Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vụ cán bộ được chia 24 nền mặt tiền: Thanh tra đến chết vẫn chưa xong

17:00 23/02/2019 GMT+7
Được Thủ tướng Chính phủ giao thanh tra giải quyết đơn khiếu nại của dân, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã lập đoàn từ năm 2017 nhưng đến nay không có kết quả. Trong khi đó, người mất đất lẫn người chiếm đất đều chết… Sáng nay 23/2, người thân của

Được Thủ tướng Chính phủ giao thanh tra giải quyết đơn khiếu nại của dân, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã lập đoàn từ năm 2017 nhưng đến nay không có kết quả. Trong khi đó, người mất đất lẫn người chiếm đất đều chết…

Sáng nay 23/2, người thân của ông Nguyễn Văn Nhờ đã tổ chức tang lễ cho ông trên mảnh đất mà gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Phượng đang đòi suốt mấy chục năm qua. Như vậy, trong thời gian vụ việc đang được Thanh tra Chính phủ giải quyết, 2/3 người trực tiếp liên quan đều đã mất mà không nhìn thấy kết quả. Cụ thể, hai vợ chồng bà Phượng là người đời đất thì người chồng đã mất vào tháng 3/2018. Và hôm nay, thì ông Nguyễn Văn Nhờ, người khi làm cán bộ chiếm đất gia đình bà Phượng, cũng vừa mất.

Bà Phượng bán vé số ở trụ sở Thanh tra Chính để chờ ông Huẩn giải quyết.

Như Làng Mới đã thông tin, liên quan vụ cán bộ Nguyễn Văn Nhờ chiếm đất dân, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra từ năm 2017 đến nay vẫn chưa có kết luận trong khi các sai phạm của cán bộ Nhờ lẫn chính quyền địa phương đã quá rõ ràng… Đầu năm 2019, do Thanh tra Chính phủ vẫn không báo cáo nên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng phải ký văn bản “nhắc” với nội dung giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng. Văn bản gửi TTrCP nêu: “Về việc giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng liên quan đến quyền sử dụng đất tại P.An Lạc A, Q.Bình Tân, TP.HCM , Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 5892NPCP-V.I ngày 7/6/2017 của Văn phòng Chính phủ, nhưng đến nay Thanh tra Chính phủ chưa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm có văn bản báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ tại văn bản trên, gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Như vậy, vụ việc đã kéo quá dài sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Còn nếu tính từ báo cáo gần nhất của chính TTrCP (Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào ký năm 2009) thì đã 10 năm giải quyết không xong. Đối với chỉ đạo giữa năm 2017 của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thì ông Đặng Công Huẩn – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đang là người giải quyết.

Đối với vụ chiếm đất chấn động tâm can này, thì ông Nguyễn Văn Nhờ chính là đầu dây mối nhợ của các sai phạm. Đáng nói là, những sai phạm kéo dài hàng chục năm tưởng chừng đã kết thúc nhưng đến năm 2014, lại xảy ra sai phạm do chính địa phương gây ra.

Đó là việc năm 2014, UBND TPHCM vẫn cố tình cấp 12 giấy CN QSDĐ cho ông Nhờ và người thân căn cứ theo Quyết định số 493/QĐ-UBND ngày 27/1/2014. Theo đó, việc cấp đất cho ông Nhờ căn cứ vào tài liệu mà thành phố thu thập là Báo cáo số 866/BC-XCĐ ngày 18/11/1985 của Ban quản lý ruộng đất thành phố trong đó tại: “Mục I – Đặc trưng sử dụng đất: Ông Nguyễn Văn Nhờ đang sử dụng khu đất diện tích 0,3851 hecta nằm trọn lô 16 và một phần lô 15″. Tuy nhiên căn cứ này không đúng thực tế vì theo tài liệu 299/TTg và tài liệu 02/CT-UB thể hiện: Thửa 16, diện tích 3.515m2, loại đất TTT, tên chủ sử dụng: Thổ tập trung; thửa 15, diện tích 1.880m2, loại đất Rau, tên chủ sử dụng: Nguyễn Văn nhờ. “Mục II: Đăng ký và sử dụng đất: Lô 15: diện tích 1.880m2 loại đất rau: Lô 16: 3.515m2 loại đất thổ: Ông Nguyễn Văn Nhờ được Ủy ban dân dân huyện cấp”. Nhận định này không đúng với thực tế quá trình sử dụng đất của ông nhờ (vì năm 1979 ông được cấp 1.000m2, được tạm giao 1.000m2 và diện tích tạm giao được công nhận vào năm 1995. “Mục IV: Mục đích thực địa: “Theo yêu cầu của ông Nguyễn Văn Nhờ xin thực địa khu đất nêu trên để lập thủ tục sử dụng khu đất vào việc xây dựng nhà ở. Ban quản lý ruộng đất chuyển đến cơ quan chức năng xem xét và giải quyết”.

Về mặt pháp lý, Báo cáo số 866/BC-XCĐ chỉ là một công văn trình các cơ quan chức năng xem xét giải quyết trên cơ sở trình bày một phía là ông Nhờ chứ không phải là một Quyết định công nhận đất cho ông Nhờ nhưng UBND TP. HCM dựa vào Báo cáo số 866/BC-XCĐ để làm căn cứ cấp giấy là sai phạm nghiêm trọng.

Đồng thời trong quyết định số 493/QĐ- UBND ngày 27/1/2014 nhận định gia đình ông Nhờ sử dụng đất ranh giới ổn định, không phát sinh tranh chấp với các hộ dân lân cận (trừ việc bà Phượng khiếu nại đòi lại đất) nhưng vẫn cấp giấy là vi phạm Khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai 2003 và Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 về Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá  nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất (đất đang tranh chấp).

Ngày 9/2/1980, Ông Nhờ và vợ là Phạm Thị Nở lập giấy phân chia nhà ở, đất ở cho các con và người thân, hộ gia đình chính sách và được UBND Phường An Lạc A, quận Bình Tân xác nhận ngày 23/12/2004 là vi phạm điều 10, Điều 11 và điều 56 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 của Chính phủ về chứng thực công chứng. Ngoài ra còn thể hiện sai phạm rất rõ là: Ông nhờ, bà Nở không chứng minh được đất mình tạo lập hợp pháp (nguồn gốc đất) đồng thời đất có tranh chấp nên không có căn cứ để xác định đất để phân chia là đúng. Cá nhân ông Nhờ và bà Nở không có quyền trong việc phân chia cho nhà ở đất ở đối với hộ gia đình chính sách (trường hợp cấp cho ông Nguyễn Minh Phong). Nếu muốn thực hiện việc này thì ông Nhờ phải hiến đất cho nhà nước từ đất mình tạo lập hợp pháp để nhà nước công nhận cho hộ gia đình chính sách (thời điểm năm 1980 ông Nhờ được cấp 1.000m2 và tạm cấp 1.000m2; trong khi theo giấy phân chia thì ông được cấp diện tích 2.573,2m2 và thực tế nhà ông Nhờ đang sử dụng 3.425,3m2); Căn cứ vào giấy phân chia vô giá trị lập ngày 9/2/1980 của ông Nhờ, các cơ quan áp dụng miễn tiền sử dụng đất cho ông Nhờ và người thân 16 tỷ đồng là không đúng thực tế với tình hình sử dụng đất của ông Nhờ (chưa làm rõ nguồn gốc đất; không thu tiền sử dụng đất chuyển đổi từ đất sản xuất sang đất ở…)

Như vậy, từ sai phạm cách đây 40 năm của ông Nhờ, dù năm 2009 TTrCP đã chỉ rõ sai phạm nhưng TPHCM không xử lý cũng không khắc phục. Và đến năm 2014, thì sai phạm chồng sai phạm khi ông Nhờ được cấp giấy, miễn thuế trái pháp luật.

Trẻ em cũng có phần

Theo kết quả xác minh, biên bản kiểm tra thực địa ngày 26/10/2017 và số liệu đo đạc của Trung tâm đo đạc bản đồ, hiện gia đình ông Nhờ đang sử dụng 3.425,23m đều thuộc Bằng khoán 1103 của bà Đê. Về cấp giấy CNQSDĐ, ông Nguyễn Văn Nhờ và các con được cấp 12 giấy với diện tích 2.573m², loại đất ở đô thị.

Trong số này, có đến 11 giấy không thu tiền sử dụng đất (trừ hồ sơ ông Nguyễn Văn Ngọc). Theo đó ông Nhờ và vợ là Phạm Thị Nở đứng tên 3 giấy, các con của ông Nhờ là bà Nguyễn Thị Kim Loan, đứng tên 2 giấy, ông Nguyễn Văn Phụng đúng tên 2 giấy. Đối với trường hợp ông Nguyễn Minh Phong không phải con ông Nhờ cũng được cấp giấy vì các cấp có thẩm quyền chỉ căn cứ vào tờ phân chia nhà ở, đất ở do ông Nhờ lập ngày 9/2/1980. Cũng cần nói thêm, lý do ông phân chia là vì “các con đã dựng vợ gả chồng” dù các bé đều là trẻ em. Cụ thể, ông chia cho bé Nguyễn Thị Kim Nga (7 tuổi) 96,7m2; bé Nguyễn Văn Ngân (12 tuổi, hiện nay đang làm lãnh đạo phường) 164m2; bé Nguyễn Văn Hoàng (14 tuổi, hiện nay làm lãnh đạo quận Bình Tân) 186m2; bé Nguyễn Văn Phụng (16 tuổi) 210m2, riêng bé Nguyễn Văn Ngọc (mới 4 tuổi) được ông Nhờ ghi trong giấy là sẽ bảo quản tài sản cho vợ chồng ông).

Thanh tra Chính phủ phát hiện, hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ của ông Nhờ có Giấy phân chia nhà ở, đất ở ghi ngày 9/2/1980, nhưng UBND phường An Lạc A xác nhận chữ ký vào ngày 23/12/2004(!). Theo Báo cáo số 19975/CCTTB&TK ngày 1/11/2017 của Chi cục thuế quận Bình Tân về việc xác định nghĩa vụ tài chính thì gia đình ông Nhờ chỉ phải nộp thuế trước bạ là 104 triệu đồng cho 12 giấy và được miễn giảm 100% với số tiền là 15,684 tỷ đồng. Việc không thu tiền sử dụng đất căn cứ vào thông tin địa chính do Phòng Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm phát triển quỹ đất quận Bình Tân là không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng xác định việc UBND phường An Lạc A xác nhận chữ ký vào ngày 23/12/2004 là vi phạm Nghị định số 75/2000/NĐ-CP năm 2000 của Chính phủ về chứng thực, công chứng. Việc xác định tính pháp lý để miễn giảm thuế nhà đất dựa trên giấy phân chia do ông Nhờ lập ngày 9/2/1980 không có chứng thực theo luật định là không đúng quy định của pháp luật. Phần vượt hạn mức diện tích 1.000m2 được chính quyền giao năm 1979, không thu tiền sử dụng đất và chuyển đổi từ đất sản xuất sang đất ở khi chưa xác định rõ nguồn gốc đất; đất có tranh chấp; Cấp 12 Giấy CNQSDĐ cho gia đình ông Nhờ là trái với qui định của Luật đất đai năm 2003 và năm 2013. Việc làm này đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Cũng theo hồ sơ, đối với phần đất mà 20 hộ dân tự lấn chiếm và đang sử dụng thuộc bằng khoán 1103, có 5 hộ đã được cấp GCNQSDĐ là chưa đúng bởi tại thời điểm này gia đình bà Phượng đang có đơn khiếu nại đòi lại.

Trao đổi với phóng viên, bà Phượng cho biết, việc tra kết thúc đã lâu nhưng không hiểu vì lý do gì mà ông Huẩn vẫn chưa thể kết luận. “Người đòi đất đã mất, người chiếm đất cũng mất. Giờ người duy nhất còn lại là tôi. Tôi không biết ông Huẩn sẽ ngâm vụ này trong bao lâu nữa” – bà Phượng nói.

Hữu Danh