Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sự thiết yếu trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hiện nay

(Tapchinongthonmoi.vn) - Kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi các lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội. Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn được đánh giá là một ưu tiên của phát triển bền vững, giúp giải quyết bài toán quan trọng giữa lợi ích kinh tế và môi trường.

Khái niệm và xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam 

Khái niệm Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner (2 nhà Kinh tế học người Anh) vào năm 1990 (1): Đó là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác” (2), khác với mô hình kinh tế tuyến tính. Báo cáo của Qũy Ellen MacArthur (2010) định nghĩa kinh tế tuần hoàn là một mô hình công nghiệp mới, có mục tiêu loại bỏ rác thải - tác nhân gây tác hại đến môi trường. Theo đó, “Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống công nghiệp được thiết kế và hoạt động với kỳ vọng có tính phục hồi hoặc tái tạo..., chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại làm suy yếu việc tái sử dụng nhằm mục đích loại bỏ chất thải thông qua việc cải tiến thiết kế, cải thiện đặc tính của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và các mô hình kinh doanh” (3). KTTH tập trung vào hiệu quả sinh thái hơn là hiệu suất sinh thái và tối ưu hóa toàn diện tất cả các thành phần.

Hiện nay, việc áp dụng KTTH ở các quốc gia chưa có sự thống nhất chung. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở việc xác định phạm vi liên quan đến chất thải và việc ngăn ngừa, tái chế, tái sử dụng các chất thải. Mỗi quốc gia nhấn mạnh đến các khía cạnh khác nhau của KTTH, liên quan đến khía cạnh ngăn ngừa và tái sử dụng theo đặc thù vào việc cải thiện môi trường của nền kinh tế của mình.

Khái niệm liên quan đến mô hình KTTH đã có ở Việt Nam từ cách đây 20 năm với những định danh khác. Đó là mô hình V-A-C (Vườn - Ao - Chuồng), một mô hình đã được nông dân, các hợp tác xã áp dụng khá thành công tại nhiều địa phương trên cả nước. Ngoài ra, các khái niệm “Khu công nghiệp sinh thái - ecological industrial zone”, “Sản xuất sạch hơn - Cleaner production”, “Không phát thải - zero emission”, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất... - một phần của KTTH - cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua. Các khái niệm này đã được thể hiện qua các chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và được các Trường/Viện nghiên cứu triển khai nghiên cứu, áp dụng như Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)...

Khu công nghiệp sinh thái được đánh giá sẽ khắc phục được những hạn chế của các khu công nghiệp truyền thống. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế thẳng (kinh tế tuyến tính) sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam. Bốn lý do chính mà bắt buộc diễn ra sự chuyển đổi này bao gồm: (1) Sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu thô, trong khi nguồn nguyên liệu này ngày càng cạn kiệt, đặc biệt đối với nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn tài nguyên không thể tái tạo được; (2) Sự phụ thuộc vào các nước khác, đặc biệt các quốc gia phụ thuộc nước khác về nguyên liệu thô. Sự phụ thuộc này dẫn đến căng thẳng về chính trị toàn cầu; (3) Tác động đến sự biến đổi khí hậu (phát thải các khí nhà kính, đặc biệt là CO2) làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu cực đoan, gây nên các hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu sử dụng năng lượng bền vững sẽ làm giảm quá trình biến đổi khí hậu; (4) Tạo ra các cơ hội kinh tế, đặc biệt đối với doanh nghiệp và khoa học trong lĩnh vực việc đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo. Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế rác thải tối đa trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn,… đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về nguồn nhân lực khoa học có trình độ, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế.

Tại Việt Nam, giai đoạn 2021 -2030, Đảng và Nhà nước đã xác định việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng quan trọng của đất nước. Chủ trương không đánh đổi môi trường lấy kinh tế đã được Chính phủ thể hiện rất rõ qua các chính sách thu hút đầu tư, các Nghị định về kinh doanh - doanh nghiệp...Theo đó, Việt Nam sẽ triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên 3 trụ cột: Thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái. Để phát triển KTTH, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển KTTH; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam ngày 07/6/2022…

Theo Quyết định số 687/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025, các dự án KTTH sẽ bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường. Ảnh minh họa

Việt Nam đã phải trả giá cho sự tăng trưởng (đó là sự suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở các thành phố lớn). Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP vào năm 2035. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Dự báo, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 11% GDP của Việt Nam vào năm 2030. Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì hướng tiếp cận chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” cần được xem là một ưu tiên trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Giải pháp thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hiện nay

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta đã xác định việc xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn. Luật bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020 lần đầu tiên quy định kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường. Tư duy về kinh tế tuần hoàn cũng được lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch chi tiêu công xanh, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường... Để thực hiện được định hướng này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt, doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện để thay đổi cả về nhận thức và hành vi của toàn xã hội.

Quy trình sản xuất theo mô hình kinh tế tuyến tính (trái) và kinh tế tuần hoàn (phải). Ảnh minh họa

Để thúc đẩy sự phát triển nền KTTH tại Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng Chiến lược truyền thông về KTTH nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và người dân về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn thông qua các chương trình tập huấn, chương trình truyền thông xuống các thôn, bản; đem giáo dục nhận thức về KTTH và bảo vệ môi trường vào trường học để phổ biến… Nhà nước tổ chức nghiên cứu, chọn lọc các mô hình KTTH, các công nghệ sử dụng trong KTTH để tuyên truyền, giới thiệu, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng trong sản xuất. Những mô hình ứng dụng thành công cần được tôn vinh, nhân rộng.

Thứ hai, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền KTTH, gồm: Quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; Quản lý dự án theo vòng đời, xây dựng và áp dụng chặt chẽ các bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm, chất lượng nguyên liệu đầu vào, quy định chính sách cụ thể như ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế, quy hoạch hỗ trợ mặt bằng cho ngành tái chế rác ở xa khu dân cư… nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của quốc gia và điều kiện của từng ngành nghề, từng doanh nghiệp.

Thứ ba, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, phát triển khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình KTTH; đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay; Đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan trong hoạt động khoa học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành sản xuất, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Tăng cường nguồn lực khoa học công nghệ, thực hiện kinh tế tuần hoàn cần gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành sản xuất, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới là một giải pháp để thúc đẩy sự phát triển nền KTTH tại Việt Nam. Trong ảnh: Hệ thống xử lý nước thải tại Khu Công nghiệp An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hải An

Thứ tư, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận tăng cường trao đổi, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm chuyển dịch KTTH trên thế giới từ đó lựa chọn chuyển giao, vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam. Xây dựng đội ngũ chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu để xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn, khung hướng dẫn áp dụng KTTH, đặc biệt là xây dựng sổ tay hướng dẫn áp dụng mô hình KTTH cho các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, quy mô.

Thứ năm, Doanh nghiệp phải xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình khi tham gia nền KTTH, cụ thể: Phân tích lợi ích - chi phí của việc chuyển dịch mô hình kinh doanh theo KTTH, xây dựng lộ trình chuyển dịch; truyền thông để nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ; tham gia có hiệu quả các chuỗi liên kết, mạng sản xuất, từ trong nước đến phạm vi khu vực và toàn cầu để tăng cường sự kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp khác, nhất là đối với các doanh nghiệp có mối liên hệ về sử dụng chất thải đầu ra làm nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chuyển dịch mô hình sản xuất theo hướng KTTH.

* Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 1.

** Trưởng phòng Dịch vụ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm smedec1,  Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Pearce, D.W. and R.K. Turner (1990), Economics of Natural Resources and the Environment, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.

(2). Mô hình kinh tế tuyến tính hay kinh tế thẳng là mô hình phát triển mang đặc tính tuyến tính với việc sử dụng tài nguyên theo quy trình khai thác  - chế biến/chế tạo - thải bỏ.

(3) Báo cáo “ Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn”( 2010), Qũy MacAthur, tr.7

- Phạm Hồng Điệp - Đặng Văn Bách (2023): Kinh tế tuần hoàn: Định dạng và phát triển bền vững ở khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiều, Nxb Tri Thức

- Lê Thị Thu Hoài, Trần Nữ Hồng Dung (2023): Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính (02/9/2023).