Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thu 51,5 triệu USD từ bán tín chỉ carbon: Cơ hội lớn chuyển đổi sản xuất xanh

13:10 01/04/2024 GMT+7
Mới đây Việt Nam chính thức thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng từ Ngân hàng thế giới (WorldBank). Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản chi trả này, mở ra cơ hội lớn cho các hoạt động chuyển đổi sản xuất xanh.

Với tham vọng phát triển thị trường tín chỉ carbon, Việt Nam tiến gần hơn và bắt kịp với xu hướng của thế giới trong việc tham gia mua bán, trao đổi, chuyển nhượng lượng khí thải hay thương mại tín chỉ giảm phát thải. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon là rất lớn. Thị trường tín chỉ carbon được ví như mang đến nguồn nước mát, "dòng chảy", cơ hội mới cho sự phát triển nông nghiệp xanh. Nhân sự kiện này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với ông Nguyễn Võ Trường An - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA).

Ảnh minh họa: ĐCSVN

PV: Vừa qua Ngân hàng thế giới đã chuyển số tiền 51,5 triệu USD tương đương 1.200 tỷ đồng cho Việt Nam để thanh toán chi phí tín chỉ carbon, ông bình luận gì về sự kiện này?

Ông Nguyễn Võ Trường An: Đây thực sự là 1 sự kiện đáng mừng, đánh dấu cột mốc rõ ràng về việc chúng ta có khá nhiều dư địa, nguồn lực có thể tận dụng để thu về các nguồn tín dụng xanh dưới hình thức tín chỉ carbon cho các dự án giảm phát thải của Việt Nam.

Thực sự dư địa là rất lớn, thứ nhất là công nghệ đặc biệt là công nghệ giúp giảm phát thải tiết kiệm năng lượng ở nước ta chưa được áp dụng nhiều nên dư địa rất lớn. Thứ hai là các nguồn gây quỹ tài chính xanh của quốc tế đang đổ về các nước đang phát triển đặc biệt là Đông Nam Á khá nhiều, đây là nguồn tài chính chúng ta có thể tận dụng được.

Nếu như ở lĩnh vực kinh tế có vốn FDI hay ODA thì nguồn vốn xanh green finace đang dần đổ về Việt Nam, giúp cho nước ta trở thành 1 thị trường tiềm năng về tín chỉ carbon.

Ông Nguyễn Võ Trường An - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN

PV: Ông đánh giá ra sao về mức độ quan tâm của các doanh nghiệp nước ta về hoạt động chuyển đổi xanh cũng như tài chính xanh?

Ông Nguyễn Võ Trường An: Theo tôi mức độ quan tâm vẫn chưa quá cao so với các nước trên thế giới, chuyển đổi xanh ở nước ta mới rộ lên trong tầm 2 năm trở lại đây, những truyền thông về tín chỉ carbon, chuyển đổi xanh, tín dụng xanh vẫn chưa được tiếp cận nhiều, thậm chí những doanh nghiệp lớn vẫn chưa tiếp cận đầy đủ về vấn đề này.

PV: Sau sự kiện thu về 1200 tỷ đồng từ tín chỉ carbon thì chắc chắn mức độ quan tâm và triển khai sẽ nhiều hơn. Vậy theo ông các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, sản xuất xanh cần quyết tâm thế nào và kiên trì mục tiêu này ra sao?

Ông Nguyễn Võ Trường An: với tôi, chuyển đổi xanh không phải hành động ngày 1 ngày 2, càng không mang tính tức thời hay giật gấu vá vai mà phải xuất phát từ tư duy chiến lược của doanh nghiệp. Nhất là người lãnh đạo doanh nghiệp phải hiểu khái nhiệm chuyển đổi xanh là gì, từ khái niệm ấy phải hiện thực hoá ra sao để có được những nhà máy xanh, cơ sở sản xuất xanh phục vụ cho lợi ích lâu dài.

Tài nguyên rừng là cơ sở để phát triển thị trường carbon ở Việt Nam.

Khá nhiều doanh nghiệp khi chúng tôi tiếp xúc vẫn đang loay hoay với bài toán cơm áo gạo tiền và chuyển đổi xanh lại là 1 phần chi phí cộng thêm vào chi phí hiện tại khiến nhiều doanh nghiệp loay hoay, không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng rõ ràng đây là cuộc chơi mang tính quốc tế, chúng ta không thể đứng ngoài được.

Hiện nay nhiều loại thuế hay các khung pháp lý của quốc tế ví dụ như CEBAM như thuế carbon đánh mạnh vào hàng hoá nhập khẩu để ủng hộ việc ứng phó biến đổi khí hậu, đây là cái bắt buộc các nhà sản xuất đặc biệt là xuất khẩu phải có chiến lược dài hơi cho vấn đề này.

PV: Về phía các cơ quan quản lý nhà nước lẫn các địa phương cụ thể như TPHCM cần hỗ trợ cho các tổ chức, các doanh nghiệp đang có nhu cầu chuyển đổi xanh ra sao để sớm hiện thực hoá giấc mơ có thêm triệu đô khác từ tín chỉ carbon?

Nguyễn Võ Trường An: Hiện tại TPHCM đang có lợi thế là Nghị quyết 98 như là 1 nguồn lực hỗ trợ rất lớn để có thể thí điểm đầu tiên về thị trường tín chỉ carbon tại TPHCM. Cần phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo để có được những cơ chế sớm nhất cũng như sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước cho các dự án về tín chỉ carbon, đặc biệt là các dự án thí điểm thời gian đầu, qua đó có thể có căn cứ cũng như tìm được cách thức triển khai phù hợp ở các dự án quy mô lớn hơn.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

                                                                                                                           Theo VOV

TỪ KHÓA #thị trường