Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vì sao cây lúa mùa phía Bắc “ưa thích” phân bón Văn Điển?

Trọng Hòa – Nam Phong - 17:29 21/06/2023 GMT+7
Khác với nhiều năm gần đây, năm 2023 cây lúa vụ mùa phía Bắc đối diện với thời tiết rất khắc nghiệt (nắng nóng kỷ lục, ít mưa, gây nhiều sâu bệnh). Nông dân không thể thay việc của ông trời, nhưng có thể “cứu lúa mùa” bằng giải pháp sử dụng phân bón Văn Điển đúng cách.

Theo kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh – nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, chuyên gia kỳ cựu về hướng dẫn sử dụng phân bón, thời tiết vụ lúa mùa năm 2023 được nhận định khắc nghiệt hơn các năm gần đây. Mới đầu mùa nóng mà miền Bắc đã chịu nhiều ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời nhiều nơi vượt kỷ lục các năm trước. Lượng mưa dự báo ít hơn, lương nước các sông vùng núi phía Bắc có thể thấp hơn 20-60% so với các năm trước.

Phân bón Văn Điển được sử dụng rộng rãi nhiều năm cho lúa mùa các tỉnh phía Bắc. Trong ảnh là thu hoạch lúa mùa ở Tam Cốc - Bích Động, xã Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình). Ảnh Diệu ThơmNhãn

Cổ nhân từng dạy: “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”; nắng nhiều, mưa ít nên cây lúa có thể sinh trưởng chậm, đòng nhỏ, năng suất không cao, đặc biệt sâu bệnh nhiều, nhất là bệnh bạc lá vi khuẩn và các loại sâu bọ họ chích hút như bọ trĩ, rầy, rệp… Do vậy  để chủ động giành vụ lúa mùa thắng lợi, bên cạnh việc lựa chọn bộ giống và thời vụ gieo cấy thích hợp thì giải pháp dinh dưỡng cây trồng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, kinh nghiệm truyền đời nghề trồng lúa là: “Công cấy là công bỏ, bón phân làm cỏ là công ăn” -nghĩa là khâu giống và thời vụ gieo trồng, chăm sóc cần làm  tốt, song nếu sử dụng phân bón không đúng cũng dễ mất mùa.

Cây lúa có thể sử dụng tới 98% lượng phân đã bón

Dẫn các nghiên cứu về sinh lý và dinh dưỡng cây lúa, kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh  cho biết: Thâm canh lúa cần 2 loại phân bón chính là phân bón lót và phân bón thúc, tương đương 2 giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa:

-Giai đoạn sinh dưỡng bộ rễ lúa phát triển theo chiều rộng và nông nên sử dụng phân bón thúc;

-Giai đoạn sinh thực bộ rễ phát triển theo chiều sâu và sử dụng phân bón lót.

Ngoài ra, muốn cây lúa khỏe, ít sâu bệnh, năng suất thóc cao phải được cung cấp đầy đủ và cân đối các loại dinh dưỡng đa – trung - vi lượng, đồng thời phải đảm bảo môi trường đất thuận lợi cho bộ rễ phát triển.

Trên thị trường hiện nay, có nhiều loại phân bón. Để đạt hiệu quả cao nhất, nhà nông cần hiểu rõ những ưu nhược điểm từng loại, và cách dùng tối ưu theo điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và thời tiết từng vùng. Đối với lúa mùa miền Bắc, kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh với nhiều năm quan sát, gắn bó với người trồng lúa, đã đưa ra nhận xét: Không phải ngẫu nhiên mà hàng chục năm qua, người nông dân khu vực phía Bắc đã chọn phân bón Văn Điển như một “người bạn tri kỷ”, một thương hiệu nổi trội trong làng phân bón. Đây là lọai phân bón đa lượng, tổng dinh dưỡng dễ tiêu đạt trên 98% bao gồm chất lân, canxi, magie, silic và nhiều dinh dưỡng vi lượng khác rất cần cho cây lúa… Đặc biệt, các chất dinh dưỡng dễ tiêu trong phân Văn Điển không tan trong nước, không bị thất thoát do rửa trôi, bay hơi hay bị chất sắt (Fe), nhôm (Al) bám giữ như các loại phân bón khác mà được cây trồng sử dụng hết trên 98%, vừa đạt hiệu quả sử dụng cao mà không còn để lại tồn dư gây hại cho đất và môi trường.

Từ đó, chuyên gia Nguyễn Tiến Chinh khuyến cáo: Nhà nông nên sử dụng phân lân nung chảy Văn Điển kết hợp với đạm urê, kaly Canađa và một số dinh dưỡng vi lượng khác sản xuất phân đa yếu tố NPK dùng cho lúa, phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa:

– Phân chuyên bón lót lúa gồm nhiều  loại như: ĐYT NPK 6:11:3 hoặc ĐYT NPK 5:12:3 , 10:10:5,  10:7:3,  8:8:4  hoặc phân đa yếu tố lúa 1 chuyên bón lót. Giàu dinh dưỡng Lân và các dinh dưỡng trung, vi lượng giúp bộ rễ khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận, thúc đẩy quá trình phân hóa mầm hoa tạo cho bông to, hạt mảy; hình thành hệ thống Enzim giúp quá trình tổng hợp, tích lũy các chất dinh dưỡng vào hạt gạo làm gia tăng chất lượng cơm gạo vụ mùa.

Phân bón đa yếu tố NPK 6.11.3 dùng bón lót cho lúa vụ mùa. Ảnh tư liệu.

- Phân bón ĐYT NPK Văn Điển chuyên bón thúc cho lúa có nhiều  công thức khác nhau như: Phân đa yếu tố NPK (16:5:17) có hàm lượng N 16%, P2O5 5%. K2O 17% Mg 5%, SiO2 7%, CaO  8%, S 2%,…   ; loại NPK 12 :5 :10 có hàm lượng N12%, P2O5 5%, K2O 10%,   Mg 2%, SiO2 4%, CaO 5%...

Hiện nay, ở nhiều nơi, bà con sử dụng công thức NPK  13:3:10  còn được gọi là Lúa 2 chuyên bón thúc đẻ và thúc đòng cho lúa. Đây là phân bón giàu dinh dưỡng đạm, kali, thúc đẩy nhanh quá trình đẻ nhánh, vươn lá, vươn thân, tạo cơ sở vật chất cần thiết cho quá trình sinh thực sau này.

Kỹ thuật bón phân cho lúa mùa ở các tỉnh phía Bắc  

Về chi tiết cách chăm sóc và bón lót, bón thúc cho lúa mùa, kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh khuyến cáo cụ thể như sau:

-Bón lót: Tùy thuộc chân ruộng, giống lúa và lượng phân hữu cơ mà cân đối lượng phân bón lót; trung bình mỗi sào bón khoảng 15-20  kg phân ĐYT NPK Văn Điển chuyên bón lót lúa. Ruộng chân cao, cấy lúa ít thóc thì bón ít, ruộng thấp trũng, chua nhiều, cấy lúa nhiều thóc thì bón nhiều. Với các giống lúa cao cây, chống đổ yếu như các giống lúa nếp cao cây, lúa bao thai, mộc tuyền,,,cần tăng phân bón lót trên 25kg, hoặc hơn.

Để phân bón lót (phân chuồng ủ mục và phân ĐYT NPK chuyên bón lót lúa) được trộn đều và gửi xuống các lớp đất phía dưới, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông, phân nên được rải đều ra ruộng trước khi bừa cấy hoặc trước lượt bừa cuối cùng. Nếu lo mất nước, mất phân  thì có thể rải phân ngay sau khi bừa xong, khi nước còn đục, bùn còn lỏng. Không nên bón phân lót sau khi nước đã trong, bùn đã lắng. Bởi lẽ khi đã lắng bùn là các chất dinh dưỡng đã được bám hết vào hạt đất và chìm xuống phía dưới, trong nước lúc này chỉ còn các chất gây chua phèn, chất gây ngộ độc cho rễ lúa. Sau đó để lắng bùn, trong nước 1-2 ngày, tháo bớt nước trong rồi gieo cấy.

Với các loại phân bón tan nhanh khác, khi bón sớm như vậy dễ bị rửa trôi hoặc bị các chất sắt (Fe), nhôm (Al) bám giữ thành chất khó tiêu. Song phân bón Văn Điển  khi  được vùi sâu vào đất sẽ được “để dành” ở các lớp đất phía dưới vừa kích thích bộ rễ ăn sâu, vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng giai đoạn làm đòng và nuôi đòng, nuôi hạt; tạo điều kiện cho cây lúa cứng cáp, cân đối rễ và thân, giúp cây khỏe, ít sâu bệnh, không đổ ngã, tạo cho bông to, hạt mảy… Nếu phân bón không được vùi sâu (để dành nuôi đòng, nuôi hạt…) chỉ bón nông trên mặt ruộng, dinh dưỡng dễ bị thất thoát do bay hơi, rửa trôi hay bị phân hủy dưới ánh nắng…, cuối vụ cây lúa dễ bị đói ăn, bộ lá tàn sớm, nhất là lá đòn và bộ lá công năng dẫn đến bông nhỏ, ít thóc.

Bón thúc: Căn cứ vào  chân ruộng, lượng phân đa yếu tố NPK đã bón lót và tình hình sinh trưởng của mỗi giống lúa mà chuẩn bị phân bón thúc như sau:

- Ruộng lúa cấy dày, cấy to, chân ruộng thấp trũng… thì bón khoảng 8-10 kg/sào (sào Bắc Bộ); ruộng vàn, vàn cao, hay mất nước, cấy giống lúa cao sản cần bón khoảng 10-12kg/sào

Phân bón đa yếu tố NPK 13-3-10 (dạng viên) dùng để bón thúc và bón đón đòng cho lúa mùa. Ảnh tư liệu.

- Những ruộng lầy thụt, ruộng cấy lúa Bao thai, lúa nếp cao cây, hoặc những giống lúa dễ đổ... giảm lượng phân thúc (thậm chí có thể bỏ phân bón thúc) và chỉ nên bón thúc đẻ khi cấy được 7-10 ngày.

- Riêng chân ruộng cao ghềnh, giống lúa cứng thân, đẻ ít thì có thể bón thúc làm 2 lần:  Bón phân thúc đẻ cần phải được bón sớm ngay khi lúa ra lá non hoặc ra rễ trắng. Do vậy,sau cấy 5-7 ngày đã phải bón phân thúc lần 1, bón 60-70% lượng phân bón thúc. Khi lúa chuẩn bị phân đốt, bón hết lượng phân còn lại..

Để giảm bớt thất thoát phân bón do hiện tượng bốc hơi, rửa trôi hay thẩm lậu…, nhà nông không nên bón phân thúc khi trời đang nắng nóng và khi ruộng nhiều nước, nên bón phân khi trời mát và ruộng cạn nước.

Vụ Xuân năm nay các tỉnh khu vực phía Bắc đã được mùa với hầu hết các giống lúa, các trà lúa. Người xưa có câu “phúc bất trùng lai”, một năm ít khi trúng đậm cả 2 vụ lúa. Bà con nông dân cả nước đang phải chống chịu thời tiết khốc nghiệt, nhiều bất thuận cho sản xuất lúa vụ mùa. Tốt nhất bà con nên sử dụng khép kín phân bón ĐYT NPK Văn Điển chuyên dùng cho lúa (loại chuyên bón lót và chuyên bón thúc); thực hiện bón lót sâu, bón thúc sớm, không bón thêm phân đơn, không bón phân muộn, không bón rải làm nhiều lần giúp cây lúa vụ mùa cứng cáp, khỏe mạnh, chống lại các yếu tố bất thuận của thời tiết, sâu bệnh hại để lúa mùa đạt năng suất cao, chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Trọng Hòa – Nam Phong

“Bí quyết nhà nghề” giúp phân bón Văn Điển đạt chất lượng quốc tế
Không chỉ tỏa sáng lĩnh vực sản xuất trong nước, được nhà nông Việt Nam tin dùng rộng rãi, thương hiệu phân bón Văn Điển còn chinh phục được các thị trường quốc tế khó tính như Nhật, Úc, Hàn, Đài Loan… Đó là thành tựu không dễ gì có được đối với doanh nghiệp trong ngành phân bón nước ta.