Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thí điểm mô hình xã thông minh trong xây dựng nông thôn mới

Bùi Ánh - 07:04 12/12/2021 GMT+7
Chiều ngày 11/12, tại UBND Thừa Thiên Huế, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức Hội thảo về “Xây dựng mô hình thí điểm xã thông minh trong xây dựng nông thôn mới”. Tham gia hội thảo có các đại biểu của các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh thành trong cả nước.

Chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương, ông Nguyễn Đình Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xây dựng làng, xã thông minh là xu thế tất yếu

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh Văn phòng NTM Trung ương cho biết: Làng thông minh là một cộng đồng xóm, thôn, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp  trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn - thành thị. Dựa trên các thế mạnh và cơ hội của địa phương vào cách tiếp cận có sự tham gia, chia sẻ để phát triển và thực hiện chiến lược kinh tế, xã hội nhằm cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt bằng huy động các giải pháp công nghệ số. Việc chuyển đổi số trong xây dựng NTM chỉ là một phần của NTM thông minh. Để xây dựng NTM thông minh chính là sự tổng hòa của tất cả các yếu tố như: chính quyền thông minh, con người thông minh, hành vi ứng xử văn minh,…

Toàn cảnh Hội thảo về “Xây dựng mô hình thí điểm xã thông minh trong xây dựng nông thôn mới”

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tiến hành xây dựng thí điểm làng, xã thông minh là cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ và cộng đồng dân cư. Đặc biệt là cần phải tiến hành xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách như: Xây dựng kiến trúc, vận hành và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu số về xây dựng làng thông minh. Ban hành văn bản về quy trình xây dựng mô hình làng thông minh; Xây dựng và triển khai Bộ tiêu chí làng thông minh; Rà soát, sửa đổi bổ sung các nội dung, định mức hỗ trợ thực hiện xây dựng làng thông minh; Rà soát, bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế công nghệ số cung cấp dịch vụ vào khu vực nông thôn.

Song song với nhiệm vụ đó là đẩy mạnh xây dựng chính quyền số gắn với thực hiện Bộ tiêu chí làng thông minh, cụ thể: Tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện xã; Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương; thương mại điện tử trong phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn.

Đồng thời đẩy mạnh phát triển và cung cấp dịch vụ trực tuyến về y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh, xã hội, môi trường nông thôn ở các địa phương; Thí điểm và nhân rộng hoạt động lấy ý kiến góp ý và sự hài lòng của người dân về tiến độ và kết quả xây dựng làng thông minh.

Chuyển đổi số tạo đột phá 

Hiện nay, phần lớn người dân cả nước đều sử dụng điện thoại thông minh có kết nối 3G, 4G và mạng internet cũng đã phủ sóng toàn quốc nên việc ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng NTM nhằm phát huy các tiềm năng trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ngành nghề. Trong bối cảnh chuyển dịch số là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, việc ứng dụng công nghệ số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… là những giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình xây dựng NTM và cũng là cơ hội để nâng tầm NTM Việt Nam với các nước khác.

Hội thảo cũng đã trình bày kinh nghiệm về chuyển đổi số cấp xã. Theo đó, việc chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện từ chính quyền đến mỗi người dân.Việc chuyển đổi số có thể diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như: chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh – quốc phòng, du lịch,…Và việc chuyển đổi này được đồng bộ từ tổ chức đến các cá nhân cụ thể nhằm tối ưu hóa lượng thông tin đến với người cần.

Ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng NTM xã Quảng Điền đưa vào hoạt động Trang thông tin điện tử 

Lựa chọn và triển khai thí điểm các mô hình làng, xã NTM thông minh giai đoạn  2021 – 2025 do Văn phòng Điều phối NTM Trung ương triển khai, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lựa chọn 2 xã để thực hiện thí điểm và xã Quảng Thọ huyện Quảng Điền tỉnh tiến hành thí điểm với mô hình xã thông minh – kết nối đô thị thông minh. Dựa vào định hướng phát triển cũng như những lợi thế, mức độ sẵn sàng về ứng dụng công nghệ thông tin của địa phương, mô hình xây dựng xã thông minh với các mục tiêu chính như: Hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Ngoài ra, xã thông minh Quảng Thọ còn có hệ thống giám sát môi trường để phục vụ nuôi trồng thuỷ hải sản, quảng bá du lịch nông thôn bằng công nghệ VR3D mapping…

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết: Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã sớm có chủ trương thí điểm triển khai xây dựng mô hình "xã thông minh", thí điểm tại xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc và xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Hiện mô hình thí điểm đang ở những bước đầu tiên nhưng đã thể hiện được một số ưu việt của mô hình như: Hỗ trợ được việc điều hành chính quyền cấp xã thông qua phòng giám sát điều hành xã thông minh giúp cho chính quyền cấp xã bao quát được các vấn đề về an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, dự báo về môi trường, chia sẽ dữ liệu quan trắc, giám sát các dữ liệu phục vụ cho nuôi trồng, sản xuất tại địa phương phục vụ cho việc quản lý, điều hành một cách khoa học và chặt chẽ. 

Chuyển đổi số sẽ là cơ hội thúc đẩy mọi ngành nghề phát triển trong đó có các sản phẩm đạt chuẩn trong sản xuất nông nghiệp

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã tham gia ý kiến, góp ý thêm cho mô hình xã thông minh kết nối dịch vụ đô thị thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng đây là mô hình điểm ưu việt và hiệu quả, cần sớm nhân rộng mô hình trên toàn quốc. Cùng với đó là một số ý kiến về những khó khăn trong quá trình xây dựng thí điểm mô hình làng thông minh ở một số địa phương khác. Muốn triển khai được mô hình cần đồng bộ nhiều giải pháp như: Cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới, cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp và các chủ thể phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP; Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ, phục vụ cho quá trình ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số ở nông thôn…Chính sự hoàn thiện đồng bộ  nhằm tạo ra sự kết nối, chia sẻ giữa các cấp, các đơn vị để phục vụ công tác quản lý, giám sát đánh giá quá trình xây dựng và đưa nông thôn mới Việt lên tầm cao mới./.

*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương.
 

Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản
T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam vừa ký thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025.