Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thu tiền tỷ từ sầu riêng bất chấp hạn mặn

12:34 15/08/2020 GMT+7

Bất chấp thời tiết hạn, mặn kéo dài từ đầu năm khiến hầu hết nhà vườn phải điêu đứng, nhiều nông dân trồng sầu riêng chất lượng cao kết hợp với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn vẫn ăn nên làm ra, trở thành những tỷ phú vùng nông thôn miền Tây.

Ông Mai Hồng Thảo, xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre – chủ khu du lịch “Bảy Thảo”.

Đầu tư khu du lịch sinh thái an toàn, chất lượng cao

Đến xã Vĩnh Hòa (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), nhiều du khách đã rất bất ngờ khi được tham quan khu du lịch mang tên “Bảy Thảo” bởi cách thiết kế mô hình trồng sầu riêng chất lượng cao theo phương pháp kinh tế “3 tầng”. Cụ thể với diện tích 30 công đất (mỗi công 1.000m2), bên trên chủ vườn – ông Mai Hồng Thảo trồng sầu riêng Thái Lan hạt lép; phía dưới những tàng cây ông trồng cây Mật cật và Trúc Bách hợp, phía dưới là những ao nuôi cá có giá trị kinh tế cao như cá Hô, cá Chẽm, cá Thác Lác…

Điều rất đặc biệt là ông Thảo không thu tiền vé tham quan như những nơi khác và sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu thưởng thức sầu riêng tại chỗ lẫn chuyển đến tận nhà với những du khách có yêu cầu. Song song với đó, du khách rất thích cảm giác câu cá trên hồ, vừa dùng sầu riêng chín cây hay các món ăn đồng quê với giá cả phải chăng. Hầu như toàn bộ sầu riêng của ông đều được thương lái bao tiêu trước khi thu hoạch. Tuy nhiên ông vẫn quy hoạch một diện tích khoảng 5 công sầu riêng để phục vụ du khách

Ông Mai Hồng Thảo cho biết thêm: “Điều quan trọng là làm thế nào để du khách sẽ còn quay lại với mình nhiều lần hơn, đông đảo hơn. Ngoài ra mình phải tận dụng cùng lúc 2 thế mạnh là vừa quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cây trái, thủy sản lại vừa quảng bá hình ảnh du lịch nông thôn miệt vườn thân thiện đến với du khách”.

Theo chân chị Ngô Thị Thảo, chủ nhân khu du lịch sinh thái “Chị Thảo” ngụ ấp Thạnh Phước 2, xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ), chúng tôi len lỏi vào khu vườn sầu riêng rộng 1ha đã 20 năm tuổi đang oằn trái trĩu cành. Có rất nhiều trái quá lớn nên chủ vườn phải gia cố xung quanh bằng những sợi dây rất chắc chắn tránh trái rơi xuống đất gây nguy hiểm cho du khách. Dù hiện nay giá sầu riêng Ri 6 Bến Tre ở ngoài thị trường có giá từ 50.000 – 60.000 đồng/kg nhưng tại khu du lịch này giá bán tại vườn là 90.000 đồng/kg nhưng cung không đủ cầu. Không chỉ có sầu riêng chín cây phục vụ du khách, khu du lịch “Chị Thảo” còn có bòn bon, măng cụt đều được trồng theo phương pháp sạch bệnh, an toàn.

Lý giải về vấn đề giá bán cao nhưng chấp nhận được, ông Nguyễn Trọng Tình, du khách đến từ Cà Mau cho biết: “Tuy giá bán có đắt hơn bên ngoài nhưng bù lại mình cảm thấy tuyệt đối an toàn cho sức khỏe, lại có được không gian nguyên vẻ chân quê để lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Đó là chưa kể, mình cùng gia đình còn được phục vụ đờn ca tài tử ngay tại vườn, thưởng thức những món ăn độc, lạ, ngon miệng từ tài nấu nướng của chị Thảo”.

Đây là điểm du lịch miệt vườn rất lý tưởng với nhiều ưu thế: Khí hậu mát mẻ quanh năm, đường giao thông thuận lợi, chỉ cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 45km; cách TP. Long Xuyên (An Giang) gần 40km nên du khách đến đây rất thuận tiện”.

Du khách tham quan vườn sầu riêng của ông Bảy Thảo.

Thu nhập hàng tỷ đồng từ sầu riêng an toàn

Năm 2000, thấy 10 công đất gia đình canh tác cam, quýt, bưởi không đạt hiệu quả kinh tế, đầu ra lại bấp bênh, chị Ngô Thị Thảo, ngụ xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ đã lặn lội sang tận huyện Chợ Lách (Bến Tre) để tìm hiểu về tiềm năng của một số loại cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng của gia đình mình. Sau đó chị Thảo đã chọn sầu riêng Ri 6 để bắt đầu cuộc hành trình chuyển đổi.

Chị Ngô Thi Thảo chia sẻ kinh nghiệm: “Mình không nên trồng chúng quá dày, phải sử dụng cùng lúc 2 loại phân hóa học lẫn phân hữu cơ với công thức nhất định (hóa học 20%, hữu cơ 80%), nguồn phần hữu cơ tốt nhất là phân bò, gà, trùn quế, dơi kết hợp với rơm mục, lục bình. Cần xây dựng hệ thống tưới tự động để cây, hoa đủ sức phát triển và vừa tiết kiệm chi phí đầu tư. Mật độ tôi đang trồng là khoảng 13 cây/1.000m2. Sau khi thu hoạch, tôi phải xới đất xung quanh gốc để tơi đất và vô phân mới”.

Với cách làm rất đơn giản này, từ năm 2010 đến nay bình quân mỗi năm chị Thảo thu hoạch 2 lần, lần thứ nhất từ tháng 4- 5 âm lịch; lần thứ 2 từ tháng 11 – 12. Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, chị đã chuyển hướng canh tác để chỉ thu hoạch rộ mỗi năm 1 lần từ tháng 4 – 6 âm lịch, thời gian còn lại tập trung chăm sóc cây. Tuy chỉ thu hoạch 1 lần trong năm nhưng với cách làm này, mỗi năm 10 công sầu riêng chất lượng cao, giá bán từ 60.000 – 70.000 đồng/kg đã mang về doanh thu từ 700 – 900 triệu đồng, riêng năm 2020 này, sản lượng cao hơn năm trước khoảng 30%, ước tính sẽ mang về cho nữ chủ nhân khu du lịch này trên 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến khoản thu gần 100 triệu đồng từ nguồn bòn bon, măng cụt trồng xen lẫn trong vườn sầu riêng.

Ngoài ra, trong thời điểm thu hoạch trái sầu riêng (từ tháng 4 – 6 âm lịch) nhiều du khách đã đến khu du lịch “Chị Thủy” để thưởng lãm, quay phim, thưởng thức các món ăn đặc sản với giá vé 20.000 đồng/người. Bình quân mỗi ngày có trên dưới 150 khách đến khu du lịch “Chị Thủy” thưởng thức món ngon, cảnh đẹp; riêng các ngày lễ, ngày nghỉ con số nầy tăng lên rất nhiều, ước tính mỗi tháng, chị đã thu được từ 30 – 40 triệu đồng từ vé tham quan.

Còn với cách làm liên hoàn, mỗi năm ông Mai Hồng Thảo (xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đã thu về trên 3 tỷ đồng từ nguồn trái cây, hoa cỏ và thủy sản. Đặc biệt khu vườn to rộng của ông được bố trí hệ thống phun tưới tự động nên vừa tiết kiệm nhân lực bơm tưới, tiết kiệm và điều chỉnh nguồn nước theo ý muốn lại vừa tạo cảnh quan rất đẹp hấp dẫn nhiều du khách đến đây.

Có thể thấy, hiện nay nhiều nông dân miền Tây đã biết kết hợp giữa việc chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao để tăng chất lượng, sản lượng gắn với việc phát huy thế mạnh du lịch sông nước miệt vườn vốn được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Đây là cách làm, là hướng đi rất thích hợp, hiệu quả cho nhiều nông dân hiện nay.

“Mô hình trồng sầu riêng theo hướng VietGAP, liên kết phát triển cây ăn trái gắn với du lịch của chị Ngô Thị Thảo ngụ ấp Thạnh Phước 2 đang là điểm sáng tiêu biểu của xã chúng tôi, trong đó sử dụng phân chuồng là chủ yếu kết hợp với việc phun tưới tự động và chăm sóc rất an toàn. Vì vậy khá nhiều du khách đến tham quan và thưởng thức bởi trái cây có chất lượng đảm bảo”.
Ông Nguyễn Văn Nhu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Thạnh.

Bài và ảnh: Song Anh