Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bà con Ba Na đón mùa mía ngọt từ cánh đồng lớn

07:55 27/01/2024 GMT+7
Đồng bào dân tộc thiểu số các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến, áp dụng mô hình sản xuất khép kín theo mô hình cánh đồng mía mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Một mùa xuân mới lại về, màu xanh bạt ngàn của mía đang trải rộng trên cánh đồng tại làng Bờ, từng là vùng đất khô khát, trồng hoa màu kém hiệu quả của xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.  

ba con ba na don mua mia ngot tu canh dong lon hinh anh 1

150 ha cánh đồng mía lớn của người Ba Na tại làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai

Anh Đinh Yong, người dân trong làng đang kiểm tra máy cắt mía đang thu hoạch tại phần đất của mình. Gia đình anh có tổng cộng  3 ha mía trong cánh đồng lớn của làng, được trồng từ năm 2017 cho tới nay, sản lượng hàng năm ổn định ở mức 200 đến 250 tấn.  Đinh Yong cho biết, việc trồng mía giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

“Gia đình mình trồng 3 ha mía từ nhiều năm nay, vụ mía năm ngoái gia đình thu được hơn 200 tấn mía, được hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì còn lại hơn 100 triệu đồng. Mía ở đây bà con trồng được bao tiêu sản phẩm, được học hỏi cách thức bón phân, chăm sóc cây mía. Đầu năm nay nhà máy cũng đã đến để thu cho bà con, dự tính cũng bán được với giá ổn định. Hiện nay gia đình cũng đã sắm được nhiều thứ giá trị như tivi, tủ lạnh, cũng sẽ sắm thêm một số thứ để ăn tết”, anh Đinh Yong cho hay.

Tương tự, chị Đinh Thị Sách cũng đã tham gia trồng 3 ha mía trên cánh đồng lớn của làng Bờ. Thay vì đến mùa vụ phải thuê nhân công chặt mía thủ công thì 2 năm nay, đơn vị thu mua đã hỗ trợ bà con bằng máy cắt mía liên hợp, mía cắt nhanh, sát gốc, giúp cây mía mọc thẳng và đều. Mía được vận chuyển đến nhà máy kịp thời, đảm bảo tươi và chất lượng tốt nhất. Cũng theo chị Sách, việc thu hoạch bằng máy đã để lại cho đồng ruộng một lượng lá mía đã được nghiền nhỏ, tạo thành phân hữu cơ cho mía vụ sau.  

ba con ba na don mua mia ngot tu canh dong lon hinh anh 2

Cơ giới hoá được áp dụng tại các cánh đồng mía lớn giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất

“Trước kia trồng mía vẫn thu hoạch thủ công, thuê nhân công làm, nhưng từ khi đưa máy vào cắt mía bà con đỡ vất vả rất nhiều. Đưa máy cắt vào hàng mía cắt xong nhìn rất đẹp, rác để lại ít, cỏ cũng bị cắt nên bà con đỡ rất nhiều công làm cỏ”, chị Sách chia sẻ.

Ông Đinh Văn Thinh, trưởng nhóm Cánh đồng mía lớn làng Bờ cho biết, bà con có thể làm được cánh đồng lớn là nhờ sự hỗ trợ chủ đạo của Dự án giảm nghèo bền vững khu vực Tây Nguyên từ năm 2017. Những người trồng mía trong mô hình này hầu hết là người nghèo, có đất nhưng trồng những loại hoa màu kém hiệu quả, hoặc trồng mía manh mún. Dù được hỗ trợ về quy trình cải tạo lại đất, mía giống, kỹ thuật và được phía mua cam kết thu mua toàn bộ khi mía đến thời kỳ khai thác, thế nhưng thời điểm ấy bà con vẫn e dè vì sợ tham gia liên kết sẽ thua lỗ nên chỉ có 20 hộ tham gia. Càng về sau, hiệu quả và tính ưu việt của cánh đồng mía lớn được phát huy, giờ đây có đến 80 hộ dân người Ba Na tại làng Bờ tham gia trồng mía với tổng diện tích lên đến 150 ha.

“Thời điểm mình tham gia làm mía thì không được nhiều bà con tham gia như thế này vì mọi người sợ về kỹ thuật, hoặc giá bán thấp. Thế nhưng dần dần các hộ tiên phong làm và có thu nhập ổn định thì bà con thấy tận mắt nên cũng quyết tâm chuyển đổi mô hình sang trồng mía. Các hộ tham gia trồng mía với giá bán ổn định như hiện nay đã hơn rất nhiều lần việc trồng củ mì như trước kia, cuộc sống nâng lên rõ rệt”, ông Đinh Văn Thinh nói.

Kbang là một trong những vựa mía lớn của tỉnh Gia Lai với diện tích khoảng 10.000 ha. Nhiều năm nay, đơn vị thu mua mía cho bà con tại địa phương – Nhà máy đường An Khê đã hỗ trợ nông dân bằng cách cơ giới hóa vào các cánh đồng mía lớn nhằm nâng cao năng suất, sản lượng đường trên đơn vị diện tích nhằm tăng thu nhập cho người trồng mía, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững cho nhà máy.

ba con ba na don mua mia ngot tu canh dong lon hinh anh 3

Mía sau khi được thu hoạch bằng máy cắt liên hợp được đưa lên xe và đưa về nhà máy, giúp chất lượng mía được đảm bảo

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết: “Khi xây dựng cánh đồng lớn, nhà máy đường An Khê đã có những chính sách giảm chi phí cho những nhóm hộ tham gia vào cánh đồng lớn từ 3-10% tùy theo diện tích. Nhà máy có định hướng nâng công suất từ 20.000 lên 25.000 tấn mía/ngày, vì thế nhân công lao động ngày càng ít đi. Nhà máy sẽ tập trung mạnh vào chương trình áp dụng cánh đồng lớn. Để làm được điều đó thì ngoài chính sách đầu tư không tính lãi suất ra thì hàng năm nhà máy đã nghiên cứu tiếp tục giảm chi phí cho từng khâu từ cày bừa, trồng..đến thu hoạch cho người trồng mía, đảm bảo giúp họ an tâm tham gia vào cánh đồng lớn mang lại hiệu quả cao nhất”.

Triển khai từ năm 2017, đến nay, huyện Kbang đã xây dựng được 8 cánh đồng mía lớn với diện tích hơn 500ha với gần 500 hộ tham gia, trong đó, liên kết cánh đồng mía lớn có tới xấp xỉ 90% hộ dân người Ba Na tham gia. Những vùng nông nghiệp hiện đại đang lớn dần ở huyện vùng xa của tỉnh Gia Lai, không ngừng nâng cao trình độ sản xuất của bà con các thôn làng, tạo dựng kinh tế bền vững.

Theo VOV