Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thực phẩm Việt muốn tiến xa, cần thay đổi tư duy tiếp cận

09:00 24/01/2018 GMT+7

Nhờ rao bán hàng trên chợ trực tuyến nổi tiếng thế giới, giá cả các loại thực phẩm, rau quả của Việt Nam như rau răm, mồng tơi, rau dền, ớt, bột sắn…bỗng “đắt như vàng”. Đây là một trong những minh chứng cho thấy nếu biết thay đổi cách bán hàng hợp lý, linh động theo xu thế mới thì thực phẩm Việt sẽ thu lợi rất lớn.

Thời gian gần đây, nếu thường xuyên lên trang Amazon.com – một website bán hàng trực tuyến hàng đầu thế giới, hay còn được gọi nôm na là “chợ trực tuyến”, sẽ thấy nhiều mặt hàng thực phẩm, rau quả Việt được rao bán với giá cao gấp nhiều lần so với mức giá ngoài chợ hay siêu thị.

Giá “đắt như vàng”

Nhưng nên nói thêm, đó phải là những sản phẩm có tính khác biệt, độc, lạ, to hoặc tươi, mới thì mới có giá cao. Đơn cử như quả thanh long nặng xấp xỉ 1kg có giá khoảng 299.000 đồng, chưa tính tiền phí vận chuyển. Hoặc như bột sắn dây ở chợ Việt bán chỉ trên dưới 100.000 đồng/kg, nhưng trên Amazon được rao bán gần 1 triệu đồng/kg.

Trong thời đại bùng nổ kinh tế số đòi hỏi các DN ngành thực phẩm Việt phải thay đổi cách thức bán hàng

Tương tự là các loại rau quả như rau răm, mồng tơi, rau dền, đậu rồng Việt Nam cũng được rao bán trên “chợ trực tuyến” này. Chẳng hạn, nửa ký quả đậu rồng có giá lên tới 202.000 đồng, ớt Việt được rao bán với giá 670.000 đồng/kg.

Một túi bột quả trứng gà (lê ki ma) – vốn là loại trái cây ít được ưa chuộng ở Việt Nam nhưng khi rao bán tại trang mạng Amazon có giá đến 15 USD/trái (khoảng 1,5 triệu đồng/1kg).

Đương nhiên, như với bột sắn dây, để có được giá đắt khi rao bán thì đòi hỏi vào sự chăm chút cẩn thận cho sản phẩm, áp dụng công nghệ vào quá trình chế biến bột sắn dây, nguyên liệu bột sắn dây được chọn lọc cẩn thận và được đóng bao bì bắt mắt.

Còn như quả lê ki ma, để rao bán được thì thường có hình thức dạng bột và đóng gói 227gam với giá 15 USD. Trên bao bì có những dòng mô tả tác dụng về loại trái cây này đối với sức khỏe người dùng…

Nếu so sánh sẽ thấy nhiều mặt hàng thực phẩm phổ biến và rất rẻ tại thị trường Việt Nam nhưng khi đặt mua trên các trang mua bán trực tuyến nổi tiếng thế giới thì giá cao gấp nhiều lần.

Hoặc như gạo hữu cơ “Hoa Sữa” của công ty CP Thương mại và sản xuất Viễn Phú thời gian qua cũng thâm nhập sâu vào các trang thương mại điện tử có tính toàn cầu như trên Amazon.com hay Alibaba.com.

Hay như sản phẩm “than gáo dừa không khói R2D” của công ty CP Khoa học công nghệ R2D tại Tp.HCM tiếp cận với Alibaba.com, Lazada, Ebay… để vừa quảng bá thương hiệu vừa tìm kiếm đối tác nước ngoài.

Hiện nay, việc tiếp cận các thị trường chủ lực như Mỹ, EU thông qua bán hàng trên kênh Amazon hay Ebay, Alibaba đang được nhiều doanh nghiệp (DN) Việt để mắt. Theo ông Andre Aslund, Giám đốc điều hành kinh doanh công ty Vorwarts (Đức), thống kê xu thế hiện nay cho thấy cứ 10 người thì có tới 9 người mua sắm qua Amazon thay vì các mạng xã hội khác.

Có tới 76% người dùng sử dụng điện thoại di động để mua sắm qua kênh điện tử, 50% người sử dụng di động sử dụng kênh Amazon. Đây là cơ hội lớn cho các DN Việt Nam nghiên cứu thâm nhập vào kênh bán hàng này.

Vừa cạnh tranh, vừa làm thương hiệu

Đây cũng là một cách để làm thương hiệu. Như chia sẻ của Gs.Ts Võ Tòng Xuân, việc xây dựng thương hiệu của DN Việt đòi hỏi phải có đặc tính như là luôn đi đôi với giá trị, tạo tiếng vang bằng giá trị thực và luôn thích ứng với biến động thị trường, “độc nhất vô nhị”, nổi trội so với đối thủ.

Theo giới chuyên gia, ngành thực phẩm trên thế giới đang thay đổi chưa từng thấy. Đó là khách hàng có thể mua hàng bất cứ lúc nào, bất cứ thứ gì và bất cứ nơi đâu mà họ muốn. Việc họ tìm đến các “chợ trực tuyến” là xu hướng hiện nay. Cho nên, các DN thực phẩm Việt Nam cũng nên sớm nắm bắt xu hướng này để vừa quảng bá thương hiệu, vừa nâng được giá trị hàng hóa Việt.

Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Quang Thái, Giám đốc công ty TNHH Thương mại Đầu tư Thành Thái Gia, Chủ nhiệm CLB Sales Tp.HCM, cho rằng trong thời đại bùng nổ kinh tế số như hiện nay đòi hỏi các DN ngành thực phẩm nói riêng và các DN Việt nói chung phải thay đổi cách thức bán hàng từ truyền thống sang kinh tế số để vừa tiết giảm chi phí, vừa nâng hiệu quả kinh doanh.

“Với kinh nghiệm bán hàng (sales) nhiều năm nay, theo tôi, chiến lược sales của các doanh nghiệp (DN) Việt cần thay đổi mạnh mẽ từ cách nhìn từ bên trong công ty. Các DN hãy cho nhân viên sales của mình được góp ý xây dựng và bán hàng với ứng dụng công nghệ mới 4.0, ví dụ như ứng dụng App Store trên smartphone”, ông Thái chia sẻ.

Có thể thấy, việc xây dựng kênh bán hàng trực tuyến đang được nhiều DN thực phẩm trên thế giới thực hiện trong thời gian qua. Để duy trì sức cạnh tranh, các DN thực phẩm Việt có thể học hỏi từ cách làm này nhằm điều chỉnh đối với chuỗi cung cấp cùng hệ thống phân phối để phục vụ các nhu cầu mua sắm trực tuyến.

Nhưng các DN cũng cần lưu ý là không phải lúc nào cũng có được lợi thế trên kênh trực tuyến như từng có ở các cửa hàng truyền thống. Mà điều quan trọng là DN nên cung cấp những hàng hóa thực phẩm có tính khác biệt, vừa sạch vừa ngon để đáp ứng thị hiếu mới của người tiêu dùng trên các trang mua bán trực tuyến.

Hơn nữa, các DN thực phẩm Việt cần tạo niềm tin trên kênh bán hàng trực tuyến này bằng những hàng hóa với chất lượng tốt nhất, thiết kế đẹp, hình ảnh bắt mắt để người tiêu dùng Mỹ, EU có thể “móc hầu bao” mua thực phẩm Việt trên chợ trực tuyến.

Thanh Loan