Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập vào nước ta

07:28 25/07/2022 GMT+7
Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế họp khẩn cấp đánh giá tình hình dịch bệnh và bàn phương án ứng phó dịch.

Từ 1/1/2022 đến 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO.

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng; nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao; còn nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus.

bo y te canh bao nguy co benh dau mua khi co the xam nhap vao nuoc ta hinh anh 1

Việt Nam họp khẩn cấp bàn phương án ứng phó dịch đậu mùa khỉ.

Trước tình hình này, ngày 24/7, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì với sự tham dự của các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Y tế một số thành phố lớn, Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đánh giá tình hình dịch bệnh và thống nhất các giải pháp trong thời gian tới.

Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ; tuy nhiên nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.

Được biết, ngay từ tháng 5/2022 (thời điểm ghi nhận sự gia tăng nhanh những ca bệnh tại châu Âu), Bộ Y tế đã chủ động chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur, Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp sẵn sàng dự phòng đáp ứng với dịch bệnh, đồng thời liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh từ nhiều nguồn thông tin; cụ thể:

Bộ đã liên tục liên hệ với WHO, US-CDC, cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế  và các tổ chức khác để cập nhật trao đổi, tin về tình hình dịch bệnh nhằm báo cáo Lãnh đạo Bộ, cung cấp thông tin đến các cơ quan truyền thông, người dân.

Bộ đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ; chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, chuẩn bị sẵn sàng sinh phẩm xét nghiệm phục vụ chuẩn đoán, xác định ca bệnh, các Sở Y tế tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, tại các cơ sở y tế và tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng chống tạm thời.

Đồng thời xây dựng các Infographic Khuyến cáo phòng chống bệnh đậu mùa khỉ; phối hợp WHO Việt Nam hoàn thiện bản tiếng Việt Bộ tài liệu Hỏi - Đáp về bệnh Đậu mùa khỉ và cung cấp đến các cơ quan báo chí, 63 tỉnh, thành phố để truyền thông đến người dân.

bo y te canh bao nguy co benh dau mua khi co the xam nhap vao nuoc ta hinh anh 2

 Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì cuộc họp trực tuyến.

Tại cuộc họp, để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị phối hợp với WHO, CDC Hoa Kỳ và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam; các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại địa phương.

Theo Bộ Y tế, hiện dịch bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp, số mắc tăng nhanh, phương thức lây truyền và đặc điểm của bệnh, virus còn nhiều đặc tính cần tiếp tục nghiên cứu. Kinh nghiệm từ việc ứng phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua và nguy cơ ca bệnh xâm nhập vào nước ta, chúng ta cần chủ động và quyết liệt trong dự phòng, ứng phó.

Cơ quan này chỉ đạo thông tin diễn biến dịch bệnh nên được cập nhật liên tục, báo cáo kịp thời khi có tình huống bất thường xảy ra. Tăng cường mạnh mẽ công tác truyền thông tới người dân, cộng đồng và các đối tượng có nguy cơ về từ vùng dịch, người lưỡng giới, hoặc quan hệ đồng giới. Khuyến cáo người dân, chủ động phòng chống bệnh dịch với phương trâm truyền thông đi trước một bước.

Các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, trước mắt là hướng dẫn về giám sát và phòng chống; chẩn đoán điều trị và phòng ngừa nhiễm khuẩn cần được ban hành, cập nhật.

Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cnhận định bệnh đậu mùa khỉ khó lây, lây qua tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn lớn và không lây qua không khí.  Bên cạnh đó, hiện nay thế giới chưa có thuốc đặc hiệu, vaccine đặc biệt cho bệnh. Việt Nam cũng không còn dữ trự vaccine đậu mùa.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh tại tất cả cửa khẩu và các tỉnh, thành thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản đối phó. Hiện Việt Nam đang ở nhóm 1 chưa có ca bệnh, vậy ứng phó khi vào nhóm 2,3,4 thì như thế nào.

"Việt Nam chưa có ca bệnh song phải xây dựng kịch bản phản ứng với dịch cho các tình huống có ca bệnh, ca nhập cảnh, ca bệnh trong cộng đồng… khi có kịch bản, xử lý nhanh và sẵn sàng ứng phó", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị nhanh chóng hoàn thiện quy trình xét nghiệm chẩn đoán đậu mùa khỉ vì không có hướng dẫn, không thể chẩn đoán ca mắc. 

bo y te canh bao nguy co benh dau mua khi co the xam nhap vao nuoc ta hinh anh 3

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: AP

"Hàng tuần Cục Y tế Dự phòng làm đầu mối họp với các đơn vị để cập nhật tình hình thống nhất các biển pháp triển khai trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, cần có công điện gửi ngay cho các tỉnh thành phố, bộ ngành liên quan để cùng phối hợp thực hiện"- Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.

Về việc phân loại bệnh đậu mùa khỉ là bệnh nhóm A, hay B, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Cục Dự phòng họp với các đơn vị đề xuất sớm. Hiện bệnh đậu mùa chung đang ở nhóm A.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát và các biện pháp phòng chống, truyền thông, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ. Phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, nông nghiệp và các bộ ngành liên quan trong việc quản lý buôn bán, sử dụng, phòng chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ cảm nhiễm cao.

Thứ trưởng cũng đề xuất WHO, CDC Hoa Kỳ hỗ trợ một lượng vaccine nhất định để có thể tiêm cho nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là trong trường hợp xuất hiện tại Việt Nam.  Về thuốc kháng virus nếu có, Việt Nam cũng mong muốn nhận được hỗ trợ.

Bộ Y tế mong muốn WHO và CDC Mỹ và các tổ chức giúp Việt Nam cập nhật thông tin, tăng cường năng lực chẩn đoán, phát hiện, điều trị, hỗ trợ vắc xin để tiêm cho nhóm nguy cơ cao và ca bệnh xuất hiện tại Việt Nam, thuốc kháng virus nếu có.

Theo VOV