Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp với mô hình du lịch sinh thái

Tú San - 07:11 13/07/2022 GMT+7
Với gần 12.000m2 đất trồng cây lâu năm, chủ yếu là trồng bưởi da xanh. Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hậu và chị Đoàn Nguyễn Minh Thư tại xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã khai thác thêm giá trị sử dụng đất khi chuyển sang mô hình du lịch sinh thái (Farmstay) tại chính khu vườn bưởi của mình.
Từ một khu đất nông nghiệp chỉ chuyên canh cây ăn trái chuyển mình thành Nghênh Xuân Farmstay với chuẩn khách sạn 3 sao.

Nhắc đến huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre thì hiện nay không hiếm khách du lịch đều biết đến Farmstay của gia đình anh Hậu và chị Thư với cái tên rất chân chất: Nghênh Xuân Farm. Tuy nhiên, ít ai biết rằng một khu du lịch sinh thái đón nhiều nhóm du khách từ Bắc vào Nam cách đây hơn 5 năm chỉ là một khu vườn trồng cây bưởi (chủ yếu bưởi da xanh) để bán cho thương lái với lợi nhuận hàng năm khá khiêm tốn.

Gia đình anh Hậu, chị Thư cũng trải qua nhiều đắn đo trước khi bắt tay vào cải tạo một khu đất gần 1,2ha biến vườn bưởi thành một khu du lịch đúng nghĩa theo tiêu chuẩn 3 sao. Khi đã có quyết tâm chuyển đổi và khai thác mảnh vườn của gia đình, hai vợ chồng anh bắt đầu chuỗi ngày… đi du lịch khắp các địa điểm được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông lẫn mạng xã hội về hình thức Farmstay. Đi để trải nghiệm, đi để học hỏi và đi để thấy được cách người nông dân các nơi khác khai thác giá trị đất thông qua du lịch đang ngày trở thành một trào lưu mới của khu vực miền Tây Nam Bộ lắm sông, nhiều rạch. Với ưu thế về vị trí địa lý, khu vườn có mặt sau là nhánh nhỏ của con sông Thành Triệu, ý nghĩ khu du lịch sẽ có cả một bến du thuyền để hấp dẫn khách du lịch đồng thời cũng có thêm một hoạt động giải trí đi kèm với khai thác văn hoá nông thôn khiến cho Farmstay Nghênh Xuân hiện nay đang có một nét riêng đặc sắc so với các Farmstay trên cùng địa bàn huyện Châu Thành.

Bắt đầu việc quy hoạch lại diện tích khu vườn của mình, giữ lại các cây bưởi lâu năm, cho trái ngon là chia lại các diện tích sử dụng để xây dựng các khu chức năng thiết yếu của một khu du lịch nghỉ dưỡng như: Phòng ngủ, khu vực ẩm thực, khu giải trí, khu trò chơi cho trẻ em… sao cho phù hợp với địa thế sẵn có của khu đất. Cho đến chọn các loại hình mang đậm nét văn hoá miền quê nào sẽ được phục vụ tại khu du lịch cũng tốn rất nhiều thời gian lẫn tâm huyết của cả hai vợ chồng anh. 

Vợ chồng anh Hậu - chị Thư đang thích nghi dần với vai trò vừa làm nông nghiệp, vừa làm du lịch.

Cho đến nay, Farmstay Nghênh Xuân đã có một diện mạo hoàn chỉnh với 6 phòng khách lớn, 20 phòng ngủ đạt tiêu chuẩn 3 sao, khối nhà bếp, nhà điều hành, nhà kho đang chiếm hơn 800m2 diện tích. Các khu giải trí được bố trí trong khuôn viên gồm hồ bơi, khu giải trí với hệ thống mương tát tôm, cá và các trò chơi như đi xe đạp qua cầu khỉ, hái lộc trên thanh tre… mang nét đặc sắc của vùng sông nước. Đặc biệt nhất có thể nhắc đến chính là bến du thuyền với 2 loại hình kết hợp gồm xuồng ba lá (kiểu thôn quê) hoặc xuồng Jackies (phong cách nước ngoài) để du khách tự trải nghiệm chèo trên dòng sông nhỏ lặng nước, bên cạnh đó anh còn sử dụng thêm cano cao tốc và thuyền du lịch để khai thác hoạt động đưa du khách đi tham quan con sông lớn Thành Triệu nối liền với hệ thống sông Tiền đi qua hàng loạt các Cồn của tỉnh Bến Tre.

Một điểm đặc sắc khác có lẽ chỉ vợ chồng anh làm được là tận dụng được các trái bưởi không bán cho thương lái hoặc khách du lịch do trái xấu, nhỏ đã được sử dụng làm rượu bưởi với một hương vị rất đặc trưng và độ men cao không thua gì những loại rượu được làm từ lúa gạo. Anh cho biết, bí quyết làm cho nồng độ của rượu cao chính là lên men và ủ trong suốt thời gian từ 6 đến 8 tháng, cộng với lọc qua rất nhiều lần để rượu có được độ trong mà vẫn giữ được hương thơm đặc trưng của trái bưởi. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hậu nói lời tâm huyết: “Việc tận dụng trái bưởi để ủ rượu cũng chính là hình thức sử dụng đất hiệu quả nhất, để cho từng tấc đất của mình không chỉ phát triển nông nghiệp như giá trị vốn có mà còn tăng giá trị qua việc kết hợp những mô hình mới, phù hợp với xu hướng phát triển của địa phương đồng thời tăng cao thu nhập cho gia đình”.