Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

An Giang: Rừng Tràm Trà Sư và Cầu tre trong rừng tràm đón nhận kỷ lục Việt Nam

19:59 17/01/2020 GMT+7
Ngày 15/1/2020, tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang, Sở NN&PTNT kết hợp với Công ty Cổ phần Du kịch An Giang tổ chức Lễ đón nhận Kỷ lục Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận cho 2 hạng mục: “Rừng Tràm Trà Sư đẹp – rừng tràm đẹp và nổi

Ngày 15/1/2020, tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang, Sở NN&PTNT kết hợp với Công ty Cổ phần Du kịch An Giang tổ chức Lễ đón nhận Kỷ lục Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận cho 2 hạng mục: “Rừng Tràm Trà Sư đẹp – rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam để du lịch vào mùa nước nổi” và “Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam” do Công ty Cổ phần Du lịch An Giang đầu tư.

Quang cảnh Lễ đón nhận kỷ lục Việt Nam. Ảnh: Vân Nguyễn

Với chiều dài gần 4.000m, sử dụng trên 500.000 cây tre các loại, chiếc cầu tre trong rừng tràm Trà Sư được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam”. Điểm nhấn cho toàn bộ khu du lịch Rừng Tràm Trà Sư là “Cây Cầu tre vạn bước” có tổng chiều dài trên 10km, kinh phí hơn 10 tỷ đồng chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I có chiều dài gần 4 km, sử dụng trên 500.000 cây tre các loại, kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng, đã được đưa vào sử dụng ngày 1/1/2020. Giai đoạn II, có chiều dài khoảng 6km, sẽ được nhà đầu tư tiếp tục triển khai và dự kiến hoàn thành vào 30/4/2020.

Cầu tre đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu rừng tràm từ khi được đưa vào khai thác, thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách nhất là khách quốc tế. Cây cầu tre được cách điệu tựa “Rồng trúc bạch”  mang lại một cảm giác thích thú cho mọi người khi được khám phá trọn vẹn cảnh quan thiên nhiên nguyên sinh trù phú ở “Bảo tàng Tràm nhiệt đới”. Năm 2019, đã có hơn 200.000 du khách đến với Trà Sư và dự kiến, lượng du khách đến An Giang tăng đột biến khi Rừng Tràm Trà Sư có sự thay đổi.

Cầu tre rừng Trà Sư tỉnh An Giang. Ảnh:Internet

Rừng Tràm Trà Sư, có tổng diện tích  845ha tọa lạc địa bàn xã Văn Giáo huyện Tịnh Biên và một phần của xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú. Đúng như tên gọi, tràm là cây đặc hữu và chiếm ưu thế trong khu rừng. Do vậy, nơi đây vừa có tác dụng về môi trường nước và điều hòa khí hậu cho cả vùng Bảy Núi, vừa là nơi giữ gìn và sinh trưởng của hệ sinh thái đất ngập phèn điển hình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Vào mùa nước lũ, Rừng tràm Trà Sư là mái nhà của trên 70 loài chim, cò sinh sôi, nẩy nở. Trong đó có 2 loài có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” là cò Ấn Độ (Giang Sen) và cò cổ rắn (Điêng Điểng). Rừng tràm Trà Sư còn là nơi cư trú của 22 loài bò sát, 11 loài thú, 23 loài thủy sản và 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi và gần 80 loài dược liệu.

Việc xác lập Kỷ lục Rừng Tràm Trà Sư đẹp – rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam để du lịch vào mùa nước nổi” và “Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam” góp phần tạo thêm điểm du lịch cho thương hiệu du lịch An Giang ngày càng trở nên hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

 Vân Nguyễn