Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xuất hiện nhiều mô hình VAC hiệu quả ở Đức Linh

15:41 17/07/2020 GMT+7

Các địa phương trong tỉnh Bình Thuận hiện đang tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là cải tạo vườn và xây dựng nông thôn mới như mô hình sử dụng đệm lót sinh học, chăn nuôi gia cầm an toàn, trồng rau sạch trong nhà lưới… mang lại hiệu quả cao. Một trong số các điển hình đó là ở huyện Đức Linh.

Mô hình nuôi cá thát lát ở huyện Đức Linh.

Lựa chọn mô hình phù hợp

Theo Phòng NN&PTNT huyện Đức Linh, đến nay toàn huyện có 24 trang trại, gồm 2 trang trại tổng hợp, 22 trang trại chăn nuôi và khoảng trên 200 gia trại vừa và nhỏ. Tất cả các trang trại hoạt động có hiệu quả và cho thu nhập cao. Diện tích đất canh tác bình quân của mỗi trang trại trên 3ha, bình quân mỗi trang trại giải quyết việc làm cho 2-4 lao động thường xuyên và 5-10 lao động thời vụ. Trong đó, các trang trại chăn nuôi có ký kết hợp đồng, đầu ra ổn định. Đối với các gia trại bán qua thương lái, thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Cây trồng chủ lực của huyện Đức Linh nhiều năm nay là lúa, điều, tiêu, cao su và con nuôi chủ lực là heo, gia cầm… Bình quân mỗi năm huyện bố trí diện tích gieo trồng cây ngắn ngày trên 26.000ha. Một trong những lý do tạo nên thành công của mô hình vườn ao chuồng (VAC) trên địa bàn là nhờ các hộ dân năng động, tìm tòi học hỏi xây dựng các mô hình phù hợp để phát triển kinh tế hộ.

Một trong những mô hình chiếm ưu thế của địa phương phải kể đến mô hình làm vườn. Huyện phát triển khá đa dạng kể cả cây lâu năm và cây hàng năm, nhưng chiếm diện tích lớn chủ yếu là một số cây ăn quả, cây điều, cây hồ tiêu. Hiện nay địa bàn huyện có trên 1.200ha cây hồ tiêu, trên 1.800ha cây ăn quả với chủng loại là sầu riêng, bưởi da xanh, xoài và một số cây ăn quả tập trung khác như bơ, mãng cầu, cam, quýt. Vùng sản xuất cây ăn quả tập trung ở xã Đa Kai, Đông Hà, Đức Tín, Mê Pu. Thu nhập từ cây ăn quả tương đối khá, khoảng trên 10 triệu đồng/ha/năm.

Đối với cây xoài, bưởi, thu nhập bình quân trên 70 triệu đồng/ha/năm. Tiêu biểu có một số mô hình trồng bưởi da xanh của ông Nguyễn Duy Khang, thành viên Hợp tác xã bưởi da xanh Đông Hà với diện tích 2ha, cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Hay như hộ ông Võ Văn Lộc, ông Châu Văn Hưng ở thôn 10, Đa Kai trồng cây sầu riêng cho thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng/năm/ha.

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng của anh Nguyễn Hoài Đức, xã Đức Tín.

Biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Đáng nói, việc phát triển mô hình VAC trên địa bàn huyện được đầu tư vốn ngoài ngân sách nhà nước, chủ yếu do doanh nghiệp và nông dân tự đầu tư. Bên cạnh, còn có sự hỗ trợ của nhà nước từ nguồn vốn nông thôn mới, khoa học công nghệ. Cộng với điều kiện đất đai, nguồn nước thích nghi là điều kiện để phát triển các mô hình VAC. Tuy vậy, theo chia sẻ của địa phương và các hộ dân, hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu do nông dân tự xoay xở, chưa được doanh nghiệp liên kết đầu tư tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Mặt khác, cơ hội tiếp cận các nguồn vốn còn hạn chế, gây khó khăn cho việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nhất là khả năng thay thế thiết bị, máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất.

Do vậy, để mô hình VAC ngày càng phát huy hiệu quả, nông dân trong tỉnh nói chung và Đức Linh nói riêng mong muốn xây dựng và đưa vào hoạt động các mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng, gắn với bảo vệ môi trường và chương trình cải tạo vườn tạp của địa phương, đặc biệt là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất.

Tại xã Đức Tín, nhiều nông dân đang thực hiện mô hình nuôi dê nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế khá. Những năm qua, giá dê luôn ở mức cao và ổn định nên nhiều nông dân ở xã Đức Tín, huyện Đức Linh đã mạnh dạn chuyển từ nuôi các con vật khác sang nuôi dê. Thế nhưng, không giống với những nơi khác, ở Đức Tín hầu hết các hộ nuôi dê theo kiểu nhốt chuồng. Chuồng nuôi được làm bằng gỗ cao ráo, thoáng mát và sạch sẽ nhằm hạn chế vật nuôi có thể bị bệnh. Dê hầu như chỉ ăn cỏ cây và lá cây như lá xoan, mít, hay lá keo, lá xoài, vì vậy chi phí cho phần thức ăn không nhiều, lại không phải tốn nhiều công chăm sóc. Hơn nữa giá cả cao, ổn định nên người nuôi có thu nhập cao.

Anh Nguyễn Hoài Đức, một trong những hộ nuôi dê có số lượng lớn ở xã Đức Tín cho biết: “Trước đây tôi chỉ nuôi với số lượng nhỏ lẻ, nhưng sau đó đã phát triển đàn, có thời điểm lên tới 700 – 800 con. Mỗi năm dê mẹ sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 2 con, sau khi nuôi được khoảng nửa năm dê con đạt trọng lượng từ 25 – 30kg, nếu chăm sóc tốt hơn có thể đạt 35kg. Với giá bán trên thị trường 100.000 đồng/kg thịt hơi, bình quân mỗi năm đàn dê của tôi cho thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng”…

Còn anh Nguyễn Hoàng Dũng, ở thôn 9, xã Đức Tín chia sẻ: “Nuôi dê ít bị bệnh hơn so với những vật nuôi khác, tuy nhiên trong quá trình chăm sóc phải hết sức chú ý đến việc vệ sinh phòng bệnh, nhất là phải chú ý đến vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chuồng phải làm cao ráo, thoáng mát. Nuôi dê xoay vòng vốn nhanh”.

Ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Tín cho biết: “Hiện ở xã có khoảng 25 hộ nuôi, hộ nhiều nhất cũng nuôi 700 – 800 con, hộ ít nhất cũng vài ba chục con. Hàng năm xã tổ chức các lớp tập huấn nhằm giúp cho bà con nông dân nắm vững hơn về kỹ thuật cũng như cách chăm sóc dê để đạt hiệu quả cao. Việc phát triển nuôi dê hộ gia đình cũng đang góp phần giúp địa phương đạt được các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về thu nhập, tiêu chí hộ nghèo”…

Ngoài hiệu quả các mô hình kể trên, hiện Đức Linh đang phát triển các mô hình vườn rau như bầu, bí, khổ qua, dưa leo… Diện tích vườn tập trung ở xã Trà Tân, Đông Hà, cho doanh thu khá cao, bình quân 180 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, có hợp tác xã (HTX) rau an toàn Tiến Phát ở xã Vũ Hòa, HTX Dưa lưới xã Mê Pu đã áp dụng quy trình sản xuất công nghệ cao, bước đầu cho doanh thu khá.

Diện tích phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn huyện Đức Linh chủ yếu tập trung ở các xã Đức Chính, Nam Chính, Võ Xu. Người dân đã tận dụng các ao bàu tự nhiên kết hợp trồng lúa, nuôi cá và trồng sen. Một số hộ ở Nam Chính trồng lúa, kết hợp nuôi vịt cho hiệu quả khá. Điển hình như hộ ông Huỳnh Hữu Sơn ở xã Đức Chính trồng lúa, kết hợp chăn nuôi vịt cho doanh thu khoảng 80 triệu đồng/ha/năm.

 “Định hướng phát triển nông lâm, thủy sản của huyện năm 2020- 2025 sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tiếp tục phát huy hết tiềm năng về đất đai, thổ nhưỡng của địa phương. Đồng thời, bố trí chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, bố trí đối tượng cây trồng và vùng sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và đúng thời vụ”.

Ông Trương Quang Đến – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Linh.

Bài, ảnh: Kiều Hằng