Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về tạo tín chỉ carbon

Minh Tú - 07:11 07/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tính đến hết 2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã chi 51,5 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) để mua hàng triệu tín chỉ carbon rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Vậy tín chỉ carbon là gì, ai bán, ai mua và tạo ra nó bằng cách nào? Tạp chí Nông thôn mới xin cung cấp một số thông tin cơ bản để chúng ta cùng hiểu rõ về vấn đề này.

Tín chỉ carbon: Những điều có thể bạn chưa biết
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide tương đương. Tấn CO2 tương đương là khối lượng của các khí nhà kính được quy đổi thành tấn CO2 theo hệ số làm nóng lên toàn cầu của các khí nhà kính đó,
Như vậy, có thể hiểu đơn giản “Tín chỉ carbon” là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho một tấn CO2 hoặc khối lượng của một khí nhà kính tương đương với một tấn CO2. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường carbon được thực hiện thông qua tín chỉ.
Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua năm 1997. Theo nghị định này, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm hấp thu phát thải khí nhà kính, hay còn gọi là tín chỉ carbon. Thị trường mua bán, trao đổi tín chỉ carbon hình thành nên thị trường carbon hay còn gọi là thị trường tín chỉ carbon.

Ảnh minh họa.

Ví dụ: Công ty A có giới hạn 10 tấn khí thải CO2 nhưng chỉ phát thải 7 tấn, nên sẽ thừa 3 tín chỉ, trong khi công ty B cũng có giới hạn phát thái 10 tấn khí thải CO2 nhưng thải ra tận 13 tấn. Như vậy, công ty B có thể mua 3 tín chỉ bổ sung từ công ty A để tuân thủ đúng quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Công ty B này thuộc diện phải buộc mua tín chỉ carbon để đủ điều kiện xuất hàng vào các nước có quy định về tiêu chuẩn sản xuất xanh.
Hiện nay có hai loại thị trường carbon chính trên thế giới. Đầu tiên là thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà quốc gia tổ chức hoặc doanh nghiệp theo luật phải kiểm kê và giảm lượng phát thải khí nhà kính và có quyền tham gia các hoạt động trao đổi buôn bán, chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính cũng như tín chỉ carbon. Việc giảm phát thải phải tuân thủ các quy định bắt buộc của quốc gia, khu vực và quốc tế. Thứ hai là thị trường carbon tự nguyện: Dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.
Việt Nam có hơn 100 dự án đã được cấp tín chỉ carbon trên sàn quốc tế 
Việt Nam chưa ban hành quy định áp hạn ngạch phát thải khí nhà kính nhưng thời gian qua một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có liên quan tới nhôm, sắt thép, hóa chất, hydrogen khi xuất khẩu sản phẩm vào EU vẫn phải tuân thủ quy định của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Cơ chế này được EU áp dụng từ 01/10/2023 để ngăn chặn hàng hóa phát thải nhiều vào thị trường EU. Sáu nhóm hàng hóa bị EU áp cơ chế điều chỉnh biên giới carbon gồm: Sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón, điện, hydrogen.
Theo đó, các nước EU thực hiện áp trần phát thải khí nhà kính với các sản phẩm xuất khẩu vào EU. Nếu các sản phẩm xuất khẩu vào EU có lượng phát thải vượt ngưỡng cho phép sẽ phải chịu phạt khoảng 50 euro/tấn carbon phát thải. Bên cạnh đó người tiêu dùng nhiều nước EU không hoan nghênh, không muốn sử dụng các sản phẩm phát thải vượt ngưỡng quy định, không thân thiện với môi trường. Như vậy, với việc mua tín chỉ carbon với giá “dễ chịu” các doanh nghiệp sẽ không phải chịu mức phạt rất cao mà EU đang áp dụng. Sau EU, Mỹ đang dự kiến áp cơ chế điều chỉnh biên giới carbon với bảy nhóm hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ từ tháng 4-2024, gồm: Dầu khí, khí đốt tự nhiên, phân bón, giấy, xi măng, thủy tinh, sắt thép. Mới đây, World Bank (WB) đã chi 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng) để mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trong giai đoạn 2018 - 2024 là một tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy lập sàn giao dịch carbon vào năm 2025, tạo nguồn tài chính cho Việt Nam. Giá trung bình WB mua là 5 USD/tín chỉ carbon, khá cao nhưng WB vẫn để lại cho VN tới 95% để đóng NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định về giảm phát thải khí nhà kính).

Ảnh minh họa.

Một phần khoản tiền này sẽ quay lại hỗ trợ các địa phương Bắc Trung Bộ trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm sinh kế cho người dân giữ rừng. Bản chất ký kết giữa WB với Việt Nam trong việc mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng tại Bắc Trung Bộ không hẳn mang tính thị trường. Đây là khoản hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong bảo vệ, phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính. WB có một quỹ về hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng tại các quốc gia có diện tích rừng lớn và thay vì đưa tiền tài trợ cho Việt Nam, họ yêu cầu chúng ta phải cam kết bảo vệ, phát triển rừng, lượng hấp thụ carbon khu vực rừng mà WB đã mua Việt Nam không được bán cho đối tác khác. 
Đến nay, Việt Nam có hơn 100 dự án đã được cấp tín chỉ carbon để giao dịch trên sàn quốc tế. Các doanh nghiệp, tổ chức trên cả nước đang có khoảng 41 triệu tín chỉ carbon, đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon. Giờ chúng ta thúc đẩy việc giao dịch tín chỉ carbon thông qua việc lập sàn giao dịch carbon, hạn mức phát thải carbon tại Việt Nam. Sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam giai đoạn đầu phục vụ các doanh nghiệp giao dịch hạn ngạch phát thải là chính.
Với việc các quốc gia phát triển áp dụng nhiều “hàng rào” nghiêm ngặt trong nhập khẩu hàng hóa để bảo vệ môi trường, thị trường carbon đang ngày càng “tăng nhiệt”. Việt Nam lần đầu tiên thu về hơn 1.200 tỉ đồng nhờ bán tín chỉ carbon rừng. Nhưng không chỉ dư địa lớn từ rừng, ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông nghiệp, lâm nghiệp... đều là những ngành có thể có thu nhập cao từ bán tín chỉ carbon.
Đến nay, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam mới trong quá trình xây dựng cơ chế để thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. Doanh nghiệp kỳ vọng hành lang pháp lý khơi thông sẽ giúp thị trường hàng tỉ USD này sôi động, nhiều ngành tăng nguồn thu từ bán tín chỉ carbon.