na Mé Lếch đã trở nên quen thuộc hơn rất nhiều. Từ khi tham gia vào HTX, nông dân cũng được hướng dẫn về kĩ thuật, nhờ đó cây trồng có hiệu quả và chất lượng cao hơn, thu nhập của người dân cũng từ đó mà được nâng cao.

Năm 2018, khi chưa thành lập HTX, giá của na đã có khi xuống đến mức 20.000 đồng/kg. Sau khi HTX được thành lập giá na thấp nhất cũng vẫn đạt 35.000/kg. Gia đình ông Tuyết có diện tích khoảng 1ha trồng na, thu nhập ước tính trong năm 2019 dự kiến khoảng 500 triệu đồng. Người dân được Phòng Nông nghiệp huyện Mai Sơn hướng dẫn về kĩ thuật, ngoài ra cũng được tỉnh cử các đoàn hướng dẫn xuống hướng dẫn bà con sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài kĩ thuật, người dân còn nhận được hỗ trợ lên đến 70% tổng chi phí.

Ông Nguyễn Bá Tuyết khẳng định na của HTX Mé Lếch đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Không chỉ gia đình ông Tuyết mà toàn bộ HTX  đều đặt chất lượng an toàn lên hàng đầu. Các sản phẩm về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều nằm trong danh mục cho phép, thời gian cách li phải đủ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Gia đình bà Đỗ Thị Hoa tham gia HTX từ đầu năm 2019 cho biết, trước kia những kiến thức về kĩ thuật đều phải tự tìm tòi học hỏi, nhưng kể từ khi tham gia HTX, nông dân được đi tập huấn các kinh nghiệm về tỉa cành, bón lá, các kĩ thuật chăm sóc cây sao cho hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, người dân cũng được đi tham quan các mô hình khác để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao sản xuất. Về thu nhập, bà Hoa chia sẻ trong năm 2018 khi chưa tham gia HTX với diện tích 0,5ha, sản lượng thu về khoảng 4 tấn, nhưng trong năm 2019 nhờ được cải tiến về kĩ thuật chăm sóc, dự kiến với 0,5ha na sẽ cho thu hoạch khoảng 7 tấn.

“Về chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, được người dân ủng hộ rất nhiệt tình. Người dân rất phấn khởi, khi có đường xá đi lại sạch sẽ, thuận tiện, có nhà văn hóa, trạm xá, trường học… giúp cho đời sống nhân dân được cải thiện hơn rất nhiều. Tính đến tháng 7/2019, huyện Mai Sơn  đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt 16 tiêu chí, 5 xã đạt từ 10-13 tiêu chí và 10 xã đạt từ 6-9 tiêu chí”.

Ông Cầm Văn Thắng – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn.

Lan Phương – Ngọc Chi