Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hà Nội: Hấp dẫn du lịch làng làm hương Quảng Phú Cầu

Minh Tú - 16:28 08/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Dự kiến, ngày 12/4/2024 Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức đoàn khảo sát, trải nghiệm và công bố tuyến du lịch với chủ đề “Khám phá Con đường di sản Nam Thăng Long”. Chương trình được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với công tác bảo tồn và phát huy các di sản, di tích, làng nghề của Thủ đô. Hãy cùng nhau khám phá một trong các điểm đến của chương trình thú vị này.

Gian nan nghề làm hương truyền thống

Một trong những điểm đến của Con đường di sản Nam Thăng Long là làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu. Làng hương Quảng Phú Cầu hay còn gọi là làng hương Xà Cầu thuộc xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, cách trung tâm Thủ đô khoảng 35km. Bắt nguồn từ thôn Phú Lương Thượng, đến nay, nhiều thôn khác như Đạo Tú, Cầu Bầu đều đã có lịch sử làm tăm hương truyền thống suốt hơn 1 thế kỷ. 

Để tạo thành phẩm hoàn chỉnh đến tay người dùng, mỗi nén hương đều được đặt trọn tâm huyết của người thợ. Quy trình làm hương theo công nghệ truyền thống cơ bản là: vót tăm, nhuộm chân, vuốt nhựa và bột than hoa, lăn cọng hương vào bột đến nhúng, kết dính hương vào tăm (hay còn gọi là se hương), phơi khô, đóng gói. Tất cả các công đoạn đều đòi hỏi lòng yêu nghề, sự tỉ mỉ và cẩn thận của người dân Quảng Phú Cầu.

Làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu, một trong những điểm đến của Con đường di sản Nam Thăng Long 

Khi chưa có dụng cụ thiết bị hiện đại, những người thợ chỉ có các biện pháp thủ công và phải trải qua nhiều công đoạn để tạo ra được sản phẩm. Đặc biệt, ngày xưa khâu khó khăn và mất thời gian, công sức nhất là vót tăm. Một cây tăm hương đạt tiêu chuẩn phải thẳng, tròn, đều tăm tắp. Từ cây tre chọn mua, để khô, cắt đoạn, chẻ gióng, hơ lửa nắn thẳng, pha, vót, nhuộm chân hương đều tốn thời gian, công sức. Nhưng với công nghệ ngày nay, máy móc đã giúp cho người làm hương bớt được nhọc nhằn trong công đoạn này.   

Ở Quảng Phú Cầu ngày nay có nhiều thương hiệu hương nổi tiếng. Mỗi gia đình có những “bí kíp” riêng để tạo nên sự độc đáo cho mùi hương của nhà mình. Dẫu rằng ai cũng biết nguyên liệu của hương thường được làm từ trầm, tùng, trắc, bạch chỉ, hoắc hương, hoa hồi, quế chi, nhựa cây trám, củ, rễ cây hương bài, than xoan,... nhưng để tạo nên mùi hương riêng của mình, tỷ lệ trộn, phối hương liệu bao nhiêu để thắp nén hương lên là biết hương nhà nào làm thì lại là cả một “bí mật thương mại” chỉ truyền cho các “đinh” trong nhà qua nhiều thế hệ. 

Khi những tăm hương đã chuẩn bị xong, những người thợ sẽ đến giai đoạn se hương. Người dân Quảng Phú Cầu sẽ vuốt nhựa và bột than hoa vào tăm hương sau đó lăn cọng hương vào bột hương đã được chuẩn bị, kết dính hương vào tăm. Theo các cụ nghệ nhân cao tuổi thì ngày xưa không phải ai cũng se được hương. Nếu ai bị bệnh đổ mồ hôi tay, hay hồi hộp, tính tình láu táu thì không được se hương, bởi lẽ người thợ phải lăn thật nhẹ, đều và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương. Nén hương thành phẩm không được cái to, cái nhỏ, chỗ mỏng, chỗ dày. “Que hương nếu se không đều, nén hương cháy đến chỗ mỏng quá thì sẽ bị tắt, không cháy hết que thì mất khách ngay”, một cụ nghệ nhân cho biết cái khó khăn trong công đoạn se hương của người Quảng Phú Cầu. Nhưng ngày nay, máy móc cũng giúp cho người thợ của làng nghề truyền thống này bớt gian nan khâu se hương, trăm nén như một, đều tăm tắp.

Mỗi gia đình ở Quảng Phú Cầu có những “bí kíp” riêng để tạo nên sự độc đáo cho mùi hương của nhà mình

Se hương xong thì đến công đoạn mà máy móc chỉ hỗ trợ được phần nào, đó là phơi hương.  Phơi hương là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất, nếu trời nắng thì chỉ cần phơi một buổi là khô, nhưng nếu thời tiết âm u hay mưa thì có thể mất đến 3 ngày hương mới khô, thậm chí cần tới lò sấy để giúp hương được khô nhanh hơn. Làm hương sợ nhất trời mưa, âm u, phải dùng lò sấy. Ngày xưa, nếu tiết trời mưa ẩm kéo dài thì phải sấy bằng củi, bằng than, nén hương thành phẩm sẽ ám khói củi, mùi trầm thơm sẽ bị ảnh hưởng. Hà Nội xưa nhiều người kỹ tính, ngửi mùi hương biết là hương làm lúc nào, có phải sấy lò hay không, khi mua họ sẽ dặn người nhà phải mua đúng hiệu nhà đó, loại hương đó, sai là chết đòn.

Rực rỡ sắc màu văn hóa, tâm linh

Chính từ sự gian nan trong công đoạn phơi hương này đã vô tình tạo cho Quảng Phú Cầu một cảnh tượng độc đáo, đẹp mắt và hút hồn du khách khi về thăm làng. Hương Quảng Phú Cầu là loại hương màu vàng và đỏ - màu sắc may mắn của phương Đông nên rất đẹp và nổi bật. Để hong khô, những bó tăm hương được bó lại với kích thước lớn, đầu chụm vào nhau và chân xoè trong đều như hoa đang nở trong nắng khắp đường làng. Trong nhiều năm liền, cảnh tượng tuyệt vời này của làng hương Hà Nội đã được các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước chọn lựa để chụp ảnh và không ít các tác phẩm về làng hương này đoạt nhiều giải thưởng lớn. 

Vì khung cảnh quá đỗi đẹp mắt và độc đáo mà làng hương Quảng Phú Cầu trở thành làng nghề truyền thống ở Hà Nội thu hút đông đảo nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Đến đây, du khách sẽ được dịp dạo khắp các thôn làng để ngắm những “đoá hương" to lớn và chụp thật nhiều ảnh đẹp cũng như trực  tiếp khám phá “công nghệ” làm hương truyền thống xa xưa 

Để đảm bảo một không gian cho du khách thuận tiện chụp ảnh, check-in, cũng như sự riêng tư cho dân các làng, UBND xã Quảng Phú Cầu đã tạo một không gian cho du khách tại khu vực trước đình làng. Khu vực này luôn được người có trách nhiệm, sắp đặt các bó hương thành những hình dạng độc đáo, phối màu sắc với tính thẩm mỹ cao, tạo thành bản đồ Việt Nam, đường hoa… đẹp mắt.

Nếu vào một ngày nắng đẹp, hãy cùng nhau theo dấu Con đường di sản Nam Thăng Long, về khám phá làng hương truyền thống Quảng Phú Cầu để cảm nhận được nét đẹp truyền thống của Việt xưa và bảo tồn và góp phần phát huy các di sản, di tích, làng nghề của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.  

Đưa sản phẩm làng nghề truyền thống bay xa
Những năm gần đây, nghề thủ công mỹ nghệ từ các sản phẩm sẵn có tại địa phương như nghề đan đát các sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối, mây tre... phát triển mạnh ở Sóc Trăng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, nhất là phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc Khmer.