Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thương mại biên giới Việt - Trung: Kỳ vọng bước chuyển 'cửa khẩu số'

08:06 03/05/2023 GMT+7
Ghi nhận tại Lạng Sơn những ngày tháng 4, chúng tôi chứng kiến những container nhộn nhịp tiến về cửa khẩu Tân Thanh - nơi 80% lượng hàng nông sản Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đạt được kết quả rất tốt đẹp và sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã tác động tích cực đến hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa tại nhiều địa phương có cửa khẩu quốc tế như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh... Chúng tôi đã đến để chứng kiến, ghi nhận những chuyển biến tích cực trong hoạt động thương mại giữa hai nước.

Xe container nhộn nhịp tiến về cửa khẩu - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Ổn định và phát triển

Có mặt tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) những ngày tháng 4/2023, chúng tôi chứng kiến bãi xe Bảo Nguyên dành cho hàng trung chuyển xuất nhập khẩu có sức chứa gần 1.000 phương tiện đã kín, nhưng không hề lộn xộn, mất trật tự, trái lại, xe đỗ từng hàng thẳng tắp.

Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, từ ngày 8/1/2023, khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã triển khai các giải pháp nhanh chóng khôi phục thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu như trước khi có dịch bệnh.

Xe đỗ thẳng tắp tại Cửa khẩu Tân Thanh - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn duy trì qua 5 cửa khẩu: Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng và Cốc Nam; các cửa khẩu phụ, lối mở chưa được thông thương trở lại. Phương thức giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu cũng dần đi vào ổn định, bước đầu đã giảm thời gian, chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.

Trong quý I/2023, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn của tất cả các loại hình xuất nhập khẩu (kinh doanh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập) đạt hơn 10,8 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt 867,7 triệu USD (tăng 91% so với cùng kỳ năm 2022).

Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đã ký thỏa thuận xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại song phương, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại biên giới. 

Sau đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thỏa thuận nêu trên.

Nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Tổng cục Hải quan và UBND tỉnh Lạng Sơn, Cục Hải quan Lạng Sơn đã rà soát toàn bộ quy trình thủ tục, kiểm tra các trang thiết bị, đặc biệt tại các cửa khẩu, kho hàng, bến bãi bị đóng cửa tạm thời trong thời gian dịch COVID-19.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Anh Tài trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT Chính phủ

Từ đó, sắp xếp lại quy trình thủ tục tinh gọn, hiệu quả, gắn với việc thực hiện hải quan số, hải quan điện tử, nền tảng "Cửa khẩu số" của tỉnh Lạng Sơn. Vì vậy, hàng hóa được thông quan nhanh chóng, hạn chế việc ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.

Ông Phùng Văn Ba, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, do hiểu đặc thù mặt hàng nông sản xuất khẩu, Chi cục luôn chủ động thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đáp ứng mục tiêu tăng năng lực thông quan; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.

Đặc biệt, đơn vị thường xuyên trao đổi với phía Trung Quốc để nắm thông tin, tình hình liên quan đến công tác quản lý hàng hóa, kịp thời thông tin cảnh báo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giúp giảm thiểu tối đa chi phí, thời gian khi thực hiện các hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, đặc biệt đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Mặc dù các quy trình thủ tục đã được rút ngắn thời gian tối đa (do đã có hệ thống khai điện tử) nhưng Chi cục Hải quan Tân Thanh thường xuyên tăng cường làm thêm giờ; nhiều khi xử lý các thủ tục cả trưa, ngoài giờ để thông quan càng nhiều xe hàng càng tốt, cố gắng giúp doanh nghiệp, chủ hàng giảm tối đa chi phí bảo quản lạnh, bảo đảm chất lượng để không bị đối tác ép giá.

Ngoài việc tiếp nhận và kiểm tra tờ khai trên hệ thống điện tử cho các xe hàng xuất khẩu và nhập khẩu qua cửa khẩu, Hải quan cũng thường xuyên xử lý giấy tờ chuyên ngành liên quan, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn kê khai cho các chủ hàng, đại lý hải quan… khi có yêu cầu.

Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, bà Hứa Thị Hồng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cho biết, từ khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu đã trở lại bình thường như trước đây. Hàng hóa xuất nhập khẩu có xu hướng gia tăng. Thời điểm này, Chi cục có thể thông quan cho 500 đến 600 xe/ngày.

"Chúng tôi đã tập trung vào việc tăng năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu như rút ngắn thời gian thông quan, bố trí các cán bộ công chức trong dây chuyền nghiệp vụ thực hiện làm thêm giờ, để bảo đảm 100% các lô hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này nếu đã hoàn thiện các thủ tục hải quan theo quy định đều được thực xuất, thực nhập trong ngày", bà Hứa Thị Hồng khẳng định.

Đồng thời Chi cục Hải  quan Cửa khẩu Hữu Nghị cũng phát huy tối đa vai trò của Tổ tiếp công dân và Tổ giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, bảo đảm mọi vướng mắc của doanh nghiệp dược giải đáp, giải quyết trong ngày.

Lạng Sơn đã tiên phong trong cả nước triển khai nền tảng "Cửa khẩu số" - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

'Trái ngọt' từ 'cửa khẩu số'

Nhằm tạo một bước đột phá hơn nữa trong nâng cao hiệu quả thông quan, thúc đẩy thương mại biên giới, Lạng Sơn đã tiên phong trong cả nước triển khai nền tảng "Cửa khẩu số".

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, với nhu cầu hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng phát triển, lượng hàng hóa tập trung về các cửa khẩu là rất lớn. Phía Trung Quốc cũng sẽ áp dụng nhiều chính sách mới, yêu cầu hàng nông sản Việt Nam phải có đầy đủ nhãn mác, chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Việc triển khai nền tảng cửa khẩu số là một tất yếu để nâng cao hiệu quả thông quan.

Trước đây, khi thực hiện xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Lạng Sơn, doanh nghiệp phải kê khai đầy đủ thông tin về hàng hóa trên 5 loại giấy tờ khác nhau. Cùng với đó, giấy tờ này phải theo biểu mẫu của 5 đơn vị chức năng tại cửa khẩu (Hải quan, Kiểm dịch thực vật, Kiểm dịch y tế, Biên phòng, Thuế) và phải đi từng bộ phận để thực hiện các bước kiểm tra, chứng nhận…

Mặc dù, các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp bến, bãi tại cửa khẩu của tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tác nghiệp, nhưng các hệ thống công nghệ thông tin này chưa có sự liên thông, gắn kết thống nhất với nhau. Lực lượng Hải quan sử dụng phần mềm của Tổng cục Hải quan; lực lượng Bộ đội Biên phòng sử dụng phần mềm quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Sau một thời gian triển khai thực hiện thí điểm Nền tảng "Cửa khẩu số" (từ 21/2/2022), "trái ngọt" mà Lạng Sơn thu được là 100% các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đại lý hải quan, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp bến bãi đã dùng ứng dụng này, khai báo và xử lý thông tin trực tuyến khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh.

Số doanh nghiệp khai báo thông tin trực tuyến trên nền tảng này sau một năm đạt gần 240 nghìn phương tiện.

Ông Hồ Tiến Thiệu cho biết, nền tảng "Cửa khẩu số" có một số ưu điểm nổi bật, giúp cho quá trình khai nhận hàng hóa để phục vụ xuất nhập khẩu được giảm thiểu thời gian.

Trước đây, khai báo thông tin thủ công mất khoảng 30 phút mới xong một xe hàng, còn hiện nay với "Cửa khẩu số" chỉ mất khoảng 3-5 phút. Người khai có thể kê khai ở bất cứ đâu, ngay từ thời điểm đóng gói hàng hóa hoặc khi chưa vận chuyển lên biên giới.

Chính phủ giao cho Lạng Sơn làm thí điểm đầu tiên trong cả nước về chuyển đổi số cho khu vực cửa khẩu

"Cửa khẩu số" cũng giúp cho việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nếu trước đây, doanh nghiệp phải kê khai với từng lực lượng: Hải quan, biên phòng, kiểm dịch, bây giờ chỉ cần một lần kê khai thì dữ liệu đó sẽ được dùng chung cho các cơ quan.

Đồng thời làm giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, góp phần minh bạch các hoạt động ở khu vực cửa khẩu của các lực lượng chức năng, hạn chế tiêu cực có thể xảy ra, bởi vì khi thực hiện nền tảng "Cửa khẩu số" sẽ không phải tiếp xúc trực tiếp với lực lượng chức năng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đây là nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Lạng Sơn làm thí điểm đầu tiên trong cả nước về chuyển đổi số cho khu vực cửa khẩu nên chưa có tiền lệ, chưa có hình mẫu, học hỏi được ở đâu. "Vì vậy, Lạng Sơn tự nghĩ, tự xây dựng nên bước đầu gặp nhiều khó khăn, có những trục trặc nhất định khi chưa hoàn thiện", ông Hồ Tiến Thiệu nói.

"Các lực lượng chức năng đều có những phần mềm riêng để hoạt động theo chỉ đạo của ngành. Khi có nền tảng chung, ban đầu nhận thức của các lực lượng chức năng chưa có sự thống nhất. Chúng tôi đã chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin, cơ quan quản lý của tỉnh bám sát 24/24h khi có vấn đề vướng mắc theo phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp hoặc các lực lượng chức năng thì xem xét xử lý, giải quyết ngay và cố gắng giải quyết ngay trong đêm", ông Hồ Tiến Thiệu khẳng định.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn, Sở đã thành lập 7 nhóm Zalo với hơn 1.000 thành viên để hướng dẫn sử dụng, tiếp nhận các thông tin, phản ánh của doanh nghiệp và các lực lượng chức năng trong việc sử dụng nền tảng "Cửa khẩu số", tổng hợp tất cả các kiến nghị, vướng mắc, phát sinh trong quá trình sử dụng. Từ đó, đơn vị khắc phục và xử lý tại chỗ đối với những kiến nghị, đề xuất có thể giải quyết được ngay.

Thời gian đầu triển khai thí điểm, trung bình mỗi ngày, cán bộ hỗ trợ nhận được khoảng gần 300 thông tin phản ánh. Hiện tại, số lượng thông tin phản ánh giảm nhiều, hiện còn khoảng 20 phản ánh của các doanh nghiệp, lực lượng chức năng.

Tính đến nay, nền tảng "Cửa khẩu số" đã được hiệu chỉnh, nâng cấp đến 25 lần. Nhiều tháng nay, nền tảng này đã hoạt động một cách ổn định, thuận lợi, các ngành chức năng đã nhận thấy được hiệu quả của "Cửa khẩu số".

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa cũng ủng hộ, hợp tác để triển khai nền tảng này, đa số các doanh nghiệp thành thạo khai báo thông tin trực tuyến và đã có hơn 1.400 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên nền tảng cửa khẩu số.

Việc triển khai thành công "Cửa khẩu số" tại Lạng Sơn đã thể hiện hình ảnh một chính quyền kiến tạo, hành động, vì nhân dân, tạo bước đột phá trong chuyển đổi số công tác quản lý cửa khẩu, tạo đà cho kinh tế cửa khẩu phát triển nhanh và bền vững.

Đây là mô hình có khả năng nhân rộng áp dụng cho tất cả các cửa khẩu trên toàn quốc, góp phần hình thành hệ thống cửa khẩu số quốc gia, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Chính phủ và các địa phương, các lực lượng chức năng tại các khu vực cửa khẩu./.

Theo Chính phủ

TỪ KHÓA #đầu tư