Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thoát nghèo nhờ làm du lịch cộng đồng

Quang Vinh - 07:18 01/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ một bản nghèo nhất ở huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), đến nay bản Sin Suối Hồ đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam bình chọn là "Làng du lịch Cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam năm 2019" và năm 2023, HTX Trái Tim được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 63 HTX nông nghiệp tiêu biểu.

Phát huy lợi thế địa phương để làm du lịch cộng đồng
Để có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự quyết tâm, đồng lòng, đặc biệt là khát khao mong muốn thoát nghèo đeo đẳng ở vùng đất này rất nhiều năm của người dân bản Sin Suối Hồ. Ông Hảng A Xà – Chủ tịch HTX du lịch Sin Suối Hồ chia sẻ, trước đây, Sin Suối Hồ từng là bản nghèo nhất ở huyện Phong Thổ, có 148 hộ dân, chủ yếu sinh sống bằng làm nương, rẫy, quanh năm vẫn đói nghèo; cuộc sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, không điện, không nước sinh hoạt, không trạm y tế, không trường học. Mặc dù là bản nghèo nhất nhưng nơi đây có quang cảnh hùng vĩ của đại ngàn trên dãy Hoàng Liên Sơn, khí hậu quanh năm mát mẻ. Đặc biệt, tại Sin Suối Hồ có một con thác Trái Tim rất đẹp. Thỉnh thoảng có khách đến chụp hình và "check in" trên những cung đường đèo hút tầm mắt. Vì vậy, ông Hảng A Xà nhận thấy tiềm năng về du lịch nên quyết định tìm hướng đi mới này để xóa đói giảm nghèo người dân trong bản.

Du khách thưởng thức các món ăn đặc sản của đồng bào Mông ở Sin Suối Hồ.

Được địa phương hỗ trợ làm đường bê tông từ trung tâm xã vào bản dài 5km đã giúp cho việc đi lại của người dân thuận tiện, là cơ hội để giúp bà con nơi đây tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng.
Hợp tác xã Trái tim Sin Suối Hồ được thành lập từ năm 2016 nhưng đến cuối năm 2018 khu nghỉ dưỡng của HTX mới chính thức đi vào hoạt động. HTX có 12 thành viên (sau một thời gian hoạt động, chỉ còn lại 11 thành viên) do ông Hảng A Xà làm Chủ tịch. Theo ông Hảng A Xà, sở dĩ tên gọi của Hợp tác xã không chỉ bắt nguồn từ thác Trái tim Sin Suối Hồ mà các thành viên tâm niệm, quan điểm làm du lịch bằng cả trái tim, tâm huyết, tình yêu bản làng, quê hương. Ngạn ngữ người Mông có câu: “Một đoạn củi nấu không chín một nồi cơm/Một sợi lanh không dệt nên một tấm vải”. Việc liên kết làm du lịch không chỉ giúp người dân có thu nhập mà còn nâng cao tình đoàn kết, phát huy tính cộng đồng của người dân.
Hoạt động của khu nghỉ dưỡng dựa trên sự bàn bạc và thống nhất về cách làm, đảm bảo công bằng cho các thành viên. Mỗi gia đình đóng góp 200 triệu đồng để xây dựng khu nghỉ dưỡng với diện tích 2,5ha trên quả đồi ngay đầu bản. Mỗi hộ trực một ngày, khi có khách thì các thành viên trong HTX cùng tham gia phục vụ ở các khâu.

Khu phòng nghỉ được chuẩn bị chu đáo để đón khách.

Lúc đầu chỉ có 4 nhà nghỉ, 1 bếp ăn tập thể, nhưng đến nay, HTX đã xây dựng được 3 bugalow, 2 phòng tập thể, 1 bếp ăn và phòng lễ tân đều được thiết kế bằng gỗ. Khu vực để xe ô tô, xe máy có sân rộng, thoáng mát. Tất cả đều được trang trí, xây dựng theo phong cách bản địa của đồng bào dân tộc Mông. Quanh khuôn viên có trồng các loại cây xanh, cây cảnh, hoa địa lan, đào, dã quỳ. Ngoài ra, HTX còn lắp đặt một số trò chơi dân gian như: Xích đu, guồng quay phục vụ khách du lịch là thanh niên, trẻ em.
Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mông
Theo ông Hảng A Xà, nguồn lực để phát triển du lịch ở Sin Suối Hồ ngoài thiên nhiên ra thì chính sự phong phú, độc đáo của văn hoá dân tộc Mông là điểm nhấn quan trọng. Chính vì vậy, phát triển du lịch cộng đồng nhằm giúp bà con thoát nghèo nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của bà con nơi đây. “Chúng tôi xác định tập trung vào làm du lịch, vừa làm nông nghiệp, đồng thời giữ được bản sắc của dân tộc, giữ được phong cảnh nguyên sơ của núi rừng. Chúng tôi mong muốn mọi người đến bản Sin Suối Hồ vừa có trải nghiệm với những phong tục, tập quán của người Mông, lại được hòa mình vào với thiên thiên mộc mạc, đơn sơ và luôn nhớ về một Sin Suối Hồ thân thiện và tốt đẹp”- ông Hảng A Xà chia sẻ.
Ngoài việc tìm hiểu về đời sống văn hóa phong tục của người Mông ở Sin Suối Hồ, những bài khèn, điệu múa, những bài hát dân ca, giao duyên của Đội văn nghệ bản, khi đến đây du khách còn được thưởng thức những món ăn mang đậm chất của đồng bào Mông như: Thịt lợn treo gác bếp xào rau cải mèo, rau hạt tiêu rừng, gà quay mật ong, lợn quay, lợn nướng, cá trắng hấp, măng xào lá chanh, nộm hoa chuối, cá suối.... 

Phiên chợ ở bản Sin Suối Hồ.
Anh Vàng A Lai – thành viên HTX Trái tim Sin Suối Hồ cho biết: Từ mô hình của HTX, hiện nay, trong bản có nhiều gia đình làm du lịch. Tuy nhiên, bà con còn bận mùa vụ, chăm sóc chè, thu hoạch thảo quả, chăn nuôi... nên việc đón tiếp khách có lúc không chu đáo. Khách đến vào thời điểm làm nương, nhiều gia đình không có ở nhà, trong khi đó số lượng hướng dẫn viên chưa đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, nhà nghỉ dưỡng của HTX với đầy đủ dịch vụ vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhờ vậy, chúng tôi cũng có nguồn thu nhập ổn định”.
Ông Hảng A Xà chia sẻ: "Bản Sin Suối Hồ ngày càng được nhiều du khách biết đến nhiều hơn là do các thành viên của HTX đã chú trọng sử dụng công nghệ thông qua các nền tảng xã hội như zalo, facebook, youtube để trong khâu quảng bá, giới thiệu, sản phẩm du lịch. Nếu như trước kia mỗi ngày bản Sin Suối Hồ chỉ đón được khoảng 100 khách thì nay tăng lên hơn 300 khách. Trung bình mỗi năm, mỗi thành viên của HTX có thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/năm.
Đảm bảo phát triển du lịch bền vững, một số thành viên HTX cho con, em đi học, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên, quản lý nhà hàng, nấu ăn ở Hà Nội. “Năm 2019, bản Sin Suối Hồ đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tặng Bằng khen “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”; Năm 2020, Sin Suối Hồ được Hiệp hội Du lịch Việt Nam công nhận là 1 trong 4 điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Việt Nam; Năm 2023, Sin Suối Hồ được khối ASEAN vinh danh là Điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất năm 2022 và HTX Trái Tim Sin Suối Hồ được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 63 HTX nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc” – ông Hảng A Xà thông tin.