Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bến Tre ký kết hợp tác, đầu tư 30 dự án với số vốn hơn 300.000 tỷ đồng

Chi Phương - 16:11 07/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2024, 20 doanh nghiệp đã cam kết đầu tư hơn 300.000 tỷ đồng vào tỉnh Bến Tre.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại hội nghị

Ngày 3.10.2024, hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2024 đã được tổ chức với chủ đề “Bến Tre - Tầm nhìn hướng Đông và tiềm năng phát triển bền vững”.

Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Nguyễn Hoà Bình, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện ngoại giao các nước Nhật Bản, Campuchia và cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã giới thiệu khái quát, tiềm năng, thế mạnh và các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh. Từ điểm xuất phát thấp, bị cô lập bởi bốn bề sông nước, năm 2010 Bến Tre được Chính phủ đầu tư cầu Rạch Miễu; sau đó là cầu Cổ Chiên đã giúp tỉnh kết nối thông suốt với bên ngoài.

Tiềm năng thế mạnh của tỉnh là trái dừa, thuỷ hải sải được phát huy giá trị. Trái dừa Bến Tre đã được chế biến thành trên 200 món ăn và trên 100 mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ra thế giới; thuỷ hải sản Bến Tre nổi tiếng thế giới được chế biến sâu và trở thành mặt hàng chăn nuôi, xuất khẩu chiến lược của tỉnh. 

Chỉ số CPI của tỉnh từ mức thấp đã vọt lên top 20 cả nước và đứng thứ 6 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, Bến Tre đã có 5.000 doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD/năm.

Quy hoạch chung tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chuyển hướng trọng tâm kinh tế của tỉnh về phía Đông, biến thất thế trước đó thành lợi thế với 3 vùng kinh tế - xã hội và 5 hành lang kinh tế bao gồm: Trung tâm phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; Đô thị - Dịch vụ - Du lịch sinh thái và vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với công nghiệp dịch vụ; 3 hành lang phát triển theo hướng Đông – Tây, hành lang công nghiệp chế biến chế tạo và các khu chức năng.

Đến năm 2030, Bến Tre trở thành đô thị loại I, với nhóm các giải pháp thực hiện nâng cao nguồn nhân lực; tập trung chuyển đổi số và tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước…

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Trần Ngọc Tam nhấn mạnh: Với khát vọng và quan điểm phát triển “dựa vào nội lực là nền tảng, cơ bản lâu dài và ngoại lực là quan trọng, đột phá”, Bến Tre đã xây dựng hoàn thành Quy hoạch tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1399 ngày 17.11.2023. Đây là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên phát triển mạnh về hướng Đông với điểm nhấn là tuyến đường bộ ven biển.

Điểm nhấn tiếp theo thể hiện khát vọng phát triển, tầm nhìn chiến lược là khu lấn biển với diện tích khoảng 50.000ha để mở rộng không gian phát triển và phát triển mạnh kinh tế biển với các đột phá về công nghiệp; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản công nghệ cao; kinh tế hàng hải; dịch vụ, du lịch và đô thị xanh...

Bà Hồ Thị Hoàng Yến (bìa phải)- Quyền Bí Thư Tỉnh ủy và ông Trần Ngọc Tam (bìa trái) -Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre trao Chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp

Tỉnh Bến Tre đã thành công trong việc cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Cụ thể chỉ số PCI của tỉnh năm 2023 tăng 6 bậc so với năm 2022 (từ hạng 13 năm 2022 lên hạng 7) và xếp vị trí thứ 3/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Song song với việc triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, mời gọi đầu tư, tỉnh cũng đã tập trung cải cách mạnh mẽ, toàn diện thủ tục hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh Bến Tre. Qua đó, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã lựa chọn Bến Tre để đầu tư, đồng hành, cùng nhau phát triển, thịnh vượng và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, đây là sự kiện hết sức ý nghĩa, là tiền đề góp phần huy động các nguồn lực, là sự khởi nguồn thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Bến Tre trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng, Bến Tre có vị trí quan trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái… Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa đã tạo cho Bến Tre sự khác biệt, tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch và kinh tế biển.

Bến Tre còn nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phá. Trong đó, quy hoạch tỉnh Bến Tre vừa được phê duyệt đã xác định rõ phương hướng phát triển và các nhiệm vụ, giải pháp để tạo đột phá, hiện thực hóa mục tiêu đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước đến năm 2030 và đến năm 2050 là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Trong đó, thực hiện thành công “Tầm nhìn về hướng Đông và tiềm năng phát triển bền vững” có ý nghĩa rất quan trọng, với các trọng tâm về phát triển kinh tế biển; hạ tầng giao thông trục ven biển; năng lượng tái tạo, cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo; hình thành các khu đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp…

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình tin tưởng hội nghị này sẽ là khởi đầu tốt đẹp, tạo sức lan tỏa và thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo xung lực phát triển Bến Tre trong giai đoạn mới.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Bến Tre đã chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với 20 nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư hơn 300.000 tỷ đồng; trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng.

Tạo sức bật cho 5 thành phố “đầu tàu” kinh tế của cả nước
Với vai trò chủ lực phát triển kinh tế, ngành Công Thương đã góp phần quan trọng để kinh tế các thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, đóng góp vào tăng trưởng GRDP chung của cả nước.