Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ninh Thuận và Hà Lan ký kết bản ghi nhớ hợp tác nông nghiệp

Phương Phương - 14:45 20/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Tại Tòa Thị chính khu đô thị Westland, ngày 17/6, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận và Hiệp hội Hợp tác Kinh doanh nông nghiệp Hà Lan - Việt Nam (Vương quốc Hà Lan) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển và tăng cường các hoạt động hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và doanh nghiệp Hà Lan trong lĩnh vực trồng trọt hoa màu và lương thực.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận (trái) và Hiệp hội Hợp tác Kinh doanh nông nghiệp Hà Lan – Việt Nam đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm tăng cường phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: TL.

Đây là kết quả của chuyến công tác UBND tỉnh Ninh Thuận được mời tham gia chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan và Cộng hòa Liên bang Đức mới đây.

Bản ghi nhớ hợp tác được hai bên thống nhất sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm đánh giá mức độ khả thi của ý tưởng cũng như giới thiệu các địa phương và doanh nghiệp hai bên.

Theo đó, bản ghi nhớ hợp tác được chia thành 5 giai đoạn.

Giai đoạn 1, các bên sẽ tìm hiểu, có cái nhìn đầy đủ về các mục tiêu, các vấn đề và lợi ích chung để quyết định việc hợp tác. Giai đoạn 2, làm rõ hơn sự quan tâm của mỗi bên và vai trò của mình trong quá trình hợp tác. Giai đoạn 3, hai bên đàm phán và đạt được thỏa thuận về phương hướng hợp tác. Đến giai đoạn 4, các bên sẽ cụ thể hóa hình thức hợp tác dựa trên các trao đổi đã được thống nhất tại các giai đoạn trước. Giai đoạn 5, sau khi đã đạt được thỏa thuận, các bên đi vào triển khai cụ thể.

Bên cạnh đó, theo định kỳ, các đại diện sẽ họp để đánh giá tiến độ thực hiện và thống nhất kế hoạch cụ thể cho các bước tiếp theo. Đồng thời, các bên sẽ nhận được hỗ trợ từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan và chính quyền thành phố  Westland khi cần thiết.

Ninh Thuận quảng bá những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương với đối tác. Ảnh: TL.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận nhận định thị trường Hà Lan được đánh giá là cửa ngõ và là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa vào thị trường châu Âu, giúp kết nối các cảng và khu công nghiệp với châu Âu. Hà Lan cũng là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới và cung cấp 1/4 lượng rau xuất khẩu cho châu Âu. Nền nông nghiệp Hà Lan ngày càng tập trung vào tính bền vững, nguồn thực phẩm lành mạnh, an toàn và quan tâm lớn đến cảnh quan và môi trường. Lĩnh vực nông nghiệp rất đa dạng trong cả chăn nuôi, trồng trọt (trong nhà kính, ngoài trời)… 

Bên cạnh đó, Hà Lan đang có xu hướng nhập khẩu tăng mạnh các loại nông sản như các loại hạt, hoa quả tươi (đặc biệt là bưởi). Ngoài ra, Hà Lan còn là quốc gia nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản đứng thứ 6 tại EU. Các quốc gia đang phát triển là nhà cung cấp chính các sản phẩm thủy hải sản cho thị trường Hà Lan.

Chuyến công tác của UBND tỉnh Ninh Thuận là nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng cơ hội đầu tư vào tỉnh; môi trường đầu tư và một số dự án kêu gọi đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng, năng lượng tái tạo, trung tâm logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch… 

Bên cạnh đó, nghiên cứu, tìm hiểu các quy định trong xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản vào thị trường các nước châu Âu để thúc đẩy xuất khẩu nông sản của tỉnh; khảo sát trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, du lịch nghỉ dưỡng.

Trong năm 2023, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đăng ký 989,1 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 468 dự án với tổng vốn đăng ký 198.594 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 63 dự án với tổng vốn đăng ký 5.368,2 tỷ đồng. Hiện có 48 dự án đã đưa vào hoạt động, 10 dự án đang triển khai và 5 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư.

Thúc đẩy hợp tác lúa gạo giữa Việt Nam và Philippines
Đến 80% lượng gạo nhập khẩu của Philippines đến từ Việt Nam. Philippines đang coi Việt Nam là đối tác trọng yếu để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.