Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản hướng đến 50 tỉ USD

Chu Khôi - 11:27 23/02/2022 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản cả nước năm 2022 sẽ cán mốc 49 tỉ USD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu của ngành trong năm 2022 sẽ có nhiều cơ hội giữ được đà tăng trưởng cao để vượt qua mốc 50 tỉ USD (đô la Mỹ).
Xuất khẩu Thủy sản được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong năm 2022.

Năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản như: Tình trạng thiếu hụt lao động do nhiều người phải cách ly, dịch vụ hậu cần thương mại (logistics) bị đứt gãy, thiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải do đường hàng không, đường thủy bị thu hẹp… Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của toàn ngành Nông nghiệp, từ các doanh nghiệp, nông dân, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2021 đạt kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020 (41,25 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu nông sản chính đạt 21,49 tỉ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính đạt 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản đạt trên 8,89 tỉ USD, tăng 5,6% và chăn nuôi đạt 434 triệu USD, tăng 2,1%.

Lâm sản kỳ vọng đạt mốc 18 tỉ USD

Đối với xuất khẩu gỗ và đồ gỗ, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay: Năm 2021, đã từng có thời điểm bức tranh của ngành gỗ bị bao phủ bởi màu xám, bởi nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ phải đóng cửa, người lao động không có việc làm đành rời công ty trở về quê. Trong khi đó, việc chậm trễ giao hàng cho đối tác đã khiến kim ngạch xuất khẩu lao dốc.

Lúc đó, có một số dự đoán đưa ra rằng thành quả của ngành trong thập kỷ qua có thể sẽ đảo chiều, thậm chí rơi vào suy thoái. Thế nhưng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lập kỷ lục 14,8 tỉ USD, tăng 18% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ đạt 10,9 tỉ USD, tăng 14%; xuất khẩu gỗ các loại là 3,9 tỉ USD, tăng 28% so với năm 2020.

Năm 2021 là năm đầu tiên xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để chiếm ngôi “đầu bảng” ở thị trường Mỹ. Theo Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), 10 tháng năm 2021, nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Mỹ đạt 20,4 tỷ USD, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung cấp đồ gỗ nội thất lớn nhất cho Mỹ, đạt 7,9 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2020, Trung Quốc bị đẩy xuống vị trí thứ hai, khi kim ngạch chỉ đạt 4,3 tỷ USD.

Ông Đỗ Xuân Lập dự báo, xuất khẩu lâm sản có thể vượt qua mốc 18 tỉ USD năm 2022, trong đó xuất khẩu gỗ và đồ gỗ có thể sẽ đạt 16- 16,8 tỉ USD. Tuy nhiên trong thời gian tới, với sự chuyển dịch của chuỗi cung, sức ép các thị trường nhập khẩu và nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp đòi hỏi ngành Gỗ phải có những bước đột phá. 

“Năm 2022, các doanh nghiệp trong ngành Gỗ cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại nhà máy nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi phương thức giao hàng, đóng gói hàng khi xuất khẩu. Trong bối cảnh giá thuê container và cước phí tàu biển cao, thay vì cho cả bộ bàn ghế, giường tủ, tủ bếp vào container, thì cần chuyển sang hình thức giao hàng theo các bộ phân tách rời, nhằm tiết kiệm diện tích container, giảm chi phí vận chuyển”, ông Đỗ Xuân Lập khuyến cáo. 

 Xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã có những bứt phá trong năm 2021 .

EVFTA tạo lợi thế xuất khẩu thủy sản

Ngành Thủy sản vừa qua phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid -19 diễn biến trầm trọng tại khu vực nuôi trồng và chế biến thủy sản chủ lực là  Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng xuất khẩu thủy sản đã cán đích với 8,9 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2020 và tăng 4,6% so kế hoạch. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỷ USD; cá tra đạt 1,55 tỷ USD.

Triển vọng năm 2022, ngành Thủy sản sẽ có cơ hội đạt tăng trưởng cao. Nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới tăng đang tạo ra tiềm năng tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Báo cáo triển vọng nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) cho biết, tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới dự kiến là 21,2kg vào năm 2030, tăng từ mức trung bình 20,5kg trong giai đoạn 2018-2020. Tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người sẽ tăng 3,6% trong giai đoạn 2020-2030. Dự kiến sản lượng thủy hải sản tiêu thụ sẽ mở rộng trên tất cả các châu lục, được thúc đẩy bởi thu nhập ngày càng cao, đô thị hóa, mở rộng sản xuất, cải thiện kênh phân phối, đổi mới sản phẩm, cùng với việc người tiêu dùng ngày càng công nhận thủy hải sản là thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng. Theo dự báo của OECD và FAO, đơn giá sản xuất thủy sản nuôi trồng trên danh nghĩa sẽ tiếp tục tăng trưởng 15% từ năm 2021 đến năm 2030. Năm 2022, giá một đơn vị thủy sản nuôi trồng dự kiến sẽ tăng 6,3% lên khoảng 3.200 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ tăng 10% so với năm 2021 lên 4,3 tỷ USD vào năm 2022. Các doanh nghiệp Việt Nam đã điều chỉnh sản xuất linh hoạt để phù hợp với đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi nắm bắt được nhu cầu ngày càng tăng tại thị trường Mỹ. Một trong những lợi thế cho tôm là Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu từ Ấn Độ từ 3% lên 7,15% vào tháng 11/2021, đã nâng cao lợi thế cạnh tranh cho các nước đối thủ khác; trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) hỗ trợ Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh tại EU vào năm 2022. Trong năm 2021, Ecuador, Ấn Độ  và Việt Nam là 3 nước xuất khẩu tôm lớn nhất sang EU. So với Ấn Độ, Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn từ thuế xuất khẩu. Theo EVFTA, đối với tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, thuế suất đối với tôm sú là 0%, trong khi thuế đối với tôm thẻ chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% cho đến năm 2025. Trong khi Ecuador tập trung vào sản phẩm tôm có vỏ và không đầu, thì Việt Nam nổi tiếng là nhà cung cấp đối với tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương và sản phẩm giá trị gia tăng. Điều này tạo dư địa cho Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường EU. 

Không chỉ thuận lợi với xuất khẩu tôm, VASEP ước tính xuất khẩu cá tra năm 2022 cũng sẽ đạt mục tiêu khoảng 1,65 tỷ USD, tương ứng mức tăng 7% so với năm 2021.

Sơ chế quả thanh long trước khi xuất khẩu.

Xuất khẩu rau quả sẽ gặp khó ở thị trường Trung Quốc

Năm 2021, xuất khẩu rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam, đạt 1,9 tỷ USD. Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn chiếm 54,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, tuy nhiên đã giảm mạnh so với năm 2020. Năm 2021, Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu”, và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”. Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Với hàng rào kỹ thuật bị siết chặt,  khiến xuất khẩu nông sản nói chung, đặc biệt là mặt hàng rau quả vốn là loại nông sản không thể bảo quan được lâu sẽ ngày càng khó khăn khi xuất khẩu vào Trung Quốc. 

Tình trạng hàng hóa nông sản ùn ứ, tắc nghẽn tại cửa khẩu vốn đã xảy ra thường xuyên từ nhiều năm, thì hiện tại càng trầm trọng hơn những năm trước. Tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn (như: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma...) đã kéo dài từ đầu tháng 12/2021 đến nay vẫn là vấn đề nổi cộm. Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc hàng hóa nông sản ở cửa khẩu đã diễn ra nhiều năm mà vẫn chưa được giải quyết, các chuyên gia cho rằng, do Việt Nam và Trung Quốc chưa ký Nghị định thư xuất khẩu nông sản, nên hiện nay 100% hàng rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc đều phải chờ cơ quan Hải quan phía Trung Quốc kiểm tra, gây ảnh hưởng đến tiến độ thông quan. 

Muốn chấm dứt tình trạng này, các chuyên gia khuyến cáo: Bộ NN&PTNT cần sớm ký kết Nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần sớm trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc thống nhất phương pháp khử khuẩn, xét nghiệm và kiểm dịch thực vật. Các địa phương cần tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn các vùng sản xuất hàng hóa sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển.