Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Báo động tình trạng nợ bảo hiểm xã hội

00:25 30/03/2018 GMT+7

Theo ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban thu, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết quý I, số tiền nợ các loại bảo hiểm đã lên đến 12.960 tỷ đồng. Trong đó nợ BHXH là hơn 10.000 tỷ đồng, nợ BHYT hơn 2.000 tỷ đồng, nợ Bảo hiểm thất nghiệp là hơn 960 tỷ đồng. Trong khi tính đến cuối năm 2017, số tiền nợ các loại bảo hiểm chỉ là 5.737 tỷ đồng.

Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội. (Ảnh Internet)
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: Internet.

Nguyên nhân là do, tính hết năm 2017, hơn 100 doanh nghiệp FDI có chủ bỏ trốn về nước, hoặc mất tích, gây khó khăn cho hàng nghìn người lao động và việc thu hồi nợ BHXH của các doanh nghiệp này cũng gặp nhiều khó khăn. Trong quý 1, một số doanh nghiệp nước ngoài vẫn xảy ra tình trạng chủ bỏ trốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của hàng nghìn người lao động.

Cơ quan BHXH đã tập trung mọi nguồn lực để đôn đốc kiểm tra, thanh tra việc đóng BHXH và tiến hành quản lý chặt nợ BHXH của các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, cơ quan BHXH cũng đã phải chốt sổ, giải quyết chế độ bảo hiểm cho những người lao động này.

Trước thực trạng này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, nợ tiền đóng BHXH. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi một số pháp luật có liên quan theo hướng khi thanh lý tài sản của các doanh nghiệp giải thể, phá sản thì tiền đóng bảo hiểm xã hội được ưu tiên trước khi thanh toán các khoản khác.

PV