Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

An Giang: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ đưa nhân sự trẻ về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp

Vân Nguyễn- Ngọc Đại - 14:51 23/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại tỉnh An Giang đã trở nên phổ biến và đạt được hiệu quả cao. UBND tỉnh đã có nhiều chính sách, hỗ trợ cho các nhân sự trẻ về làm việc tại các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới khoa học - công nghệ được tỉnh An Giang xác định là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm, đột phá để đưa nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo phương châm “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Các công nghệ được lựa chọn để đưa vào ứng dụng, gồm: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, nhà màng, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ tuần hoàn nước, công nghệ cảm biến, tự động hóa… Qua đó, giúp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng.

Toàn tỉnh An Giang hiện có 33 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, như: Máy bay không người lái (Drone) sạ lúa, phun thuốc trên đồng ruộng; trồng dưa lưới, rau màu trong nhà màng; hệ thống tưới phun tự động kết hợp phun thuốc; hệ thống tưới sử dụng pin năng lượng mặt trời; canh tác xoài, rau màu, lúa theo tiêu chuẩn VietGAP... Có 9 mô hình sản xuất lúa ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng Drone 3 trong 1, thiết bị gieo sạ cụm gắn doanh nghiệp tiêu thụ. Ngành Nông nghiệp tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị ở hầu hết các ngành hàng chủ lực, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.

Mô hình sản xuất “Mặt ruộng không dấu chân” được áp dụng tại tỉnh An Giang. Ảnh: ĐVCC

Ông Tầng Phú An, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang cho biết: Nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đóng góp tích cực trong việc tăng hàm lượng KH&CN đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh An Giang, qua đó, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương.

Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, năng suất cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, đưa An Giang trở thành một trong những tỉnh có lượng lúa gạo, cây ăn trái, cá tra, tôm càng xanh đứng hàng đầu trong cả nước. Đồng thời, duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành, tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Trong lĩnh vực trồng trọt, nông dân gia tăng trồng giống lúa mới, năng suất và chất lượng cao; áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; đẩy mạnh thu hoạch lúa bằng cơ giới hóa; tăng cường phân bón hữu cơ vi sinh…  Triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi nhằm cải thiện đàn giống gia súc, gia tăng chất lượng, giảm thời gian chăn nuôi, tăng chu kỳ vòng quay đồng vốn.

Một trong số những huyện của tỉnh An Giang khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp gặt hái được nhiều hiệu quả là thị xã Tân Châu. Các ngành chức năng, lãnh đạo thị xã Tân Châu luôn khuyến khích nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, hỗ trợ 68 mô hình phát triển sản xuất gắn với công nghệ cao, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tổng số tiền hỗ trợ 6,1 tỷ đồng.

Bà Võ Thị Loan, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Tân Châu cho biết: Thị xã Tân Châu có diện tích đất sản xuất trên 12.000ha, trong đó diện tích hoa màu 1.250ha, cây ăn trái 1.400ha, còn lại là đất trồng lúa, lúa chất lượng cao trên 90%. Những năm qua, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, năng suất lúa bình quân trên địa bàn không ngừng tăng lên, đạt 6,7 tấn/ha, góp phần nâng cao thu nhập của người dân đạt 67 triệu đồng/người/năm.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, giúp tăng sản lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Song song với việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, thời gian gần đây tỉnh An Giang đang thực hiện nhiều chính sánh để hỗ trợ đưa nhân sự trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp. Trong đó, có Quyết định 900/QĐ-UBND, ngày 31/5/2024 UBND tỉnh về phê duyệt danh sách HTX nông nghiệp được hỗ trợ trả lương nhân sự trẻ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, tỉnh An Giang sẽ bố trí 32 nhân sự trẻ cho 32 HTX nông nghiệp (19 nhân sự đã bố trí; 13 nhân sự đang hoàn chỉnh hồ sơ, chuẩn bị hỗ trợ đưa về HTX).

Theo ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết: Kế hoạch giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh An Giang dự kiến hỗ trợ trả lương, bố trí 60 nhân sự trẻ cho 60 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; mức lương hỗ trợ bằng 1,5 lần lương tối thiểu vùng theo quy định. Tuy nhiên, số lượng nhân sự bố trí thực tế đến nay mới đạt hơn 50% chỉ tiêu. Khó khăn là công tác bố trí nhân sự trẻ hiện chưa đạt yêu cầu; nhiều HTX thiếu cơ sở vật chất, trụ sở hoạt động, vốn góp thành viên còn thấp nên sản xuất - kinh doanh chưa hiệu quả; kinh phí hoạt động một số HTX còn hạn chế...

Mục đích việc đưa nhân sự trẻ về các HTX nhằm nâng cao hoạt động của mô hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu sang kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và thông minh. Kiến thức và nhiệt huyết của những nhân sự trẻ được kỳ vọng sẽ kết hợp với kinh nghiệm của Hội đồng quản trị, hòa đồng cùng HTX để từng bước thay đổi phương thức hoạt động, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả, thu hút nhiều thành viên góp vốn tham gia.