Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo Quốc gia tăng cường sự phối hợp giải quyết những vấn đề của ngành Lúa gạo

Chu Hồng Châu - 07:16 07/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều 6/8 tại Hà Nội, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Tham dự tại các điểm cầu có đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trọng điểm về sản xuất lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Thái Bình, Nam Định.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp.

Ý tưởng đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia (VNRC)

Theo chủ trì cuộc họp, ý tưởng đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia (VNRC) dựa trên các yếu tố: Ngành Lúa gạo có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; Sản xuất lúa gạo gắn với cuộc sống sinh kế của hàng triệu người dân; Sản xuất lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đồng thời hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước; Lúa gạo là giá trị mềm quan trọng trong ngoại giao của quốc gia góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên ngành Lúa gạo còn tồn tại một số vấn đề như: Sản xuất chưa bền vững; sử dụng đầu vào nhiều; thất thoát cao; công nghệ sau thu hoạch yếu; thu nhập nông dân thấp… Cùng với đó, thị trường của ngành Lúa gạo đang có những vấn đề về sự bất ổn giá cả, thương hiệu xuất khẩu yếu, ảnh hưởng chính sách của các quốc gia và sự cạnh tranh khốc liệt. trong khâu xây dựng và thực hiện chính sách còn thiếu nguồn lực, thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả… Trong khi thị trường thế giới luôn biến động do biến động thị trường chính sách các quốc gia, biến đổi khí hậu, biến đổi người tiêu dùng. Xu hướng mới trong phát triển ngành Lúa gạo dựa trên sự áp dụng khoa học công nghệ, số hóa vào sản xuất, nông nghiệp xanh, tuần hoàn, lúa gạo carbon thấp, thị trường tín chỉ carbon… Tranh chấp thương mại, bảo hộ bản quyền cũng không ngừng gia tăng.

Trong bối cảnh mới cần bài toán chiến lược, cần thiết có một thiết chế xử lý các vấn đề liên ngành, bao trùm. Thiết chế này có trách nhiệm: Tư vấn, xử lý những vấn đề lớn của ngành hàng lúa gạo, đưa ra định hướng vì mục tiêu phát triển bền vững chung của cả ngành. Trong thiết chế này, Nhà nước không can thiệp sâu vào thị trường nhưng đảm bảo vai trò định hướng, điều tiết hoạt động, các hiệp hội ngành hàng, huy động hợp tác công tư để tạo thêm nguồn lực từ hợp tác quốc tế và nguồn lực xã hội hoá. Thiết chế này có sự tham gia của các Bộ ngành, đại diện của các doanh nghiệp, của các địa phương và phải có tiếng nói của người trồng lúa. Từ những yêu cầu đặt ra như vậy, Hội đồng ngành hàng lúa gạo quốc gia được đánh giá là thiết chế thích hợp.

Hiện tại, trong nước đã có một số Hiệp hội, hội ngành chính về hàng lúa gạo như:

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA): VFA là tổ chức xã hội của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực. VFA gồm 200 doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu gạo.

Hiệp hội ngành hàng lúa gạo (VIETRISA): Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực ngành hàng lúa gạo. Hiệp hội còn các chuyên gia, nhà khoa học từ các viện, trường nghiên cứu về lúa gạo.

Hội Nông dân Việt Nam: Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Hội có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam vững mạnh.

Sự cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo Quốc gia

Tham dự cuộc họp trực tuyến về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn có Thứ trưởng Hoàng Trung, lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Trồng trọt, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Chính sách, Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn; đại diện Bộ Nội Vụ, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao cùng các đại diện của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam.

Theo dự thảo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương, Hội đồng lúa gạo Quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.

Nhiệm vụ chính của Hội đồng là nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường cho ngành lúa gạo. Đồng thời tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng của ngành; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, nhất là việc điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành về lúa gạo, đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu...

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn phát biểu tại cuộc họp.

Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, trong bối cảnh mới hiện nay, ngành lúa gạo cần có chiến lược tổng thể để đáp ứng về chính sách cho người trồng lúa cũng như huy động được các nguồn lực đầu tư và xử lý những khó khăn về thị trường, biến đổi khí hậu và xu hướng phát triển mới của ngành lúa gạo:

Những gì thuộc về thị trường, doanh nghiệp thì doanh nghiệp làm, những gì thuộc các Hiệp hội để các Hiệp hội làm, Nhà nước có vai trò định hướng, trong đó đặc biệt là huy động hợp tác công – tư; phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng để huy động được các nguồn lực, huy động hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo ngành lúa gạo phát triển bền vững hơn.

Khẳng định sự cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo Quốc gia, các đại biểu cho rằng, ngành lúa gạo có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với sinh kế của hàng triệu người dân, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, khu vực và thế giới đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế - ổn định xã hội của đất nước. Mong muốn Hội đồng lúa gạo Quốc gia sớm được Chính phủ phê duyệt, giải quyết hiệu quả những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn của ngành lúa gạo thông qua sự phối hợp liên ngành, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và ông Lê Quốc Doanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam chia sẻ:

“Đồng Tháp ủng hộ cao việc thành lập Hội đồng và mong muốn triển khai sớm để phát huy hiệu quả trong thời gian tới. Mong muốn lãnh đạo 2 Bộ tiếp tục bàn và đưa ra giải pháp định hướng để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo đối với từng vùng miền, ngành hàng để phát huy được lợi thế lúa gạo của quốc gia”.

Đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia

Hội đồng lúa gạo quốc gia có tên quốc tế là Vietnam Rice Council (VNRC), đề xuất do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch; Phó Chủ tịch Thường trực: Bộ trưởng Bộ Công Thương; Phó Chủ tịch: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ủy viên Hội đồng dự kiến bao gồm: Đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học Công nghệ, Ngoại giao.

Đại diện lãnh đạo các Hội, Hiệp hội: Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân một số địa phương: Thái Bình, Nam Định, TP. Hồ Chí Minh, 13 địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lê Quốc Doanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam mong muốn lãnh đạo 2 Bộ đưa ra giải pháp định hướng để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo đối với từng vùng miền,
Về tổ chức và hoạt động của Hội đồng lúa gạo quốc gia:

Các thành viên Hội đồng làm việc theo Quy chế hoạt động của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng ban hành. Chủ tịch Hội đồng sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch sử dụng con dấu của cơ quan mình và Thường trực Hội đồng sử dụng con dấu của Bộ Công Thương.

Thành lập Thường trực Hội đồng để giúp việc cho Hội đồng trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp và đôn đốc giữa các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện, giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về lúa gạo. Thường trực Hội đồng do Thứ trưởng Bộ Công Thương là Tổ trưởng, đại diện Thường trực Tổ bao gồm: Lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương sản xuất lúa gạo lớn: Cần Thơ, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Thái Bình, Nam Định.

Thành lập Nhóm giúp việc (Ban Thư ký) của Thường trực Hội đồng: Đại diện đơn vị chức năng thuộc Bộ, ngành, địa phương; đại diện một số viện nghiên cứu, hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ do Thường trực Hội đồng giao. Thường trực Hội đồng đặt tại Bộ Công Thương.

Chức năng của Hội đồng lúa gạo quốc gia: Hội đồng lúa gạo quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.

Hội đồng lúa gạo quốc gia có nhiệm vụ:

Nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường cho ngành lúa gạo

Nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng của ngành

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành

Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành về lúa gạo.

Cho ý kiến về chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách…

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để thu thập thông tin, phân tích đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành hàng lúa gạo.

Thực hiện các nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đánh giá của các đơn vị tại cuộc họp, Hội đồng quốc gia lúa gạo là tổ chức liên ngành giải quyết những vấn đề liên ngành trong thời gian ngắn nhất, toàn diện nhất. Hội đồng bao gồm đầy đủ các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và địa phương cũng như người dân. Đây là kênh thông tin hoạt động rất đa chiều, có phân tích đánh giá xử lý thông tin và đưa ra quyết định thống nhất và tập trung.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cơ quan thường trực của 2 Bộ sẽ nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp để tham mưu và trình Chính phủ dự thảo về thành lập Hội đồng lúa gạo Quốc gia trong tháng 8 này để sớm triển khai vào thực tiễn.

Doanh nghiệp gạo Việt Nam cần nâng cao năng lực xuất khẩu gạo vào thị trường Singapore
Việt Nam đã có quý thứ 2 liên tiếp giữ vị trí “quán quân” về xuất khẩu gạo vào thị trường Singapore. Tuy nhiên, để giữ vững vị trí "quán quân" này, doanh nghiệp gạo Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm gạo...