Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tuyên truyền nâng cao vị thế, vai trò, năng lực, đời sống của nông dân

Minh Tú (thực hiện) - 16:40 14/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm nâng cao vị thế, vai trò, năng lực, đời sống của nông dân đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Trung ương Đảng và các cơ quan Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết 46-NQ/TW, Nghị quyết 69/NQ/CP, Quyết định 182/QĐ-TTg...

Cùng với vai trò tham mưu chủ trương, chính sách, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch và hoạt động thiết thực để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách nói trên và tập trung tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, nông dân. 

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phan - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN).  

Ông Nguyễn Văn Phan Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao giải tại Hội thi Tuyên truyền viên giỏi tỉnh Ninh Bình năm 2024 do HND tỉnh Ninh Bình tổ chức ngày 9/10/2024.

Thưa ông, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đến phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, do đó lĩnh vực này đã đạt được nhiều thành quả to lớn. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển cũng như điều kiện đầy đủ để nông dân thực thi vai trò “Chủ thể” vẫn còn không ít khó khăn, bất cập. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Đúng vậy, những năm gần đây, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành, triển khai, tổng kết đồng bộ, bài bản hơn. Do vậy, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống của nông dân và cư dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với định hướng nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nông dân là chủ thể đã đạt được thành tựu rất quan trọng. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12 tỷ USD, tăng 43%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản đạt hơn 29 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Việc Đảng, Nhà nước ta ghi nhận và đánh giá kinh tế nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là “trụ đỡ” của nền kinh tế đất nước đã minh chứng cho điều đó. Thế giới không chỉ một lần khâm phục kết quả xóa đói, giảm nghèo nghèo của Việt Nam nhờ đổi mới quản lý nông nghiệp. Hiện nay, các nước trên thế giới tiếp tục khâm phục, đánh giá cao về trình độ phát triển và đóng góp của nông nghiệp nước ta cho phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế quan trọng, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. 

Trải qua gần 40 năm đổi mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có đóng góp quan trọng làm cho tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước ta không ngừng được nâng cao.  

Tuy nhiên, quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn những hạn chế, bất cập. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp, thiếu bền vững. Kết quả xây dựng nông thôn mới có sự chênh lệch giữa các vùng miền, địa phương. Bên cạnh đó, thể chế chính sách, pháp luật còn có những hạn chế, nhất là chính sách, pháp luật về đất đai, tín dụng, bảo vệ môi trường, về ứng dụng khoa học, kỹ thuật, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản, về bảo hiểm nông nghiệp, về phát triển các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, về thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Nông dân có vai trò đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của đất nước. Nhưng trên thực tế, nông dân vẫn chưa được hưởng những thành quả xứng đáng so với đóng góp của mình cho xã hội. Thu nhập bình quân của nông dân thấp hơn so với thu nhập bình quân của lao động công nghiệp, dịch vụ. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn chủ yếu thuộc cư dân nông thôn, nhất là ở khu vực miền núi và vùng dân tộc ít người.  Năng lực làm chủ của nông dân còn rất hạn chế. Phần đông nông dân là lao động lớn tuổi, thiếu kiến thức về sản xuất hàng hóa, về khoa học, công nghệ, thiếu hiểu biết về kinh tế thị trường, chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, phong trào. Một bộ phận nông dân còn thụ động, cam chịu số phận. Nông dân vẫn thường ở thế yếu trong hệ thống liên kết kinh tế và yếu thế trong không ít các quyết định ở nông thôn.

Một số địa bàn nông thôn nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi dịch chuyển sang công nghiệp, dịch vụ ở thành phố, đô thị hay đi lao động ở nước ngoài lại quay về nông thôn mang theo nhiều khó khăn, phức tạp cả về việc làm, đời sống, gia đình, văn hóa và an sinh xã hội… Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực hay phát triển công nghiệp, làng nghề thiếu quy hoạch vẫn đang là điểm tối trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta. Không ít tệ nạn xã hội nảy sinh làm cho tình hình an ninh trật tự ở nhiều địa bàn nông thôn trở nên phức tạp như: Ma túy, cờ bạc, tín dụng đen, trộm cắp, mại dâm, bạo lực gia đình…

Trong thời gian tới, để góp phần khắc phục những hạn chế trên, Ban Tuyên giáo Trung ương Hội sẽ tập trung tham mưu cho Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN đẩy mạnh công tác truyền thông, làm thay đổi tư duy, nhận thức, trách nhiệm của hội viên nông dân, cấp ủy, chính quyền địa phương; tham mưu cho Trung ương Hội làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các cơ quan Nhà nước trong việc ban hành và triển khai các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về lĩnh vực này, để nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta phát triển bền vững, nông dân thực sự làm chủ được quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. 

Thưa ông, công tác tuyên truyền có vai trò rất quan trọng, xin ông cho biết nội dung tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương Hội cũng như hệ thống tuyên giáo của Hội Nông dân các cấp trong thời gian qua?

Các Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 69/NQ/CP của Chính phủ, Quyết định 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ… được ban hành gần đây là những chủ trương lớn của Đảng, chính sách rất quan trọng của Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và quá trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, các văn bản này đã đề cấp, xác định rất rõ vai trò “Chủ thể” của nông dân, vai trò nòng cốt của các cấp Hội Nông dân Việt Nam. Với trách nhiệm là đơn vị tham mưu cho Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN về công tác tuyên truyền, ngay từ khi chủ trương, chính sách được ban hành, Ban Tuyên giáo Trung ương Hội đã tham mưu cho Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các hội nghị nghiên cứu, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân trong cả nước về những vấn đề cốt lõi của Nghị quyết, về tầm quan trọng cũng như về cơ hội để công tác Hội và phong trào nông dân bứt phá.

Ban Tuyên giáo đã kịp thời tham mưu định hướng công tác tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và công tác Hội, phong trào nông dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, định hướng tuyên truyền đậm nét về nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết 46-NQ/TW, Nghị quyết 69/NQ/CP, Quyết định 182/QĐ-TTg; chỉ đạo Hội Nông dân các cấp chủ động tham mưu để cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức quán triệt và ban hành các văn bản thực hiện. Theo báo cáo của các tỉnh, thành Hội, đến nay 100% cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt và xây dựng, ban hành các văn bản triển khai các nghị quyết nêu trên; nhiều tỉnh, thành Hội đã trình và được các cấp chính quyền phê duyệt các đề án, dự án cụ thể để thực hiện. Công tác tuyên truyền của Hội không chỉ tuyên truyền một chiều đến hội viên, nông dân mà còn đã hướng mạnh tới tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện Nghị quyết liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội hoạt động, phát huy vai trò chủ thể của nông dân.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội về triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết 46-NQ/TW, Nghị quyết 69/NQ/CP, Quyết định 182/QĐ-TTg; Ban đã tham mưu Đề Ban Thường vụ ban hành Hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động Câu lạc bộ Khoa học Kỹ thuật Nhà nông; giúp Thường trực Trung ương Hội chỉ đạo định hướng các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội tăng cường tuyên truyền về các hoạt động của Hội trên các phương tiện thông tin đại chúng... 

Từ định hướng của Ban, Hội Nông dân ở nhiều tỉnh, thành phố đã có biến chuyển, đổi mới công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, tạo hiệu ứng xã hội cao như phản ánh hoạt động trực tiếp trên các nhóm Zalo, Fanpage, Youtube, tổ chức tuyên truyền thông qua các loại hình sân khấu hóa như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, văn nghệ, thể thao quần chúng, hoặc thông qua hội thảo đầu bờ, tham quan trải nghiệm thực tế đã thu hút sự quan tâm của cán bộ, hội viên, nông dân và của xã hội, điển hình như Hội ND thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bắc Giang… Đây là những kinh nghiệm quý để Ban Tuyên giáo tham mưu tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Hội NDVN về đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân và đề xuất phương hướng để ban hành nghị quyết mới, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền của Hội trong giai đoạn cách mạng mới. 

Sau Đại hội đại biểu Toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII đến nay, công tác Tuyên giáo của Hội đã tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ như thế nào, thưa ông?    

Ban Tuyên giáo Trung ương Hội NDVN đã bám sát vào sự chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN triển khai kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền trong hệ thống Hội. Ban đã tham mưu cho Ban Thường vụ ban hành Hướng dẫn công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống Hội NDVN năm 2024; xây dựng Đề cương tuyên truyền kỷ 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam và tham mưu ban hành 7 Kế hoạch; 7 công văn chỉ đạo các ban, đơn vị và các tỉnh, thành Hội về công tác tuyên tuyền vận động cán bộ, hội viên nông dân; tham mưu tổ chức thành công Đoàn về nguồn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; định hướng công tác tuyên truyền về biên giới, hải đảo; về chấp hành các quy định đánh bắt hải sản nhằm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU…

Đặc biệt, đối với công tác khoa giáo, Ban đã tham mưu tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Cơ hội và thách thức đối với nông dân về chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc”; xây dựng Báo cáo chuyên đề phục vụ Đoàn khảo sát của Ban Chủ nhiệm đề tài trọng điểm cấp Quốc gia: “Những vấn đề lý luận về bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại, tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã cho trên 1.300 cán bộ, hội viên, nông dân tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xuất bản các “Bản tin khoa học kỹ thuật nhà nông” và đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, thông tin, phổ biến kiến thức và các hoạt động về khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên các phương tiên thông tin đại chúng. Ban đã tham mưu cho Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức thành công trao giải Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam… Đây là những hoạt động rất thiết thực, hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ mà Ban đã tham mưu và thực hiện thành công.

Xin ông cho biết, để nâng cao vị thế, vai trò, năng lực đời sống của hội viên nông dân về công tác tuyên truyền của Hội NDVN trong những năm tới cần tập trung vào những nhiệm vụ nào? 

Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương Hội NDVN sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, văn kiện của Đảng, các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của Trung ương Hội gắn với nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, ban hành các chủ trương, định hướng lớn về công tác tuyên giáo trong hệ thống Hội. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nâng cao trình độ, năng lực cho toàn diện cho đội ngũ cán bộ các cấp Hội về công tác tuyên giáo, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ Hội phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, bản lĩnh và trí tuệ, có tư duy đổi mới, sáng tạo, phong cách chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tham mưu thực hiện các nhiệm vụ về công tác tuyên giáo. Quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo của các cấp Hội.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới công tác khoa giáo của Hội, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ; Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ có hiệu quả để nhân rộng; Tiếp tục coi trọng và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, công tác lịch sử truyền thống Hội, phát huy vai trò của các di tích lịch sử Hội trong việc giáo dục truyền thống, tư tưởng cho cán bộ, hộ viên, nông dân; Tập trung tổ chức Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI) về tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong tình hình mới và ban hành Nghị quyết mới nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ ba, Tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, các nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội để làm tốt công tác tham mưu cho Thường vụ Trung ương Hội trong việc chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền trong hệ thống hội; làm tốt công tác tham mưu chỉ đạo các cơ quan báo chí của Hội thực hiện nghiêm tôn chỉ mục đích; phối hợp với các ban, đơn vị Trung ương Hội tăng cường tuyên truyền về các hoạt động của Hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là những phương tiện thông tin đại chúng có sức lan tỏa lớn như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội; các báo, tạp chí lớn như Báo Nhân dân, Báo Đại biểu quốc hội, Báo Nông thôn Ngày nay, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Nông thôn mới… 

Thứ tư, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trong hội viên, nông dân; trong đó, tập trung tham mưu để Ban thường vụ Trung ương Hội ban hành quy chế Thí điểm tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia ý kiến về các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua nền tảng số (App Nông dân).

Đồng thời, Ban tham mưu Ban Thường vụ tăng cường chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các lĩnh vực công tác tuyên giáo. Trước mắt, Ban sẽ định hướng tăng cường tham mưu chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền vào việc khắc phục hậu quả thiên tai do bão Yagi gây ra cho các tỉnh phía Bắc; nghiên cứu cụ thể, đề xuất nội dung công tác tuyên giáo năm 2025 thực sự hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thực tế, trong đó tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến Hội NDVN và về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết Đại hội VIII, Hội Nông dân Việt Nam gắn với tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2026-2031.

Trân trọng cảm ơn ông!
 

Họp mặt kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam tại phía Nam
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng 12/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban liên lạc cán bộ hưu trí Cơ quan Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam tại phía Nam tổ chức Họp mặt kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2024).