Liên quan tới vấn đề nêu trên, báo cáo phân tích chiến lược năm 2019 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu rõ: Khu vực ĐBSCL có điều kiện sinh thái thuận lợi cho việc nuôi cá tra quy mô lớn. Bên cạnh đó, công nghệ canh tác tiên tiến cho ra sản phẩm cá tra thịt trắng, là lựa chọn yêu thích của người tiêu dùng. Các nước khác như Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và Indonesia cũng đang sản xuất cá tra thịt vàng có giá trị thấp và khối lượng chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước.
Trong khi đó, rào cản ở thị trường Hoa Kỳ cũng đã giảm bớt. Việt Nam đã vượt qua các cuộc kiểm tra thực địa của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), bước quan trọng nhất trong quy trình đánh giá tương đương ban đầu được thiết lập bởi Cơ quan Kiểm định và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (trực thuộc USDA). Ngoài ra, thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với cá tra trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14) thấp hơn đáng kể so với POR 13. Do đó, khối lượng XK cá tra sang thị trường Hoa Kỳ có thể tăng mạnh trong năm 2019.
Thúc đẩy chế biến sâu
Dù được nhận định chế biến, XK cá tra có nhiều thuận lợi trong năm 2019, song theo ông Nguyễn Hoài Nam-Phó Tổng Thư ký VASEP, thách thức với ngành cá tra vẫn còn, điển hình như các chương trình về kiểm soát NK tại khu vực châu Âu, Hoa Kỳ…
Còn theo ông Trần Đình Luân-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), các nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam đều đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn mà các nước NK “khó tính” như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU đã đánh giá và công nhận. Tuy nhiên, mục tiêu là phải chế biến sâu, tận dụng sản phẩm còn lại của chế biến để sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng. “Tổng cục Thủy sản đang cùng DN xây dựng thương hiệu cá tra phi lê chất lượng cao; nghiên cứu, bổ sung thêm hàm lượng các chất dinh dưỡng để chất lượng cá tra phi lê cao hơn; cải tiến quy trình công nghệ chế biến để sản phẩm cá tra phi lê XK chất lượng tốt hơn”, ông Luân cho biết.
Theo Bộ NN&PTNT: Trong năm 2018, không chỉ tăng trưởng XK ấn tượng mà mặt hàng cá tra còn ghi nhận có sự tăng trưởng phát triển vượt bậc về diện tích nuôi khi đạt con số 5.400 ha (tăng 3,3% so với năm 2017); sản lượng 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với năm 2017. Năm 2018, ngành thủy sản đã tổ chức thay thế 30 nghìn con đàn cá bố mẹ, chọn lọc giống được tăng cường. Do đó, chất lượng con giống cá tra đã từng bước được cải thiện, hoạt động sản xuất ương giống, nuôi cá tra thương phẩm đã cơ bản được kiểm soát nhằm ngăn ngừa tình trạng ồ ạt mở rộng diện tích nuôi cá tự phát từ năm 2017.
Xung quanh câu chuyện chế biến, XK cá tra đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng năm 2019, bà Lan nêu quan điểm: Với thủy sản nói chung, cá tra nói riêng, VASEP đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, có hoạt động ngoại giao cao cấp để tháo gỡ rào cản chống bán phá giá; hỗ trợ DN cập nhật, nâng cao hiểu biết về thị trường XK, đặc biệt là thị trường trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và những quy định pháp lý mới khi Hiệp định EVFTA được thông qua. “Hiện, thủy sản của Việt Nam nói chung đã có mặt trên 160 quốc gia. Trong khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và các nước đối thủ có sự đầu tư mạnh tay thì ngân sách mà Việt Nam đầu tư cho ngành hàng này khá khiêm tốn. VASEP đề nghị có cơ chế linh động để tăng nguồn tiền dành cho xúc tiến thương mại, giúp thủy sản Việt Nam tiếp cận sâu hơn nhà NK và người tiêu dùng cuối cùng”, bà Lan nói.