Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xây dựng thương hiệu bằng sản phẩm chất lượng

Tuệ Anh - 07:14 03/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với cách rèn dao độc đáo, tạo ra những sản phẩm chất lượng, bền lâu đã giúp những người thợ rèn ở làng nghề Phúc Sen (huyện Quảng Yên, tỉnh Cao Bằng) không chỉ có cuộc sống ấm no mà còn gìn giữ được những giá trị văn hóa làng nghề “cha truyền, con nối” từ bao đời nay.
Anh Lương Văn Cường giới thiệu sản phẩm của gia đình.

Kỹ thuật rèn dao độc đáo

Làng rèn Phúc Sen (xã Phúc Sen) được hình thành từ 6 xóm: Phia Chang trên, Phia Chang dưới, Đầu Cọ, Pác Rằng, Tình Đông và Lũng Vài. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng An, nổi tiếng cần cù, chịu khó. Cho tới nay, ở Phúc Sen vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống trong đó có nghề rèn dao.

Hiện xã có khoảng hơn 120 lò rèn. Với cách rèn dao của đồng bào ở đây thì không có vùng nào bắt chước được và nổi tiếng khắp cả nước với câu nói “dẻo mà không mềm, cứng mà không giòn”.

Anh Lương Văn Cường (43 tuổi), làm nghề thợ rèn được 28 năm cho biết: "Thợ rèn chúng tôi vẫn duy trì cách rèn dao búa bằng than củi, vì dùng than củi rất dễ điều chỉnh nhiệt độ của lò nung. Nhờ vào đôi mắt tỏ tường cùng kinh nghiệm của mình, người thợ có thể xác định được độ chín của sản phẩm để kịp nhúng vào nồi nước tôi ngay bên cạnh, đây là giai đoạn quyết định đến chất lượng của sản phẩm sau này". 

Khi nói về sự khác biệt trong cách tạo ra các sản phẩm, anh Cường chia sẻ: “Khác biệt ở cách chọn nguyên liệu, trong các làng rèn khác, nguyên liệu chính là phôi thép nên khi sử dụng dễ bị sứt hoặc mẻ. Nhưng tôi cũng như các thợ rèn ở đây thường thu mua lá nhíp ô tô để làm nguyên liệu. Nguyên liệu bền chắc và cứng nhất vẫn là lá nhíp xe U-oát của Nga. Thứ hai, người ta thường dùng than đá để nung thì chúng tôi lại dùng than củi từ các loại gỗ cứng. Lò nung thép được làm bằng đá, dùng rơm và trấu làm chất liệu để xây lò”.

Sau khi lựa chọn được nguyên liệu, người thợ rèn bắt đầu công việc tạo sản phẩm. Để tạo thành một con dao hoàn chỉnh, chất lượng cần trải qua 4 công đoạn chính: Cắt thép và dùng búa tán thành hình định trước, tôi thép, ram thép và mài thành phẩm. 

Trong đó, tôi thép và ram thép là hai công đoạn chính. Tôi thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh thép nhằm nâng cao độ cứng và tính mài mòn cho dao, nâng cao độ bền cho dao. Đây là giai đoạn quan trọng và chỉ có người thợ lành nghề, nhiều kinh nghiệm mới cảm nhận được, bởi mắt nhìn không chuẩn thì sản phẩm sẽ bị dẻo do nung còn non hoặc giòn do nung quá già. Và nước để tôi dao bao gồm rất nhiều thành phần và cũng là một trong các bí quyết thành công của làng nghề. Còn ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua tôi dưới nhiệt độ giới hạn, chỉ có những người thợ giỏi và lành nghề mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào màu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội...

Du khách tham quan làng nghề rèn dao Phúc Sen (Quảng Yên, Cao Bằng).

Nghề “cha truyền con nối” - cách để gìn giữ giá trị văn hóa

Anh Lương Văn Cường chia sẻ: Theo quan niệm của người Nùng từ xa xưa có dạy, làm dao phải làm gia truyền thì mới bền lâu. Bởi vậy nên hàng trăm năm nay làng nghề vẫn duy trì cách truyền nghề như vậy. “Như tôi, từ bé đã được tiếp xúc với nghề rèn. Khi đến 15 tuổi, tôi đã có thể giúp ông nội và bố cầm búa, giữ cho họ rèn, đã tập làm và đến năm 20 tuổi đã có thể tự làm một mình đầy đủ các công đoạn”.

“Để học được nghề rèn, người thợ phải có sức khỏe, phải biết dùng tay, dùng sức, sự cảm nhận và đặc biệt là sự nhạy bén của đôi mắt. Quan trọng nhất là học nghề phải có tâm thì dao mới bền và sắc. Bởi vì, theo cách nghĩ của người làm nghề rèn hình dáng của dao không quan trọng  bằng chất lượng sản phẩm. Hình dáng thì có thể sửa đổi được nhưng độ sắc chỉ rèn được một lần. Vì vậy, chỉ có cha truyền con nối mới giúp người dạy hết lòng chỉ bảo và người học lĩnh hội được những tinh hoa của nghề rèn” - anh Cường cho biết thêm.

Làng nghề rèn Phúc Sen không chỉ có dao mà còn có nhiều sản phẩm khác như kéo, quốc, liềm, thuổng… Về hình thức, sản phẩm có thể không được đẹp và bóng,  nhưng lại vượt trội về độ sắc bén và bền chắc. Chính vì vậy, sản phẩm được nhiều bà con tin dùng. Tiếng lành đồn xa, cho đến nay, sản phẩm của làng rèn đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước kể cả sang Trung Quốc.

Theo anh Cường: "Vì nguyên liệu làm bằng nhíp ô tô nên thời gian để hoàn thành một sản phẩm cũng lâu hơn, một ngày hai anh em nhà tôi làm cật lực cũng chỉ được khoảng 4 con dao. Hàng làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thu nhập cũng đủ nuôi sống gia đình. Có nhiều khách ở tận miền Nam, miền Trung và Trung Quốc… cũng tin tưởng và đặt mua về dùng".

Từ khi dịch bệnh Covid - 19 khởi phát đến nay, lượng khách ở dưới xuôi mua ít nên bán hàng số lượng hạn chế, thu nhập cũng giảm. Vì vậy, gia đình anh cũng sử dụng thêm công nghệ thông tin, mạng xã hội như facebook, zalo, để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thêm nguồn khách hàng.

Từ kinh nghiệm làm nghề, anh Cường cũng hướng dẫn thêm về cách sử dụng dao sao cho bền: “Một sản phẩm dao có thể sử dụng được 20 năm nếu sử dụng đúng chức năng. Khi mua, nên dựa vào mục đích sử dụng để lựa chọn, ví dụ dùng để thái thì mua dao chuyên thái, còn cần chặt thì dùng dao chuyên chặt và sau một thời gian sử dụng cũng cần mài lại tạo độ sắc bén”.

Chia sẻ về những mong muốn được tạo ra nhiều sản phẩm tốt, chuẩn, đúng thương hiệu của làng Phúc Sen để quảng bá đến khách hàng gần xa biết đến, anh Lương Văn Cường vẫn còn băn khoăn: “Hiện nay, nhiều người chạy theo lợi nhuận mà làm giả hàng của làng nghề Phúc Sen. Chính vì vậy, tôi rất mong được chính quyền quan tâm có trách nhiệm, có quy chuẩn để xác định sản phẩm, thương hiệu để giúp làng nghề giữ được và nâng cao thu nhập cho người làm nghề như chúng tôi”.

Nhằm duy trì nghề truyền thống không chỉ để giữ gìn bản sắc, mà còn giúp bà con ở Phúc Sen nâng cao đời sống, phát triển kinh tế. Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có những phương hướng cụ thể như tuyên truyền cho bà con để nâng cao chất lượng sản phẩm, thứ hai là đưa sản phẩm dao Phúc Sen tới các hội chợ của các tỉnh khác và giới thiệu rộng rãi trên cả nước. Đồng thời đưa vào quảng bá trong kế hoạch làng du lịch cộng đồng để khách du lịch có thể được trải nghiệm và biết tới nghề rèn truyền thống của Phúc Sen.