Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tăng cường hợp tác phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

08:32 05/11/2021 GMT+7
Thông qua Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học, chuyên gia cùng chia sẻ về các cơ hội, thách thức, cũng như đề xuất các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.

Tiếp nối thành công của Diễn đàn Hợp tác và Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long các năm trước, ngày 4/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề "Thúc đẩy sáng kiến địa phương - Tăng cường hợp tác đa phương" theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.

Diễn đàn có sự tham gia của các diễn giả là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đang làm việc về các nội dung liên quan đến phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu khai mạc, tiến sỹ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, cho biết biến đổi khí hậu đã và đang hiện hữu ở Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều thách thức lớn như xâm nhập mặn, hạn hán, sụt lún, và suy giảm hệ sinh thái, tác động trực tiếp đến đời sống của gần 21,5 triệu người dân.

Dịch COVID-19 và những dịch chuyển biến động lớn về lao động việc làm trong thời gian qua cũng đặt ra nhiều thách thức cho khu vực này.

Thu hoạch tôm nuôi trên đất lúa. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2021 được tổ chức cùng thời gian diễn ra Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) tại Glasgow (Vương quốc Anh) từ ngày 31/10 đến ngày 12/11.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ về khí hậu với mục tiêu Việt Nam phấn đấu đạt Net-zero vào năm 2050.

Thông qua Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học, chuyên gia cùng chia sẻ, trao đổi về các cơ hội, thách thức, cũng như đề xuất các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ đó, các sáng kiến về năng lượng sạch, chuyển dịch năng lượng công bằng cũng sẽ được hỗ trợ để đưa vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp vào các mục tiêu giảm phát thải chung của Việt Nam, góp phần thể hiện vị thế tích cực của Việt Nam với các mục tiêu khí hậu toàn cầu tại COP 26.

Chương trình Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2021 gồm 3 nội dung chính với phiên 1 về định hướng quy hoạch: cơ hội cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Phiên 2 của diễn đàn sẽ công bố, giới thiệu các sáng kiến, đề xuất năng lượng thích ứng biến đổi khí hậu được lựa chọn. Phiên cuối là phiên thảo luận bàn tròn về tăng cường hợp tác đa phương, cũng như phát động kêu gọi, tìm kiếm sáng kiến cho Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.

Tại diễn đàn, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam, nêu rõ: Hội nghị COP 26 lần này có một thách thức kép đó là tăng cường nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời vượt qua và phục hồi một cách bền vững hơn sau đại dịch COVID-19.

EU và Việt Nam đang có những cam kết mạnh mẽ tại COP 26. Đại sứ Giorgio Aliberti nhấn mạnh, có thể dễ dàng nhận thấy Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam phải đối mặt với những thách thức to lớn như sụt lún đất, xói mòn bờ biển, nước biển dâng, nhiễm mặn, mất rừng ngập mặn và các vấn đề về quản lý chất lượng nước, cát dưới lòng sông và nước ngầm.

Nền kinh tế và sinh kế của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Điều này kêu gọi cần có hành động tập thể mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan để khắc phục và phục hồi bền vững hơn.

Đánh giá về Nghị định 120/2017/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng Nghị định 120/2017/NĐ-CP có thể chưa giải quyết được những thách thức đến từ bên ngoài như tác động của thủy điện làm thiếu phù sa, gây sạt lở và ảnh hưởng dòng chảy.

Và Nghị định 120/2017/NĐ-CP không phải là một kế hoạch mà là một chiến lược đưa ra những định hướng chiến lược cho sự phát triển. Nếu ví Đồng bằng sông Cửu Long như một con tàu thì Nghị định 120/2017/NĐ-CP giống như la bàn chỉ hướng cho con tàu đi về hướng nào, sau đó việc dịch chuyển con này theo hướng đã vạch thì phải có các kế hoạch cụ thể để thực hiện. Các nguyên tắc của Nghị quyết cần được thực hiện đồng bộ mới có thể phát huy hiệu quả.

Bàn về phát triển kinh tế và bảo tồn theo hướng "thuận thiên," hàm ý đối với sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư, Tiến sỹ Marco Abbiati, Tùy viên Khoa học, Tham tán Đại sứ quán Italy tại Việt Nam, cho biết, trước đây chúng ta đối đầu với tự nhiên, nhưng bây giờ phải chuyển hướng, thay vì đối đầu, là phải thân thiện với tự nhiên.

Các chính sách đưa ra cũng cần phải phù hợp, sát với thực tiễn như có những chính sách về quy hoạch vùng, quy hoạch các mô hình thúc đẩy kinh tế. Những giải pháp đưa ra phải tổng thể và thuận thiên, tính đến những bền vững lâu dài, nguồn lực lâu dài của các địa phương trong khu vực.

Nhân dịp này, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước thảo luận bàn tròn về sự tăng cường hợp tác đa phương vì sự phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long; công bố kết quả lựa chọn các sáng kiến về năng lượng thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long và chủ đề kêu gọi đề xuất sáng kiến "Hợp tác và Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022."./

Theo Vietnam +

Thêm 20 sản phẩm được Tiền Giang phân hạng sản phẩm OCOP
Hội đồng đánh giá 10 sản phẩm được phân hạng OCOP 4 sao và 10 sản phẩm được phân hạng OCOP 3 sao.